Tính 'nhầm' thuế xăng dầu, Liên Bộ xử lý thế nào?

Hiện có 3 phương án là lấy quỹ bình ổn, tính lùi lại theo thuế cũ và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí để bù lại khoản tính nhầm đều không hợp lý.

Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trong 3 kỳ điều hành tháng 7 và đầu tháng 8/2016, do chưa cập nhật cách tính thuế mới, Liên bộ Tài chính – Công Thương đã tính giá cơ sở xăng dầu “nhầm”, dẫn đến thiếu mất gần 200 đồng/lít.

Đây không phải là lần đầu tiên có sự sai sót trong việc tính toán giá xăng dầu, cho thấy còn không ít bất cập trong cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Theo nhiều chuyên gia, mặc dù với cách tính này, người tiêu dùng có lợi, nhưng vẫn cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý và có hướng xử lý đảm bảo hài hòa các lợi ích.

tinh nham thue xang dau lien bo xu ly the nao
Việc thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu sẽ khiến giá xăng dầu chịu thêm khoảng 200 đồng/lít tiền thuế. (Ảnh minh họa: KT)

Mới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) gửi một văn bản tới Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về vấn đề tính thuế mặt hàng xăng. Theo đó, trong 3 kỳ điều hành giá xăng dầu kể từ 1/7 đến 18/8, Liên Bộ Công Thương- Tài chính vẫn dựa trên căn cứ giá cơ sở mặt hàng xăng theo công thức cũ- tức trước khi Nghị định 100/2016 của Chính phủ hướng dẫn các điều sửa đổi về thuế có hiệu lực.

Cụ thể, theo công thức cũ quy định ở Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng được tính trên cơ sở giá tính thuế là tổng giá CIF cộng thuế nhập khẩu. Nhưng từ 1/7/2016, khi Nghị định 100 có hiệu lực, giá tính thuế trên của xăng đã được nới rộng ra, bao gồm tổng của giá CIF, thuế nhập khẩu cùng với các khoản chi phí kinh doanh định mức, mức trích Quỹ bình ổn và cả lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp.

Theo tính toán, khoản chênh lệch tăng lên mà Liên Bộ "quên" không tính trong giá cơ sở xăng là khoảng 200 đồng/lít. Dĩ nhiên, với cách tính này, tại thời điểm tháng 7 và nửa đầu tháng 8, người tiêu dùng đã được lợi nhờ giá bán lẻ được giảm sâu hơn so với quy định mới về thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngược lại, doanh nghiệp có nguy cơ chịu thiệt bởi cơ quan thuế sẽ thu theo chính sách mới từ 1/7.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Việc này này xảy ra không phải lần đầu, mà lặp lại vấn đề về thuế. Trước kia nhiều mức thuế khác nhau, vì mình ký nhiều hiệp định khác nhau. Nhưng cơ quan quản lý lại tính với mức cao nhất khiến doanh nghiệp đút túi hàng nghìn tỷ đồng. Lần này cũng lại có vấn đề về thuế. Sai sót này cần quy trách nhiệm và phải xử lý chứ không thể để chìm xuồng được”.

Theo tính toán, trong khoảng 45 ngày áp dụng theo công thức cũ, tổng số thuế bị tính thiếu khi điều hành giá xăng có thể đã lên tới 163,2 tỷ đồng. Trong đó, Petrolimex chiếm thị phần lớn trong số hơn 20 doanh nghiệp đầu mối có nguy cơ thiệt hại lớn nhất.

Do đó, Petrolimex đã kiến nghị Liên Bộ Công Thương- Tài chính cho các thương nhân đầu mối áp dụng kê khai nộp thuế tiêu thụ xăng theo cách cũ cho sản lượng xăng đã bán trong khoảng thời gian áp dụng công thức cũ hoặc cho các doanh nghiệp lấy nguồn từ Quỹ bình ổn giá để nộp khoản thuế này.

Còn về kiến nghị của Petrolimex, Bộ Tài chính cho rằng, Luật và Nghị định 100 hướng dẫn các điều sửa đổi về thuế đã có hiệu lực từ 1/7/2016 nên doanh nghiệp vẫn phải kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của các văn bản luật này.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng không đồng ý với đề xuất của Petrolimex về phương án trích bù từ Quỹ bình ổn giá để bù cho khoản tính thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi đây là Quỹ của người tiêu dùng. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cần phải tiết giảm chi phí để bù đắp lại khoản tính thiếu này.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, người tiêu dùng chịu. Loại thuế này đánh vào hàng hóa, nhưng được tính trong giá cho đơn vị kinh doanh mặt hàng đó và chuyển cho người tiêu dùng phải nộp. Giờ xảy ra sai sót trong tính thuế, lỗi không phải của doanh nghiệp, cũng không phải do người tiêu dùng, mà do cơ quan quản lý tính toán. Trước hết cần phải xác định rõ sai ở đâu và cần có hướng xử lý hợp lý hơn.

“Cơ quan quản lý nói lấy quỹ bình ổn, hoặc cho doanh nghiệp tính lùi lại theo thuế cũ cũng không được. Vì liên bộ cũng không đủ thẩm quyền để quyết việc này, nhưng bắt doanh nghiệp tiết kiệm chi phí để bù lại cũng không hợp lý vì doanh nghiệp không có lỗi và không phải đối tượng chịu loại thuế này. Do vậy 3 phương án đều chưa ổn. Liên bộ cần nghĩ ra phương án tối ưu, nếu không thì cần báo cáo Thủ tướng vấn đề này”, ông Thỏa phân tích.

Là cơ quan hiện được giao nhiệm vụ chính trong việc điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng, việc điều hành giá cơ sở xăng dầu là theo công thức giá cơ sở quy định ở Nghị định 83, trong đó, riêng phần thuế phải theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ngay sau khi có kiến nghị của Petrolimex, cũng như hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong chu kỳ điều hành từ 19/8, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã đổi lại cách tính thuế theo Nghị định 100.

Theo tính toán của một số chuyên gia, việc thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu sẽ khiến giá xăng dầu chịu thêm khoảng 200 đồng/lít tiền thuế. Nếu mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn xăng, thì người tiêu dùng phải chi thêm gần 3.100 tỷ đồng./.

Theo Việt Hà/VOV-Trung tâm Tin

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.