Thúc tiến độ dự án ODA xây dựng 6 cầu mới thay thế cầu yếu trên các quốc lộ

6 cây cầu mới nằm trong kế hoạch giải ngân vốn năm nay gồm cầu Bến Mới (QL.38B, Nam Định), cầu Đoan Hùng (QL.2, Phú Thọ), cầu Xóm Bóng (QL.1C, Khánh Hòa), cầu Đa Phúc (QL.3, nằm giữa Hà Nội và Thái Nguyên), cầu Sông Trường và Nước Oa (QL.40B, Quảng Nam)

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 1 sử dụng vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hợp tác và Phát triển Kinh tế (EDCF) của Chính phủ Hàn Quốc đến nay đã giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành 2/4 gói thầu.

Phần mặt bằng để thi công cầu Đa Phúc thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên và TP Hà Nội và mặt bằng cầu Bến Mới thuộc tỉnh Ninh Bình dự kiến bàn giao toàn bộ trước ngày 30/9/2022.

Về tiến độ xây dựng 6 cầu thuộc dự án đã triển khai thi công với sản lượng đạt khoảng 15%, cơ bản đáp ứng kế hoạch.

Lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông cho hay, để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ban Quản lý Dự án 2 (đại diện chủ đầu tư) phối hợp chặt chẽ với địa phương để giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng, đồng thời thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án 2, trong năm 2022 kế hoạch giải ngân vốn để xây dựng 6 cầu gồm: cầu Bến Mới (QL.38B, Nam Định), cầu Đoan Hùng (QL.2, Phú Thọ), cầu Xóm Bóng (QL.1C, Khánh Hòa), cầu Đa Phúc (QL.3, nằm giữa Hà Nội và Thái Nguyên), cầu Sông Trường và Nước Oa (QL.40B, Quảng Nam) là 371 tỷ đồng, đến nay, dự án đã giải ngân được 191 tỷ đồng đạt hơn 50% giá trị. Từ đây đến cuối năm, Ban Quản lý Dự án 2 sẽ thúc đẩy tiến độ dự án đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân.

Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án 2, dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ giai đoạn 1 sẽ đóng hiệp định vay vốn vào tháng 6/2024, vì thế thời gian thi công còn khá dài. Tuy nhiên, để chủ động tiến độ dự án, Ban Quản lý Dự án 2 đang phấn đầu đưa dự án cán đích trước tháng 9/2023.

Liên quan đến công tác bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường tại dự án, đặc biệt sau phản ánh việc phá dỡ cầu cũ để thi công cầu mới (cầu Xóm Bóng) có nhiều bất cập như để bê tông sau khi phá dỡ cầu cũ rơi xuống lòng sông Cái. Đại diện Ban Quản lý dự án 2 khẳng định đã có những chấn chỉnh nhà thầu thi coong cầu Xóm Bóng.

Theo đó, Ban Quản lý Dự án 2 đã yêu cầu nhà thầu sẽ thanh thải, làm sạch toàn bộ lòng sông, trả lại nguyên trạng lòng sông sau đó mới được thi công các giai đoạn tiếp theo của cầu mới. Hiện việc phá dỡ cầu Xóm Bóng cũ đã cơ bản hoàn thành.

Để tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường, Ban Quản lý Dự án 2 đã thuê một đơn vị đánh giá độc lập về môi trường để hàng tháng có báo cáo về các chỉ số môi trường xung quan công trường thi công. Đồng thời mỗi quý đơn vị này sẽ có báo cáo tổng hợp về việc quan trắc đánh giá tác động môi trường gửi chủ đầu tư.

Theo Bộ GTVT, mục tiêu của Dự án Tín dụng ngành cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ sử dụng vốn vay ưu đãi do EDCF tài trợ nhằm xây mới, nâng cấp khoảng 60 cầu yếu, cầu kết nối trên các hệ thống đường quốc lộ trong phạm vi cả nước nhằm bảo đảm tính kết nối đồng bộ, nâng cao hiệu quả khai thác mạng lưới đường bộ.

Ngoài 6 cầu yếu đang triển khai thuộc giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 1.498 tỷ đồng thì Bộ Giao thông Vận tải cũng đang yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 hoàn thành các thủ tục để triển khai xây dựng mới 10 cầu mới thay thế các cầu yếu tiếp theo thuộc giai đoạn 2 của dự án.

Được biết, tổng mức đầu tư giai đoạn 2 vào khoảng hơn 1.100 tỷ đồng cho 10 cầu nằm rải rác trên toàn quốc gồm tỉnh Nam Định (1 cầu), QL.19 Gia Lai với 5 cầu, Kiên Giang (1 cầu), Hậu Giang và An Giang mỗi địa phương một cầu.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.