Thừa Thiên - Huế chậm hoàn thành quy hoạch, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư

Theo quy định của Luật Quy hoạch, các quy hoạch ngành trên địa bàn tỉnh sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh nhưng đến nay quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt nên ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư.

Một góc TP Huế hiện nay. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Chậm hoàn thành quy hoạch đang là một trong những nguyên nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư, cũng như chậm tiến độ triển khai nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vấn đề này cần được các sở, ngành của địa phương sớm vào cuộc chung tay tháo gỡ nhằm giải quyết rốt ráo “điểm nghẽn” này.

Việc kêu gọi các dự án đầu tư cũng như quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư phải phù hợp với nhiều loại quy hoạch khác nhau như quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch bảo tồn di tích, an ninh, quốc phòng...

Theo quy định của Luật Quy hoạch, các quy hoạch ngành trên địa bàn tỉnh sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên đến nay, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt nên ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 148/246 dự án đang kêu gọi đầu tư nhưng phải chờ quy hoạch để lập thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài ra, một số dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư lại chưa có quy hoạch phân khu được duyệt theo quy định, ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.

Đối với quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị, đến nay tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị của tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu so với diện tích đất xây dựng đô thị đạt khoảng hơn 62%; quy hoạch chi tiết 1/500 toàn tỉnh đạt trên 15%...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vào tháng 5/2020. Dự kiến hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch tỉnh trong tháng 12.  Nhìn chung, tiến độ lập quy hoạch chung của tỉnh cũng như các quy hoạch khác ở Thừa Thiên - Huế còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đại Vui cho biết, ngoài nguyên nhân việc thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017 phát sinh những bất cập trong thực tiễn, có nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác, địa phương còn có đặc thù về di sản nên khó chọn được đơn vị tư vấn đủ năng lực để lập quy hoạch.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế phải tổ chức hai lần mời thầu mới lựa chọn được đơn vị tư vấn, do vậy dẫn đến tiến độ lập quy hoạch có chậm so với yêu cầu đề ra. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân chủ quan như: công tác chỉ đạo, phối hợp tham mưu lập quy hoạch của một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự được ưu tiên và quan tâm đúng mức. Năng lực của đơn vị tư vấn lập quy hoạch, năng lực thẩm tra, thẩm định trình phê duyệt quy hoạch của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa cao; quá trình tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư tham gia vào các quy hoạch còn mang tính hình thức…

Từ năm 2020 – 2022, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bố trí hơn 83,7 tỷ đồng để thực hiện 53 dự án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, dự án lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Năm 2023, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục bố trí hơn 65 tỷ đồng để thực hiện các dự án quy hoạch, trong đó ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ các dự án quy hoạch quan trọng.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đại Vui, cần phải xác định công tác tổ chức lập và phê duyệt các loại quy hoạch trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ ưu tiên và là giải pháp đột phá để kêu gọi, triển khai các dự án đầu tư, góp phần quan trọng trong việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với quy hoạch tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương phải tập trung phối hợp, đôn đốc đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, rà soát các quy hoạch tích hợp vào quy hoạch tỉnh; khẩn trương hoàn thiện báo cáo để tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương trong tháng 12/2022; trình Hội đồng thẩm định Quốc gia, HĐND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý I/2023.

Đối với Quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, theo định hướng toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2023. Song song với việc lập đồ án quy hoạch chung, các sở, ban ngành, địa phương chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức lập các quy hoạch phân khu...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.