Thủ tướng gợi mở hướng đi cho Bắc Ninh để sớm lên thành phố trực thuộc Trung ương

Thời gian tới, Bắc Ninh cần phát triển nhanh và bền vững, nhanh chóng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò đô thị vệ tinh của Hà Nội. Theo Thủ tướng, tỉnh cần phát triển dựa chủ yếu vào nguồn lực con người, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung cho những ngành mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…

Chiều ngày 30/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh để đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của tỉnh, theo Báo Chính phủ.

Sau khi nghe các báo cáo về tình hình phát triển của tỉnh, Thủ tướng đã phân tích về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Bắc Ninh, rằng địa phương này thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ phía đông bắc của Thủ đô, tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn của phía bắc.

Tỉnh có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư trong nước và tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng Thủ đô. Diện tích Bắc Ninh nhỏ nhất Việt Nam (822,7 km2) nhưng dân số gần 1,5 triệu người (đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố), mật độ dân số cao thứ 3/63 tỉnh, thành phố (chỉ sau Hà Nội và TP HCM).

Hệ thống đường cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh, các tuyến đường quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế phía bắc; nằm trong hai hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; có đường sông thuận lợi nối với các vùng lân cận; gần sân bay quốc tế Nội Bài, cảng biển Hải Phòng và các trung tâm kinh tế lớn miền Bắc, thuận lợi cho giao thương.

Hệ thống khu, cụm công nghiệp phát triển nhanh, là điểm sáng trong thu hút FDI. Với 26 cụm công nghiệp có tổng diện tích gần 900 ha, Bắc Ninh sở hữu mặt bằng sản xuất lớn thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ trong nước và quốc tế.

Hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, điện, nước, nhà ở… được triển khai xây dựng đồng bộ. Môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, tốc độ phát triển doanh nghiệp và kinh tế - xã hội ở mức cao...

Một góc TP Bắc Ninh. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Bên cạnh những lợi tiềm năng và lợi thế nêu trên, Bắc Ninh vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, theo Thủ tướng. 

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2023 giảm sâu. Công tác giải ngân đầu tư công cần cố gắng nhiều hơn; công tác quy hoạch cần khẩn trương hơn; việc giải phóng mặt bằng còn khó khăn…

Tổng vốn FDI vào Bắc Ninh trong 7 đầu năm đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ. Hạ tầng kết nối vùng còn yếu và thiếu. Việc đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính cần nỗ lực hơn nữa.

Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần phân tích sâu hơn nguyên nhân của những hạn chế, từ đó có biện pháp, giải pháp khắc phục sớm, hiệu quả. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh trong những tháng đầu năm suy giảm sâu do nguyên nhân khách quan là chủ yếu, do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, nhất là nhu cầu trên thị trường thế giới đối với các sản phẩm mà Bắc Ninh có thế mạnh bị suy giảm.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, xây dựng Bắc Ninh phát triển nhanh và bền vững, nhanh chóng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò đô thị vệ tinh của Hà Nội - đây là lợi thế và cũng là thách thức của tỉnh. 

Thủ tướng đã gợi ý 2 ưu tiên lựa chọn cho Bắc Ninh gồm: Thứ nhất, phát triển dựa chủ yếu vào nguồn lực con người, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung cho những ngành mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Thứ hai, phát triển trên cơ sở phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, lịch sử.

Trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng yêu cầu Bắc Ninh tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) với các nhiệm vụ, giải pháp về chính sách tiền tệ, tài khóa…, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, triển khai chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng. Khẩn trương trình phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thành chậm nhất trong tháng 10/2023.

Thủ tướng lưu ý, trong quy hoạch cần chú ý vấn đề kết nối vùng; phát huy được tiềm năng, cơ hội, lợi thế; khắc phục được những vấn đề tồn tại, hạn chế như về giao thông và môi trường. Tinh thần là "quy hoạch đi trước, xây dựng đi sau, trồng cây trước, xây nhà sau, khai thác lòng đất trước, khai thác mặt đất sau".

Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; đặt mình vào địa vị của người dân khi giải quyết công việc, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản trong và ngoài nước.

Cùng với đó, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là quản lý môi trường đô thị, khu công nghiệp, làng nghề; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp… Phải quan tâm đầu tư, cải tạo các dòng sông gắn với phát triển xanh, bền vững, bảo đảm an toàn nguồn nước, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm. Quan tâm công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nhất là với người nghèo, đặc biệt quan tâm việc xây dựng nhà ở xã hội, Bắc Ninh làm mô hình cho cả nước về vấn đề này.

Phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, phối hợp với các cơ quan thành lập trường đại học xứng tầm với thành phố Bắc Ninh trực thuộc Trung ương trong tương lai.

chọn
DIG báo lãi quý cuối năm nhờ 3 dự án bất động sản, dòng tiền kinh doanh âm gần 2.200 tỷ
Quý IV/2024, DIG lãi sau thuế 87 tỷ đồng nhờ chuyển nhượng bất động sản tại các dự án CSJ, dự án Hậu Giang và dự án Hiệp Phước.