Cựu Thủ tướng Phan Văn Khải tại buổi họp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định mừng xuân 2012. (Ảnh: Minh Đức).
Thời nào cũng vậy. Niềm tin quan trọng nhất. Nó quyết định tất cả, quyết định cả vận mạng quốc gia, dân tộc.
Ông Nguyễn Minh Nhị
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nhị nói lịch sử quốc gia trước những bước ngoặt lịch sử thường xuất hiện các nhân vật có tầm, có tâm và có tài. Những người như ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), Sáu Khải chính là những nhân vật đặc biệt đó.
* Người dân ở Củ Chi kể rằng cố Thủ tướng Phan Văn Khải sống giản dị. Còn ông, nếu hồi tưởng kỷ niệm gần gũi về ông Sáu Khải, ông nhớ điều gì?
- Ông Nguyễn Minh Nhị: Có nhiều kỷ niệm với anh Sáu Khải, nhưng tôi nhớ mãi lần ảnh về thăm An Giang năm 2002. Đoàn đi của anh rất ít người, lại không xuống thẳng Long Xuyên, mà đi từ tỉnh Đồng Tháp, qua phà Tân Châu để sang An Giang.
Đường sá bận đó cũng còn kém, đâu ngon lành như bây giờ. Nhiều người ngạc nhiên kiểu đi lòng vòng, vất vả này. Nhưng tôi hiểu anh Sáu Khải muốn đi thị sát thực tế chương trình an cư cho nhân dân vùng đầu nguồn lũ.
Trăm nghe không bằng mắt thấy. Gặp đồng bào, ảnh vui vẻ, thân tình hỏi han cuộc sống như thế nào. Nhiều người quý lắm! Ông Thủ tướng bận bao nhiêu việc lớn mà vẫn lội xuống đồng ruộng gặp dân, nghe dân như vậy...
* Đi các địa phương vựa lúa miền Tây Nam Bộ, tôi được nghe nhiều chuyện về ông Phan Văn Khải như phong cách làm việc thân tình, thậm chí rất "dân dã", buổi tối ngồi cụng ly như bạn bè với cấp dưới. Thậm chí hồi làm phó thủ tướng thường trực, ông Sáu Khải còn "cưa đôi" ly rượu đế với nông dân trên đường đi thực tế...
- Đúng là phong cách làm việc của anh Sáu Khải rất thân tình, vui vẻ, tạo được sự tin tưởng, nhưng thật sự vẫn có nguyên tắc đâu ra đó.
Tôi nhớ hồi năm 2000, vựa lúa An Giang bị dịch sâu bệnh nặng nề. Nhiều nông dân chịu thất bát. Chưa bao giờ tỉnh lúa lớn nhất nước lại bị tăng trưởng âm hơn 2%, sản lượng lúa hụt cả 300.000 tấn. Tình hình hết sức nặng nề. Lãnh đạo địa phương tìm nhiều giải pháp an dân.
Lúc đó, Tết Nguyên đán cận kề, tôi xin anh Sáu Khải cho An Giang được bắn pháo hoa để tạo thêm niềm vui, khí thế cho dân sau một năm gặp nhiều chuyện không vui.
Cứ tưởng với tính cách của mình, anh Sáu Khải lắc hay gật ngay, ai dè ảnh chỉ qua phó thủ tướng Vũ Khoan và yêu cầu xin ý kiến Ban Bí thư. Anh Vũ Khoan nói lại: "Anh đang là thủ tướng, cũng là ủy viên Bộ Chính trị. Anh quyết luôn đi cho nhanh". "Không, không được. Quy định rõ ràng rồi, việc này là của Ban Bí thư quyết định" - anh Sáu Khải trả lời dứt khoát.
Hiểu ảnh, tôi càng thêm quý. Ảnh có thể sống thân tình, chan hòa như một người anh. Nhưng công việc vẫn đâu ra đó, giữ đúng nguyên tắc. Trọng trách một thủ tướng cần phải như vậy.
