Thủ tướng: Huy động nguồn lực là vấn đề quan trọng nhất để triển khai Quy hoạch Cần Thơ

Sáng 10/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư TP Cần Thơ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Huy động nguồn lực là vấn đề quan trọng nhất để triển khai Quy hoạch TP Cần Thơ. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Cùng tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và một số địa phương vùng ĐBSCL, nguyên lãnh đạo Cần Thơ qua các nhiệm kỳ; đại điện các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tại hội nghị, lãnh đạo TP Cần Thơ đã giới thiệu về tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới, các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, dự án đầu tư vào địa phương; công bố Quy hoạch Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 2/12/2023.

Đến nay, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của 32 địa phương. Cần Thơ là địa phương thứ 27 của cả nước và thứ 8 của ĐBSCL được phê duyệt Quy hoạch.

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường, đây là cơ sở, là tiền đề vững chắc để Cần Thơ tiếp tục mở rộng tầm nhìn, tăng tốc bứt phá, thể hiện sự khát khao mong muốn đưa Thành phố phát triển vươn tầm cao mới, khẳng định vai trò là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL, phát triển thích ứng trong tình hình mới, xứng tầm với vị thế tiềm năng của vùng đất Tây Đô.

Quy hoạch hướng tới "Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam, là trung tâm, cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL".

Nhiệm vụ quan trọng được đặt ra là xây dựng Cần Thơ là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế.

Ông Trần Việt Trường khẳng định, với phương châm "Sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của TP Cần Thơ", lãnh đạo Thành phố cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất: "Để biến ý tưởng khả thi của các nhà đầu tư và các mục tiêu trong Quy hoạch sớm trở thành hiện thực". Lãnh đạo TP Cần Thơ quyết tâm nỗ lực chỉ đạo, điều hành, luôn đồng hành, sát cánh, xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, lành mạnh, bình đẳng, công khai, minh bạch để doanh nghiệp, nhà đầu tư đóng góp các ý tưởng, triển khai các dự án phù hợp với các mục tiêu đã xây dựng.

Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo TP Cần Thơ đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Yêu cầu khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch, mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, của cải vật chất, Thủ tướng lưu ý cần triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc triển khai thực hiện Quy hoạch Cần Thơ, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố trong thời gian tới.

Hội nghị là sự tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng, nhất là Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chia sẻ với các đại biểu, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích khái quát về những yếu tố nền tảng phát triển, tình hình kinh tế-xã hội và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình thế giới thời gian gần đây tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, trong đó có những vấn đề chưa có tiền lệ, vượt dự báo, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng lên; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước, góp phần củng cố tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng cho biết, sau mỗi chuyến công tác nước ngoài gần đây của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những thỏa thuận đạt được đều được khẩn trương triển khai thực hiện bằng những chương trình, kế hoạch, dự án, cụ thể, mang lại nguồn lực, sản phẩm, hiệu quả cụ thể cho phát triển đất nước.

Đáng chú ý, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài khi tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng năm 2023 đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9%.

Nguyên nhân chủ yếu của kết quả đạt được là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư.

Thủ tướng nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp cách mạng của Đảng: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH; sự nghiệp cách mạng của dân, do dân và vì dân; tăng cường và phát huy đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong và ngoài nước; vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định.

Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Vấn đề lớn nhất để thực hiện quy hoạch là nguồn lực

Theo Thủ tướng, quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung cũng như của từng địa phương nói riêng.

Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, với tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, đột phá, nhưng có tính ổn định, lâu dài, chỉ ra và khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, cơ hội, lợi thể để phát triển nhanh, bền vững, tìm ra khó khăn, thách thức, mâu thuẫn, tồn tại để hóa giải, khắc phục. Quy hoạch địa phương phải gắn kết với quy hoạch vùng; quy hoạch vùng phải gắn kết với quy hoạch quốc gia.

Đến nay, đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch đã hoàn thành việc lập, trình thẩm định, phê duyệt. Trong đó, 4 quy hoạch địa phương (Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai) và 5 quy hoạch vùng đang làm. Lần đầu tiên, đất nước ta có hệ thống quy hoạch từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh, thành phố, huyện.

