Ông Abe tới Washington với đoàn tùy tùng cấp cao hùng hậu và gói đầu tư khổng lồ “làm quà” cho Tổng thống Donald Trump.
Báo chí Nhật Bản đưa tin kế hoạch “Sáng kiến tăng trưởng và việc làm Mỹ-Nhật” gồm các gói hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực: phát triển cơ sở hạ tầng tiên tiến nhất; nghiên cứu và phát triển robot và trí tuệ nhân tạo; hợp tác trong các lĩnh vực không gian và mạng; hợp tác về việc làm và quốc phòng.
700.000 việc làm và 450 tỷ USD
Kế hoạch đầy tham vọng này ước tính có thể tạo thêm 700.000 việc làm mới tại Mỹ và cũng hướng tới tạo lập các thị trường mới trị giá 450 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Báo chí cũng nói Quỹ Đầu tư Lương hưu khổng lồ của Nhật Bản, quỹ lớn nhất thế giới với giá trị 1,2 nghìn tỷ USD, dự kiến tham gia, giúp gia tăng tiền mặt cho cơ sở hạ tầng của Mỹ và các dự án khác.
Ông Trump từng có cuộc gặp gỡ với ông Abe sau khi đắc cử không lâu tại tòa Tháp Trump, New York. Ảnh: AFP. |
Báo Yomiuri dẫn nguồn các ngân hàng của Nhật Bản và cơ quan tiền tệ liên quan của chính phủ nước này cho biết sẽ dành khoản vốn 17.000 tỷ Yen (tương đương 150 tỷ USD) trong vòng 10 năm. Khoan tiền này được dùng để đầu tư vào Mỹ trong các dự án của Washington, như xây mới hệ thống đường sắt với 3.000 tàu và xây dựng các tuyến đường cao tốc, các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ, nhà máy điện khí.
Hãng tin Kyodo cho rằng một loạt các động thái kinh tế trên nhằm đáp ứng kỳ vọng thúc đẩy số việc làm tại Mỹ, trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Nhật Bản đang nỗ lực khẳng định với ông Trump rằng họ là một quốc gia thân thiện trong cả lĩnh vực an ninh và kinh tế.
Tờ Financial Times gọi đây là “thương vụ ngoại giao golf”, vì trong lịch trình của ông Abe có cả trận golf chơi với ông Trump. “Mục đích của Thủ tướng Abe là nhằm thiết lập mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Trump, để từ đó tác động tích cực hơn tới chính sách châu Á của chính quyền mới, giảm căng thẳng trong các vấn đề thương mại và chi phí của quân đội Mỹ tại Nhật Bản”, tờ báo viết.
Nỗi băn khoăn 'lại quả'
Trong bối cảnh Tổng thống Trump vẫn khiến thế giới băn khoăn về đường hướng ngoại giao của mình, kỳ vọng của Nhật Bản vào chuyến đi này vô cùng cao. Nó diễn ra trong bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng trước một Triều Tiên khó đoán và một Trung Quốc không ngừng tìm cách thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền.
Trước báo giới, ông Abe nói: "Tôi muốn cuộc gặp với Tổng thống Trump có thể gửi đi thông điệp rằng liên minh Nhật Bản - Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa”.
Ông hy vọng các cam kết giúp tạo ra công ăn việc làm cho người Mỹ và củng cố quân đội sẽ thuyết phục ông Trump “hạ nhiệt” trong vấn đề mậu dịch và tiền tệ, cũng như đứng về phía đồng minh lâu năm Nhật Bản.
Chính sách thương mại của ông Trump là điều đáng lo ngại đối với Nhật Bản. Ông Trump từng đưa ra vấn đề bất bình đẳng trong lĩnh vực xuất khẩu xe hơi giữa Mỹ và Nhật Bản, chỉ trích Nhật Bản sử dụng chính sách hối đoái để hạ giá đồng Yên.
Hai nước duy trì quan hệ thương mại quy mô lớn, với kim ngạch thương mại dịch vụ và hàng hóa lên tới 200 tỷ USD mỗi năm. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là đòn đau đối với chính phủ Nhật Bản, khiến Thủ tướng Abe mất đi đòn bẩy để thúc đẩy một số quyết định cải cách trong nước. Giờ đây, Nhật Bản đặt nhiều kỳ vọng vào đàm phán thỏa thuận song phương Mỹ - Nhật về thương mại tự do.
Vì vậy, Thủ tướng Abe cần cải thiện quan điểm của của ông Trump đối với Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng với ông Trump, một người chưa có nhiều kinh nghiệm ngoại giao, cũng như chưa có cái nhìn thấu đáo về quan hệ Nhật - Mỹ và tình hình châu Á, nhiệm vụ này không hề đơn giản.
Hai lãnh đạo sẽ cùng chơi golf vào ngày 12/2 tới. Ảnh: AP. |
Về vấn đề an ninh, ông Trump từng chỉ trích Nhật Bản không chia sẻ xứng đáng gánh nặng chi phí dành cho sự hiện diện của Mỹ tại quốc gia này, đe dọa rút quân về nước và cho rằng Nhật Bản cần tự mình phát triển năng lực phòng vệ hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã trấn an Tokyo khi khẳng định về sự vững bền của liên minh, giữ vững cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi đó là Điếu Ngư. Tuy nhiên, Tokyo vẫn lo ngại rằng ông Trump có thể sẽ “chuyển hướng” khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Washington.
Ông Abe sẽ phải thuyết phục ông Trump về tầm quan trọng của liên minh an ninh giữa hai nước trong khu vực là không gì có thể thay thế được, đặc biệt trong bối cảnh cuộc gặp Abe - Trump diễn ra chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm Trump - Tập Cận Bình với những chỉ dấu “tích cực”.
Nhật Bản là đồng minh kiên định của Mỹ. Hơn 47.000 sĩ quan và nhân viên người Mỹ hiện đồn trú tại Nhật Bản, hỗ trợ quốc gia này đảm bảo an ninh và đảm bảo cho Mỹ một vị thế vô giá ở Đông Á.
Báo Sankei còn cảnh báo ông Abe cần tránh để ông Trump dùng cam kết đảm bảo an ninh tại quần đảo Senkaku làm quân bài mặc cả nhằm giành lấy những nhượng bộ từ phía Nhật Bản, nhất là trong các vấn đề kinh tế như đầu tư trực tiếp từ Mỹ.
Cuộc gặp Abe - Trump lần này được cho là có thể tác động đáng kể tới “số phận” của mối liên minh kéo dài nhiều thập kỷ này. Tuy nhiên, theo AFP, nếu ông Abe đang trông đợi được “lại quả” cho những thiện chí của mình, ông có thể sẽ phải thất vọng.