Kỹ trị, chuyên nghiệp
* Gặp ông Nguyễn Văn Hơn - cựu bí thư An Giang, tôi hay nghe ông nhắc về dấu ấn của ông Sáu Dân, Sáu Khải với miệt đồng bằng này. Ông Sáu Dân quyết liệt ủng hộ "xóa rào", đổi mới, khai phóng tiềm lực vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Sáu Khải kế nhiệm đã tiếp tục ghi thêm những dấu ấn gì, thưa ông?
- Có nhiều chuyện và ở nhiều địa phương khác, chứ không riêng gì An Giang. Nhưng tôi nhớ mãi một chương trình ghi dấu ấn của Chính phủ thời Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải.
Ông Sáu Dân ký quyết định 99-TTg thực hiện chương trình nhà ở vượt lũ, từ nhà sàn tạm bợ trên cọc đến cụm tuyến dân cư vượt lũ.
Hồi còn làm phó thủ tướng thường trực, anh Sáu Khải cũng đã theo sát chương trình có tính xã hội rất lớn này. Ảnh đã đồng ý với đề xuất của địa phương cho vay ưu đãi để đồng bào nghèo cũng có điều kiện an cư vượt lũ.
Đến khi lên làm thủ tướng, anh Sáu Khải vẫn tiếp tục quan tâm đặc biệt đến chương trình này, một chương trình liên quan đến rất nhiều phận người vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
* Một số chuyên gia đã nhận xét ông Khải là người cẩn thận, chắc chắn, đặc biệt là lãnh đạo "chỉ ra" nhiều giải pháp hiệu quả... Ngày giỗ đầu của cố Thủ tướng, ông đã có độ lùi thời gian nhận xét về các ý kiến này?
- Không chỉ có vậy, tôi thấy anh Sáu Khải còn là người rất lắng nghe và đi đến mạnh dạn hành động. Tôi còn nhớ chính ảnh chỉ đạo khi lãnh đạo các địa phương ra Hà Nội làm việc, bộ trưởng phải trực tiếp làm việc, không được cử cấp phó như trước đây. Công việc được giải quyết trực tiếp nhanh chóng và hiệu quả hơn hẳn cái thời mà địa phương rất ngại làm việc với các bộ vì thường lòng vòng, mất thời gian.
Chính từ lắng nghe cấp dưới, anh Sáu Khải đã có sự điều chỉnh đúng đắn này.
Có người nói anh Sáu Khải là Thủ tướng kỹ trị, tôi thấy rất chính xác. Một Thủ tướng kỹ trị, một Chính phủ chuyên nghiệp.
* An Giang từng là "địa bàn nóng" về vấn đề khiếu kiện đất đai khó giải quyết, cố Thủ tướng Phan Văn Khải và Chính phủ đã giúp tỉnh giải quyết như thế nào?
- Đầu năm 2001, tôi làm chủ tịch tỉnh, tình hình khiếu kiện liên quan đến đất đai rất trầm trọng, đặc biệt đồng bào Khmer cũng diễn biến nhiều vấn đề phức tạp. Tôi bay ra Hà Nội làm việc với các bộ và anh Sáu Khải, mà thực chất là đi xin tiền để thực hiện các dự án an dân.
Ban đầu cứ nghĩ phải mất nhiều thời gian, không ngờ lại hết sức thuận lợi và nhanh chóng. Tôi xin 180 tỉ đồng (thầm dự trù chắc chỉ được 100 tỉ là tối đa) để mua đất cấp cho đồng bào dân tộc Khmer thiếu đất làm ruộng, ai dè được duyệt 150 tỉ. Thật là mừng.
Đặc biệt, An Giang còn được Chính phủ đồng ý cho mượn 200 tỉ đồng để thanh toán các khoản vay thực hiện công trình hạ tầng đang gặp khó khăn về tài chính... Chính phủ Phan Văn Khải là như thế: lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. Khi làm việc với anh Sáu Khải, tôi rất có niềm tin.
* Tôi thấy ông hay nhắc đến từ "niềm tin". Nó luôn là cốt lõi của chính quyền gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân...