Nêu rõ ĐBSCL là vùng sông nước, có rừng biển đa dạng, là trung tâm nuôi trồng thủy hải sản, là vựa lúa của cả nước, có nền văn hóa bản sắc, phong phú, truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng, nhân dân cần cù, anh dũng, đôn hậu, mến khách, Thủ tướng cũng nêu rõ, khu vực đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức, như chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở, hạn mặn, khó khăn về giao thông và nguồn nhân lực.

Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước đã nhận diện những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức nói trên và đề ra, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh, bền vững khu vực ĐBSCL, nhất là triển khai 3 đột phá về hạ tầng, thể chế, nhân lực.

Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về vùng ĐBSCL. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL. Triển khai Quy hoạch vùng, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn trong vùng đang được triển khai, gồm các tuyến cao tốc trục ngang và trục dọc.

Cùng với đó, nâng cấp, xây dựng các sân bay, nghiên cứu xây dựng các cảng lớn như Trần Đề, Cái Cui… và tuyến đường sắt TPHCM-Cần Thơ, phát triển đường thủy nội địa. Gần đây nhất, chúng ta đang triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng hoan nghênh Cần Thơ khẩn trương xây dựng, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và công bố Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết nối với quy hoạch vùng ĐBSCL - quy hoạch vùng đầu tiên trên cả nước được phê duyệt.

Cần Thơ là một trong những địa phương nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn của Đảng, Nhà nước; có hệ thống cơ chế chính sách ưu đãi đầy đủ, đồng bộ, thuận lợi; có hệ thống quy hoạch hoàn chỉnh. Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, vị trí trung tâm vùng ĐBSCL mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong; có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và nuôi trồng, chế biến thuỷ sản; đồng thời, với vị trí là giao điểm của hai trục kinh tế-đô thị năng động nhất của vùng ĐBSCL…

Bên cạnh đó, cũng như ĐBSCL, Cần Thơ còn nhiều khó khăn như hạn chế về hạ tầng giao thông, chịu tác động của biến đổi khí hậu, đây là những vấn đề rất lớn, không thể giải quyết một sớm một chiều.

Thủ tướng yêu cầu Cần Thơ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 13-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, Nghị quyết số 59-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 98/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW, đồng thời phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, ưu thế mà Cần Thơ được Quốc hội ưu tiên phê duyệt tại Nghị quyết số 45/2022/QH15 năm 2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Yêu cầu khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh, mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, của cải vật chất, Thủ tướng lưu ý cần triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm, trong đó vấn đề quan trọng nhất là huy động nguồn lực với quan điểm lấy nội lực (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, cùng với nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá (về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, góp ý hoàn thiện thể chế).

 

 

Nguyên lãnh đạo TP Cần Thơ qua các nhiệm kỳ, đại diện một số địa phương vùng ĐBSCL, đại điện các doanh nghiệp, nhà đầu tư dự hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc). 

Yêu cầu Cần Thơ phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên bằng nội lực, bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình, Thủ tướng nhấn mạnh những định hướng, nhiệm vụ quan trọng để thực hiện quy hoạch.

Thứ nhất, phát huy nguồn lực trí tuệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ làm động lực phát triển chính, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng và cả nước, từ đó tạo quỹ đất mới với giá trị gia tăng cao hơn, tạo không gian phát triển mới, động lực phát triển mới, đồng thời giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa, nhất là nông sản tươi sống cần vận chuyển nhanh.

Thứ ba, huy động đa dạng các nguồn lực phát triển, gồm vốn Nhà nước, vốn tư nhân, vốn Trung ương, vốn địa phương, vốn vay, đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút đầu tư FDI thông qua cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi…

Cùng với đó, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù và tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để từ đó tạo ra nguồn lực phát triển. Thành phố cần tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

Thủ tướng và lãnh đạo TP Cần Thơ tặng hoa chúc mừng các doanh nghiệp và đơn vị được trao biên bản ghi nhớ chủ trương đầu tư. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

"Vấn đề lớn nhất để thực hiện Quy hoạch là nguồn lực. Nguồn lực từ nội lực, từ ngoại lực, nguồn lực từ phát triển hạ tầng, nguồn lực từ hợp tác công tư, từ cải cách thủ tục, nguồn lực từ cơ chế, chính sách, nguồn lực từ sự đoàn kết, thống nhất, nguồn lực từ cách làm trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó…", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp; thực hiện tốt văn hóa kinh doanh, tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; "đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả".

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; luôn đồng hành, giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của Cần Thơ và người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.