Tỉ phú Thái Lan muốn tăng cổ tức tại Sabeco

Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) vừa công bố phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 để xin ý kiến đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới. Tất cả các khoản trích quỹ gồm khen thưởng phúc lợi, đầu tư phát triển và công tác xã hội đều tăng so với kế hoạch được thông qua trước đó, lên trên 66 tỉ đồng.

Sabeco cũng tăng tỉ lệ chia cổ tức lên 50%, tức mỗi cổ phiếu nhận được 5.000 đồng. Vì chênh lệch 15% so với kế hoạch ban đầu nên doanh nghiệp dẫn đầu thị phần bia rượu tại Việt Nam ước tính tốn thêm 1.000 tỉ đồng cho việc này.

Những năm trước khi tỉ phú Thái Lan đưa nhân sự vào điều hành, tỉ lệ chia cổ tức chỉ dao động 23-35%. Dự kiến sau khi hoàn tất phân phối lợi nhuận, luỹ kế còn lại của Sabeco khoảng 6.714 tỉ đồng.

Trước đó vào tháng 10 và tháng 11/2018, Sabeco tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tổng tỉ lệ 35%. Vietnam Beverage – cổ đông lớn sở hữu 53,59% vốn điều lệ Sabeco, đồng thời là công ty con gián tiếp của tỉ phú Thaibev Charoen Sirivadhanabhakdi đã nhận hơn 1.200 tỉ đồng từ hai đợt này. Doanh nghiệp này sẽ gom thêm khoảng 515 tỉ đồng nếu phương án mới được thông qua.

Tỉ phú Thái Lan muốn tăng cổ tức tại Sabeco - Ảnh 1.

Sản phẩm bia của Sabeco được bày bán trên các kệ hàng.

Theo thông tin từ Thaibev, trong quý I niên độ tài chính 2018-2019, cơ cấu doanh thu phân theo ngành hàng và khu vực địa lý của tập đoàn xáo trộn mạnh khi hợp nhất gần 13.000 tỉ đồng doanh thu từ nhóm doanh nghiệp liên quan đến Sabeco tại Việt Nam.

Ban lãnh đạo Thaibev cho biết, trong khi sản lượng tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Á đang chậm lại thì Sabeco vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Tập đoàn này tin rằng việc mua lại Sabeco sẽ giúp mở rộng kinh doanh vào Việt Nam, nơi có dân số trẻ, mạng lưới phân phối rộng khắp và thị trường bia tăng trưởng mạnh nhất khu vực.

Tại phiên họp sắp tới, Sabeco cũng trình đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch sản lượng tăng lên 1.908 triệu lít. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 38.871 tỉ đồng và 4.717 tỉ đồng, tương ứng tăng trưởng 7,5% và 6,6% so với năm trước.

Một số nhiệm vụ quan trọng được ban điều hành công ty đề ra để hoàn thành các chỉ tiêu này gồm giữ thị phần tại khu vực nông thôn, mở rộng độ phủ tại các thị trường thành thị và xuất khẩu, cấu trúc toàn diện hệ thống phân phối, cho ra đời các dòng sản phẩm mới...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.