- Tôi nhớ hồi anh Sáu Khải về thăm An Giang đã thân tình gọi: "Ê, Bảy Nhị qua ngủ với tao". Thật sự tôi cũng ngại, nhưng hiểu ảnh muốn nghe thêm tình hình địa phương mà hội nghị chưa nói hết được. Khi anh gọi tôi qua ngủ chung để hỏi chuyện, tôi đã có niềm tin với ảnh. Khi làm việc với nhau, sự lắng nghe và quyết định cẩn thận mà nhanh chóng, hiệu quả của ảnh càng làm tôi thêm niềm tin.
Niềm tin này đã được vun đắp từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đảm nhiệm trọng trách thủ tướng trong bối cảnh nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, anh Sáu Khải điều hành Chính phủ ổn định, vượt qua khó khăn và tăng trưởng tốt thì làm sao không đem lại niềm tin.
Thời nào cũng vậy. Niềm tin quan trọng nhất. Nó quyết định tất cả, quyết định cả vận mạng quốc gia, dân tộc.
Không chấp nhận cũ kỹ, trì trệ
* Cẩn thận và đổi mới có khi không song hành với nhau. Nhưng cố Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn mạnh mẽ thúc đẩy sự đổi mới?
- Làm phó thủ tướng thường trực nhiều năm trong Chính phủ ông Võ Văn Kiệt thì chắc chắn ảnh phải cùng tinh thần đổi mới mạnh mẽ với ông Sáu Dân rồi. Có lần làm việc ở An Giang, anh Sáu Khải khi đã là thủ tướng vẫn nhắc chúng tôi: An Giang từng là tấm gương đổi mới cho cả nước, nhất là trong nông nghiệp. Nay càng phải thúc đẩy tinh thần đó.
Chuyến ảnh đi thăm Hàn Quốc, nhìn nhiều cán bộ trẻ có mặt trong đoàn, tôi hiểu tâm huyết của ảnh. Phải đổi mới, phải chuẩn bị cho tương lai. Không chấp nhận sự cũ kỹ, trì trệ.
Chuyến đi bản lề sang Singapore
"Nếu cái tên Võ Văn Kiệt gắn với đổi mới, thì cái tên Phan Văn Khải gắn với hội nhập" - ông Lương Văn Tự, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận xét. Ông nói thêm: "Tôi chính là người đã chứng kiến bước đi hội nhập đầu tiên của ông".
Đó là những ngày đầu của cuộc đổi mới, được dẫn đầu bằng những bước đi "xé rào" đầu tiên của TP.HCM. Sau này, ông Khải kể lại: "Ông Kiệt làm bí thư thành phố, tuần nào cũng đi cơ sở, đến các xí nghiệp, nhà máy, các hộ dân. Sau ra Hà Nội làm việc nhưng mỗi lần vào thành phố là lại đi. Đi đâu tôi cũng đều đi cùng.
Trò chuyện với dân, với công nhân, kỹ sư, doanh nghiệp nhỏ, hiểu được cái gì họ đang cần, biết sáng kiến mới mang lại lợi ích, nhận ra cái gì trì trệ, lỗi thời... Từ đó mà những ý tưởng đổi mới nảy ra. Tôi ghi chép hết. Về ủy ban, nghiên cứu lại, hình thành nên những quyết sách, thể hiện ra thành văn bản, quyết định, chỉ thị. Những bước đi đổi mới đầu tiên là như thế".
Năm 1988, đổi mới đã thể hiện qua nghị quyết của Đại hội Đảng, đã bãi bỏ ngăn sông cấm chợ, đã mở hướng cho kinh tế tư nhân, đã có Luật đầu tư nước ngoài... nhưng những con đường vẫn còn quẩn quanh chưa đến được đại lộ.
Các mối quan hệ của Việt Nam vẫn khuôn gọn trong khu vực 1 (các nước xã hội chủ nghĩa), cùng lắm là mở sang khu vực 2 (các nước không liên kết).
Giữa lúc ấy, ông Phan Văn Khải, chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị Bộ Chính trị để ông đi tìm hiểu một số nước thuộc khu vực 3 (các nước tư bản) quanh Việt Nam. Ông đã đến Thái Lan, Singapore với danh nghĩa trưởng đoàn doanh nhân TP.HCM.
