Tìm đích đến của dòng tiền - Bài cuối: Cơ hội nào cho nhà đầu tư trong năm 2021?

Thị trường vàng liên tục biến động khó đoán định, bất động sản “nhảy múa” trong cơn sốt ảo, lãi suất tiết kiệm hạ xuống mức thấp... duy nhất chỉ có thị trường chứng khoán có những diễn biến tích cực với sự nhập cuộc của nhiều nhà đầu tư mới cùng với dòng tiền lớn đổ vào thị trường.

Trong bối cảnh đó, mặc dù nền kinh tế Việt Nam được dự báo là có những triển vọng tích cực trong năm 2021 và nhiều lĩnh vực, ngành hàng có khả năng phục hồi, nhưng việc nhà đầu tư nên bỏ vốn vào kênh đầu tư nào vẫn là một bài toán không dễ tìm lời giải.

Xung quanh chủ đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia tài chính PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh.

Tìm đích đến của dòng tiền - Bài cuối: Cơ hội nào cho nhà đầu tư trong năm 2021? - Ảnh 1.

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam được dự báo là có những triển vọng tích cực trong năm 2021 và nhiều lĩnh vực, ngành hàng có khả năng phục hồi, nhưng việc nhà đầu tư nên bỏ vốn vào kênh đầu tư nào vẫn là một bài toán không dễ tìm lời giải. Ảnh minh họa: Minh Nghĩa/TTXVN

Xin ông cho biết khái quát về tác động của đại dịch COVID-19 đến các kênh đầu tư thời gian qua?

Dịch COVID-19 đã làm xáo trộn và đình trệ toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Thị trường tài chính tiền tệ cũng có rất nhiều xáo trộn và đặc biệt trong đó là các kênh đầu tư. Nếu nói trên phạm vi toàn cầu thì các kênh đầu tư trong năm 2020 sụt giảm từ 20-30% và đặc biệt là kênh đầu tư ra nước ngoài của toàn thế giới, sụt giảm rất lớn.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam hoạt động đầu tư trong năm 2020 vẫn có những dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng trong nửa cuối của năm 2020. Kênh đầu tư bất động sản trì trệ tương đối dài, mặc dù có một số phân khúc, một số địa phương có thể có sự tăng giá nhẹ. Kênh đầu tư vàng cũng có những biến động mạnh khi giá vàng thế giới tăng gần 30% so với cuối năm 2019.

Lĩnh vực chứng khoán lên xuống theo sức khỏe của các nền kinh tế. Nhưng nhìn chung hầu hết các nền kinh tế thế giới thị trường chứng khoán đi xuống, riêng Việt Nam, Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khi đã kiểm soát được dịch bệnh thì thị trường có lên, thậm chí như thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2020 đã tăng rất mạnh. Điều này phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế, phản ánh kỳ vọng cũng như niềm tin của các nhà đầu tư đối với hoạt động khôi phục nền xuất kinh doanh. Kênh tiền gửi tiết kiệm rõ ràng cũng có thay đổi mà đặc biệt đó là giảm lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay.

Thưa ông, thị trường vàng trong năm 2020 liên tục nhảy múa khiến các nhà đầu tư rất khó đoán định. Vậy trong năm 2021, thị trường này được dự báo sẽ diễn biến như thế nào?

Chúng ta biết rằng năm 2020 giá vàng có lúc lên, lúc xuống nhưng chủ yếu là theo chiều hướng đi lên và kết thúc năm 2020 mức tăng của thị trường này đã gần 30%. Tuy nhiên, đầu năm 2021, nền kinh tế thế giới đã có những phục hồi nhất định. Hầu hết các quốc gia cũng đã quen với trạng thái bình thường mới và trở lại sản xuất kinh doanh.

Dấu hiệu phục hồi xuất hiện ngay từ cuối quý 4 năm 2020 và các tổ chức quốc tế cũng dự báo trong năm 2021, kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 4%; trong đó có những quốc gia tăng trưởng rất mạnh và vì thế lực hút của dòng tiền vào đầu tư sản xuất kinh doanh sẽ lớn. Dự báo giá vàng thế giới sẽ tiếp tục đi xuống cho đến cuối năm.

Thưa ông, thị trường bất động sản trong năm 2020 trải qua một khoảng lặng khá dài khi mà tình trạng thừa cung, thiếu cầu vẫn tiếp diễn. Vậy bước sang năm 2021, kênh đầu tư này được ông đánh giá như thế nào?

