Tình hình triển khai các dự án bất động sản của Hà Đô như thế nào?

Ngoài dự án Hado Charm Villas đã sẵn sàng mở bán, một số dự án khác của Hà Đô như Hado Green Lane hay Hado Minh Long vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Từ đầu năm đến nay Hà Đô liên tục huy động vốn và bơm vốn vào các nhà máy điện.
Các dự án của Hà Đô đang hoạt động ra sao? - Ảnh 1.

Dự án Hado Charm Villas tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Huy).

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo cập nhật tình hình triển khai một số dự án bất động sản của CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG).

Tại dự án Hado Centrosa, trong 9 tháng đầu năm Hà Đô ghi nhận 762 căn hộ đã được bàn giao. Tính đến cuối tháng 10, tổng số căn bàn giao lũy kế đạt 2.000 căn (87% qui mô dự án) và các căn còn lại dự kiến sẽ được bàn giao trong quí IV/2020.

Theo nhận định của VDSC, từ năm 2021 đóng góp của Hado Centrosa vào kết quả kinh doanh của Hà Đô sẽ không còn đáng kể khi đã bàn giao gần hết lượng căn hộ.

Bên cạnh đó, việc lấp đầy khu thương mại và văn phòng cho thuê tại Hado Centrosa hiện cũng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 tới mảng khách sạn và văn phòng cho thuê. 

Tại Hado Charm Villas, hiện nay dự án này đã hoàn thành 20 biệt thự thô, ngoài ra còn 78 biệt thự đang được xây dựng, sẵn sàng mở bán vào quí IV/2020.

Hado Charm Villas là dự án ở xã An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội, có qui mô 528 căn hộ, shophouse, biệt thự đơn lập và song lập. VDSC dự kiến Hà Đô sẽ thu về khoảng 3.300 tỉ đồng từ dự án này.

Ngược lại, một số dự án như Hado Green Lane hay Hado Minh Long hiện vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, chuẩn bị làm móng. Cả hai dự án này dự kiến mở bán trong năm 2021.

Hado Green Lane (tên thương mại là Bình An Riverside) được xây dựng tại 2735 Phạm Thế Hiển, Quận 8, TP HCM có qui mô hơn 2,3 ha. Dự kiến, số lượng căn hộ mở bán tại đây rơi vào khoảng 1.231 căn.

Đối với Hado Minh Long, dự án này nằm trên đường Kha Vạn Cân, phường Linh Trung, quận Thủ Đức. 

Hado Minh Long có qui mô 60 căn nhà phố, 20 căn shophouse và 920 căn hộ. Dự án từng thuộc sở hữu của CTCP Mua bán nợ Minh Long, sau đó về tay Hà Đô thông qua thương vụ M&A vào cuối năm 2018.

Năm 2020, Hà Đô cho biết sẽ tiếp tục chiến lược phát triển ba ngành nghề mũi nhọn là bất động sản, năng lượng và xây lắp. Riêng với khối bất động sản, công ty sẽ tập trung giải quyết các tồn đọng tại các dự án gồm Linh Trung – Thủ Đức, Bình An – Quận 8, 162 Phan Đình Giót – Thanh Xuân, Dịch Vọng, An Thượng, Nongtha,...

Theo CTCP Chứng khoán SSI, Hà Đô đang bước vào giai đoạn mới khi từng bước chuyển mình từ một nhà phát triển bất động sản sang phát triển năng lượng tái tạo. 

Thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, ban lãnh đạo Hà Đô cho biết công ty có kế hoạch giải ngân 4.800 tỉ đồng vào 4 nhà máy giai đoạn 2020-2021: Thủy điện Đăk Mi (1.499 tỉ đồng), Thủy điện Sông Tranh (630 tỉ đồng), Nhà máy điện mặt trời SP Infra (973 tỉ đồng) và Nhà máy điện gió 7A Thuận Nam (1.710 tỉ đồng). 

Từ đầu năm đến nay Hà Đô liên tục huy động vốn và bơm vốn vào các nhà máy điện. Tính đến cuối quí III/2020, nợ phải trả của Hà Đô giảm 8% so với đầu kì về gần 9.706 tỉ đồng (chiếm 71% tổng nguồn vốn, gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu). Trong đó, tổng dư nợ đi vay chiếm 66%, ghi nhận hơn 6.471 tỉ đồng.

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của Hà Đô giảm nhẹ so với đầu kì về 13.622 tỉ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm còn hơn 4.276 tỉ đồng và tài sản dài hạn tăng lên 9.346 tỉ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 23% so với đầu năm về gần 310 tỉ đồng. Trong đó, tiền gửi ngân hàng không kì hạn giảm từ 345 tỉ đồng về 195 tỉ đồng.

Đáng chú ý, hàng tồn kho giảm 43% so với đầu năm còn gần 1.826 tỉ đồng, chủ yếu do giảm bất động sản đang xây dựng (từ 2.975 tỉ đồng về 1.656 tỉ đồng).

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Hà Đô ghi nhận doanh thu gần 3.830 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kì. Lợi nhuận sau thuế tăng 21%, từ 796 tỉ đồng lên hơn 962 tỉ đồng và lãi ròng tăng 18%, đạt 764 tỉ đồng.


chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.