Đoàn TP.HCM tham quan Singapore tháng 9-1988. Từ phải sang trái: đứng thứ tư là ông Phan Văn Khải - chủ tịch UBND TP.HCM, thứ bảy là ông Lương Văn Tự - trưởng đại diện thương mại Việt Nam tại Singapore. (Ảnh tư liệu).
Ông Lương Văn Tự còn nhớ rất rõ: "Tôi khi ấy là đại diện thương mại của Việt Nam tại Singapore. Những mặt hàng xuất khẩu lúc ấy như gạo, cà phê, thủy hải sản, tiêu, gỗ, mỹ nghệ thủ công... phải "thay áo" (đổi xuất xứ), mượn Singapore làm cửa ngõ mới ra được thế giới.
Lúc ấy, thị trường Đông Âu đã sụp đổ, tình hình rất khó khăn. Qua mấy ngày tham quan Singapore, ông Khải muốn tổ chức một cuộc họp. Ông muốn hiểu rõ hơn, tìm ra con đường cụ thể để Việt Nam hay trước hết là TP.HCM có thể tận dụng được cơ hội như Singapore".
Ông Tự tổ chức cuộc họp, mời các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Việt kiều đang hoạt động tại Singapore đến dự, thảo luận. "Bản thân tôi báo cáo hơn hai tiếng đồng hồ về kinh tế thị trường, cơ chế mở ra khắp thế giới thông qua dịch vụ cảng biển, ngân hàng của Singapore và khẳng định: chỉ có kinh tế thị trường mới có thể phát triển.
Là chuyên gia về kinh tế kế hoạch, đã trải nghiệm suốt những bí bách bất cập, đã cùng vật lộn tìm đường phá rào suốt "đêm trước đổi mới", hẳn là ông Khải dễ dàng thấm thía điều này..." - ông Tự kể.
Lại thêm một cuộc họp nữa được Hội Doanh nhân Canada tổ chức và ông Phan Văn Khải đã tự giới thiệu với các doanh nghiệp tham gia: "Tôi là chủ tịch TP.HCM. Chúng tôi muốn quan hệ, làm ăn với các nước trên thế giới, trước hết là Đông Nam Á. Những thành tựu phát triển kinh tế của các bạn sẽ là những bài học tốt nhất với Việt Nam".
Dù đến 7 năm sau, 1995, Việt Nam mới chính thức trở thành thành viên ASEAN, nhưng bước đi đầu tiên có lẽ đã hình thành trong chính chuyến đi này.
Trong bản báo cáo gửi Bộ Chính trị sau chuyến đi, ông Phan Văn Khải đã nhấn mạnh kiến nghị: thiết lập quan hệ đối tác với các nước ASEAN, xây dựng kinh tế thị trường trong nước để phát huy các nguồn lực, tiềm lực, mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài... Và chính ông Tự đã được cử làm trưởng đoàn đàm phán Cộng đồng kinh tế ASEAN.
"Chuyến đi ấy có tác động bản lề, thay đổi những suy nghĩ của ông về chủ nghĩa tư bản. Sau này, tôi tiếp tục được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO. Thủ tướng Phan Văn Khải cho tôi một đặc quyền: khi cần thiết có thể gọi điện hay đến gặp ông bất cứ ngày nào, giờ nào, kể cả đêm khuya, kể cả thứ bảy, chủ nhật.
Chính những cuộc gặp đó mà chúng tôi cùng tháo gỡ được rất nhiều vấn đề, kịp bắt được những cơ hội thuận lợi nhất để đàm phán song phương với các nước thành viên.
Thủ tướng Phan Văn Khải đã đóng vai trò rất lớn trong việc Việt Nam gia nhập WTO, dù ông nghỉ sớm một năm trước khi Việt Nam trở thành một thành viên đầy đủ, chính thức; đồng ý ký hiệp định IT của WTO từ rất sớm, lãnh đạo đầu tiên sang Mỹ và Canada..." - ông Tự kể nhắc.
Những câu chuyện ấy sau này, ngồi bên ấm trà trong khu vườn xanh mát ở Tân Thông Hội, Củ Chi (TP.HCM) như hai người bạn già, cùng theo dõi những bước chuyển mình của đất nước, họ vẫn thường nhắc lại trong tiếng cười khà.
Phạm Vũ