Chúng ta biết rằng bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế cũng như thu nhập của các tầng lớp dân cư. Từ đó người ta sẽ có nhu cầu thực. Đối với nền kinh tế của chúng ta trong năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta thấy ở thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, một số đô thị vùng ven đã có mức tăng tương đối cao. Trong năm vừa qua thì trái phiếu của các doanh nghiệp tăng trưởng rất mạnh, mức tăng thậm chí được đánh giá đến 20% và đã vượt mốc 13% mà các cơ quan quản lý đề ra.

Tuy nhiên, điều lo lắng nhất đó là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản tương đối nhiều và đặc biệt thời gian đầu lãi suất rất cao, thậm chí có những doanh nghiệp huy động lãi suất 17-18%, còn thông thường là 12-13%. Đây là nguồn hút của dòng tiền đang hạ thấp từ kênh tín dụng của chúng ta.

Trong nền kinh tế khi hạ thấp lãi suất thì nguồn bất động sản, trái phiếu bất động sản lại hút vào. Vì vậy, mặc dù trầm lắng nhưng giá bất động sản không giảm và thậm chí năm 2021 kênh bất động sản có nhiều cơ hội để tăng trưởng. Nhưng chúng ta cũng phải rất cẩn trọng với việc có thể hình thành bong bóng tài sản và gây nguy hiểm đến thị trường bất động sản cũng như thị trường tài chính, tiền tệ.

Thưa ông, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2020 rất khó lường và biến động mạnh hiếm có, nhưng lại là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong năm. Vậy ông dự báo như thế nào về kênh đầu tư này trong năm 2021?

Trong năm 2021, thị trường chứng khoán tăng trưởng rất mạnh mẽ. Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục kỳ vọng vào sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Do đó, các nhà đầu tư trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán. Nhưng thị trường cũng sẽ có sự điều chỉnh và xu thế chung trong năm là sẽ tăng trưởng, nhưng tùy thuộc vào từng loại chứng khoán, từng thời điểm và có sự điều chỉnh xen kẽ, tăng giảm trong các thời kỳ, đặc biệt trong khoảng 6 tháng đầu năm.

Năm 2020 lãi suất tiết kiệm đã liên tục giảm sâu về dưới 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và đây là mức lãi suất thấp nhất trong nhiều năm qua, khiến cho nhiều người gửi tiền không còn mấy mặn mà với kênh tín dụng. Vậy ông đánh giá thế nào về sức hút của kênh này trong năm 2021?

Để tiếp tục tăng trưởng và phát triển trong năm 2021, mức tín dụng sẽ được điều chỉnh khi mà sản xuất tăng trưởng và phát triển trở lại, các doanh nghiệp cần vốn và phải đi vay. Khi đó, muốn huy động nhiều hơn thì lãi suất huy động tăng lên và đương nhiên lãi suất cho vay cũng sẽ tăng. Mặc dù các nhà quản lý rất mong muốn là chúng ta giữ lãi suất thấp để giúp phục hồi và tăng trưởng kinh tế, nhưng chúng tôi cho rằng lãi suất sẽ tăng trong năm 2021.

Ngoài những kênh đầu tư thông thường mà chúng ta vừa trao đổi, theo ông còn kênh đầu tư nào được nhận diện là hiệu quả trong năm 2021?

Để đầu tư hiệu quả chúng ta nên lựa chọn đầu tư theo những tỷ lệ hợp lý trong một quá trình tương đối lâu dài, lúc đó độ an toàn sẽ cao hơn. Năm 2021, tiền gửi tiết kiệm dự báo sẽ tăng lên do tăng lãi suất tiền gửi cũng như lãi suất tiền vay và từ đó nhu cầu về vốn trong nền kinh tế sẽ tăng lên. Tuy nhiên rõ ràng là mức lạm phát cũng có thể tăng theo và vì thế kênh tiền gửi tiết kiệm dù sao vẫn an toàn và chắc chắn hơn.

Có một kênh rất mới mà chúng ta cũng có thể tham khảo nếu được Ngân hàng Nhà nước thông qua, đó là kênh fintech thông qua cho vay tài chính, có thể cho vay trực tiếp giữa các tổ chức và cá nhân với nhau. Điều này sẽ vừa tạo thuận lợi cho cả người vay lẫn người cho vay và lợi ích chia đều cho cả hai bên. Tuy nhiên kênh này chỉ thực hiện được khi các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Xin cảm ơn ông!

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.