Chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sáng nay, 16/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ sản phẩm từ Hội nghị sẽ là một nghị quyết, nghị định của Chính phủ do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, tạo nền tảng pháp luật cho việc tổ chức thực hiện.
Ví DNNN như "chiếc ô tô tải đi giữa đường phố đông người", Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan quản lí và DNNN phải nhanh nhạy hơn, không để chậm quá lâu như thời gian qua, kể cả công tác cán bộ, đầu tư các dự án.
Thủ tướng chỉ đạo không tạo ra tầng nấc hành chính, gây khó khăn, trở ngại cho DNNN: "Phải nóng ruột, hồ sơ để trên bàn ông 1-2 ngày là xong. Cứ 'sống chết mặc bay' thì làm sao phát triển được".
Hội nghị đặt ra nội dung quan trọng là cải cách DNNN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng tình hình, đúng kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan để làm tốt hơn, có kinh nghiệm hơn trong việc này".
Từ đó, Hội nghị đề ra giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ về cơ cấu lại, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN.
Còn nhiều DNNN lớn chưa thực hiện cổ phần hóa. (Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam).
"Chúng ta đã có nhiều cách làm, nhiều chủ trương nên chúng ta đã chống cái trì trệ, thất thoát, kém hiệu quả về cơ bản trong DNNN", Thủ tướng nói. Do đó, tài sản tăng, hàng tồn kho giảm, doanh thu tăng, nộp ngân sách Nhà nước cao hơn. Nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tái cơ cấu thành công.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN còn thấp, từ năm 2016 đến tháng 9/2019, mới cổ phần hóa được 36 doanh nghiệp, đạt 28% kế hoạch. Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa tuân thủ quy định về quản lí giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là những tồn tại về tái cơ cấu, thoái vốn.
Đáng nói, công tác đào tạo cán bộ có năng lực còn bất cập, người tài ít vào DNNN.
Thủ tướng chỉ rõ nhiều bộ, ngành, địa phương, một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng.
Trong DNNN vẫn còn tư tưởng ngại thay đổi, không muốn đổi mới vì lợi ích cá nhân, đặc quyền, đặc lợi, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực, thậm chí có trường hợp tham nhũng, che giấu sai phạm, cố tình làm chậm, không thúc đẩy cổ phần hóa.
Thủ tướng nhận định hiện tượng tham nhũng trong doanh nghiệp Nhà nước là còn, sân trước, sân sau, thậm chí vườn sau là có. Vì thế, cả bộ máy cần hợp sức khắc phục.
Các DNNN cần khẩn trương nâng cao năng lực quản trị, bộ máy điều hành thông qua áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại. Chính vì vậy, bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tính tự chủ và kỉ luật cần phải được đặt ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Trao quyền tự chủ cho anh em điều hành, tin anh em nhưng có cơ chế kiểm soát quyền lực". (Ảnh: VGP).
Ngoài ra, mỗi tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo. Về việc đào tạo nhân lực, Thủ tường lưu ý: "Các đồng chí phải là người đi đầu trong thực hiện cuộc cách mạng 4.0".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí, ủng hộ quan điểm "trao quyền tự chủ cho anh em điều hành, tin anh em nhưng có cơ chế kiểm soát quyền lực", "không để cái gì cũng chạy đi xin".
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Nghị định nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Với những việc thuộc về pháp luật gặp phải vướng mắc thì các cơ quan sớm lên tiếng với Chính phủ để sớm trình Quốc hội.