Báo cáo tại buổi làm việc, UBND TP Hà Nội cho biết, trên địa bàn thủ đô hiện có nhiều công trình giao thông trọng điểm do Bộ GTVT làm chủ đầu tư như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, các tuyến vành đai 3,4,5...
Cùng với đó, các dự án đường vành đai, 8 cầu vượt sông Hồng, sông Đuống, các hầm chui nội đô... do TP Hà Nội làm chủ đầu tư cũng có ý nghĩa phát triển hiện tại và lâu dài đối với thủ đô.
Hiện nay, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt 9,75% (tiêu chuẩn là 20- 26%), mật độ đường giao thông đạt 1,7km/km2 (tiêu chuẩn là 4,0- 6,5km/km2), diện tích đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% (tiêu chuẩn là 3-4%), tỉ lệ vận tải hành khách công cộng là 17,03% (tiêu chuẩn là 50- 55%)...
Những con số trên cho thấy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP là khó tránh khỏi và sẽ ngày càng phức tạp nếu không có giải pháp quan trọng.
Bộ GTVT cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là thanh toán, quyết toán. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng là lí do làm chậm tiến độ vận hành thử và bàn giao dự án theo kế hoạch.
Trước thực tế nói trên, tổ công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT đứng đầu đã được thành lập để xây dựng kế hoạch, phân loại các công việc, báo cáo Chính phủ quyết định, nhằm nghiệm thu, bàn giao và vận hành có điều kiện, thúc đẩy dự án đi vào hoạt động.
Kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là dự án quan trọng quốc gia, cần thúc đẩy đi vào hoạt động nhằm giảm thiểu tổn thất, lãng phí và có ý nghĩa quan trọng trong đối ngoại.