Theo tin từ Báo Chính phủ, chiều nay 18/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 với sự tham gia của một số tỉnh, thành phố tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.
Về việc mở một số đường bay quốc tế, Thủ tướng lưu ý, mỗi chuyến bay đều phải có phương án phòng chống dịch cụ thể, kể cả việc giải phóng nhanh hành khách tại sân bay, địa điểm cách li…
Trên tinh thần tiếp tục mở các đường bay quốc tế có kiểm soát, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đề xuất tăng tần suất chuyến bay, kể cả bay thương mại đón chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân Việt Nam về nước.
Lịch bay cụ thể cần được báo cáo cho Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định.
Thủ tướng nhấn mạnh: Cần có biện pháp nhanh chóng giải tỏa hành khách tại các sân bay, không để tụ tập đông người, dễ lây nhiễm. Các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Công an chỉ đạo giải quyết nhanh hơn nữa các thủ tục đón chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam, báo cáo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.
Việc hướng dẫn qui chế đón tiếp, cách li đoàn chuyên gia, người ở nước ngoài, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài về, một cách chặt chẽ, thuận lợi để vừa giải quyết công việc tốt nhưng vừa bảo đảm phòng chống dịch là vấn đề phải làm tốt, không để lúng túng, Thủ tướng nêu rõ.
Đầu tháng 9, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất việc mở lại đường bay thường lệ quốc tế với 6 đối tác từ ngày 15/9.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý nối lại một số chuyến bay quốc tế theo quan điểm "thận trọng nhưng không quá khắt khe với những chuyến bay từ nước ngoài vào".
Ngày 14/9, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quyết định chưa mở lại đường bay từ ngày 15/9 như kế hoạch ban đầu để cơ quan y tế hoàn thiện qui trình xét nghiệm, cách li y tế đối với các nhóm đối tượng được phép nhập cảnh.
Ngày 15/9 vừa qua, sau 13 ngày Việt Nam không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đồng ý nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế với một số đối tác theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.
Cụ thể, từ ngày 15/9, Việt Nam bắt đầu mở lại đường bay với Quảng Châu và Đài Loan (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc). Từ ngày 22/9, nối lại đường bay giữa Việt Nam và Phnom Penh (Campuchia) và Vientiane (Lào).
Tần suất không quá hai chuyến/tuần cho mỗi đối tác, trong tương lai có thể tăng thêm cho phù hợp với tình hình thực tế.
Các hãng hàng không Việt Nam đều đã thông báo kế hoạch mở lại đường bay quốc tế nhưng số chuyến bay còn rất khiêm tốn. Theo đại diện của Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia này sẽ khai thác chuyến bay quốc tế đầu tiên vào rạng sáng 19/9 trên hành trình từ Hà Nội đến Tokyo (Nhật Bản). Từ nay đến hết tháng 9, Vietnam Airlines sẽ khai thác tổng cộng 4 chuyến bay quốc tế.
Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air cho biết sẽ mở lại đường bay đến Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) từ ngày 29/9 với tần suất một chuyến/chặng/tuần.
Bamboo Airways - hãng hàng không của Tập đoàn FLC - cũng thông báo khai thác 4 chuyến/tuần tới Đài Loan (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản) từ ngày 29/9.
Nói về những lo ngại liên quan tới nguy cơ nhập dịch vào nước ta khi mở cửa bầu trời, chuyên gia hàng không - TS Lương Hoài Nam nhận định: "Thận trọng là tốt, nhưng nếu thận trọng đến mức không làm gì hoặc chỉ mở trên hình thức thì các doanh nghiệp hàng không và du lịch sẽ bị thiệt hại không đáng có. Thận trọng có thể khiến chúng ta bỏ qua những cơ hội, thiếu những sự sáng tạo cũng như trách nhiệm xúc tiến công việc để tạo ra cơ hội trong bối cảnh hiện nay".