Tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, đáng chú ý là các qui định đối với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Cụ thể, Luật PPP chủ trương dừng thực hiện dự án BT trong giai đoạn tới, đặc biệt kể từ ngày Luật công bố (1/1/2021) sẽ dừng nghiên cứu mới các dự án BT.
Tại văn bản mới nhất, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, việc dừng dự án BT là cần thiết, nhưng chỉ nên dừng trong giai đoạn 2020 - 2022 nhằm rà soát và xây dựng lại hệ thống pháp luật, tái khởi động các dự án BT vào khoảng năm 2023.
Theo HoREA, nguyên nhân chủ yếu của việc bãi bỏ loại hình dự án BT là chưa có đầy đủ các qui định pháp luật đồng bộ và hiệu quả để điều chỉnh loại hình này.
Bên cạnh đó, HoREA cũng cho rằng loại hình dự án BT là cần thiết để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, dự án cải tạo và xây mới chung cư cũ; các dự án cơ sở hạ tầng, dịch vụ, vừa có lợi cho Nhà nước, cho nhà đầu tư và cho cộng đồng.
Ngoài ra, đối với qui định bãi bỏ các dự án PPP giá trị dưới 200 tỉ đồng, HoREA nhận thấy trên địa bàn cấp huyện, xã, những khu vực vùng sâu vùng xa có nhiều dự án dưới 200 tỉ đồng cần huy động nguồn vốn xã hội hóa theo hợp đồng PPP. Do đó, cần có phương thức đầu tư PPP đối với các trường hợp này.
HoREA cũng bày tỏ mong muốn trong quí IV/2020, Chính phủ sẽ xem xét, ban hành qui định cấp giấy chứng nhận cho một số loại hình bất động sản như condotel, officetel, shophouse, serviced apartment hay các loại hình bất động sản tương tự khác.
Đồng thời, đề xuất Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng, thuế, rút gọn thủ tục đầu tư xây dựng,... nhằm cung ứng loại căn hộ nhà ở thương mại giá thấp (1 - 2 phòng ngủ) với mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2 đối với các tỉnh và 23 - 25 triệu đồng/m2 đối với các đô thị loại I, loại đặc biệt.