Tô canh bún, hộp bánh cuốn giờ cũng có thể 'quét QR'

Không chỉ gói gọn trong các cửa hàng, ngay cả khi mua một tô canh bún, hộp bánh cuốn hay li nước mía ở gánh hàng rong ven đường..., người dùng có thể thanh toán thông qua việc quét mã QR trên ví điện tử mà không cần phải dùng đến tiền mặt.
Tô canh bún, hộp bánh cuốn giờ cũng có thể quét QR - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Lưu Liên Vy (Bình Thạnh) thanh toán bữa trưa bằng ví điện tử tại quán bún riêu Cô Ba Xì Gòn ( phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) chiều 1-3. (Ảnh: Tuyết Kiều).

Các ngân hàng cũng không đứng ngoài trong cuộc đua này. Với lợi thế về mạng lưới và khách hàng đang sử dụng các dịch vụ Internet banking cùng thế mạnh công nghệ, hậu thuẫn tài chính mạnh..., nhiều ngân hàng tự tin sẽ thu hút được nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua ví điện tử, nhưng cũng cho biết sẵn sàng liên kết với các ví điện tử nhằm khai thác thế mạnh của nhau.

Trả tiền bằng nhấp, chạm

Trưa 27/2, khu bán hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1, TP HCM) nhộn nhịp nhân viên văn phòng ăn trưa.

Mua tô canh bún 20.000 đồng, định trả bằng tiền mặt nhưng nhìn thấy biểu tượng chấp nhận thanh toán bằng mã QR dán trên xe đẩy, chị Bích Liên (nhân viên văn phòng) đã mở ứng dụng trên điện thoại quét mã để thanh toán.

Chỉ bằng vài thao tác đơn giản, tiền đã có trong ví điện tử người bán. Người mua cũng không cần phải rút tiền mặt để trả. "Trước đây có lần đi vội tôi quên mang theo tiền phải quay lại văn phòng để lấy, còn nay có phương thức thanh toán mới, tôi chỉ cần mang theo chiếc điện thoại, tiện hơn nhiều", chị Liên nói.

Trong khi đó, anh Thanh Tuấn đi cùng một người bạn gọi hai tô bún, thay vì phải thanh toán 40.000 đồng nếu trả tiền mặt nhưng do thanh toán bằng ví điện tử nên anh và người bạn chỉ phải trả tổng cộng 30.000 đồng nhờ chương trình khuyến mãi của một ví điện tử.

Ngoài ra, ví điện tử này còn cử nhiều nhân viên túc trực trong giờ trưa tại phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm để chào mời, cũng như hướng dẫn những người mới thanh toán lần đầu biết thao tác.

Cô T., một người bán hàng rong tại đây, cho biết chỉ mới hơn một tháng qua nhưng doanh số thanh toán qua ví điện tử của cô và nhiều người bán hàng rong ở đây đã đạt khoảng 1 triệu đồng, khá cao nếu so với giá trị món hàng và thời gian phương thức quét mã QR triển khai tại đây.

Không chỉ tại phố hàng rong tập trung, trên các tuyến đường có nhiều cửa hàng ăn uống gần chợ Tân Định (quận 1, TP HCM ) như Nguyễn Hữu Cầu, Trần Khắc Chân... cũng có nhiều xe hàng ăn uống gắn biểu tượng chấp nhận thanh toán qua ví điện tử.

Trên một số tuyến đường khác, có xe bán dạo cà phê, nước cam cũng bắt đầu chấp nhận phương thức thanh toán mới ngoài tiền mặt.

Trưa 1/3, ghé quán cơm trong một con hẻm trên đường Lê Thị Riêng (quận 1), nhiều khách hàng khá ngạc nhiên khi trên mỗi bàn đều dán mã QR của một ví điện tử.

Chủ quán cơm cho biết hình thức thanh toán này được triển khai trước tết và một số khách hàng đã thanh toán bằng cách này. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, sau khi ăn cơm xong, khá nhiều khách đã mở điện thoại và quét mã QR thay vì thanh toán tiền mặt.

Tô canh bún, hộp bánh cuốn giờ cũng có thể quét QR - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Phạm Hoài Thu (Tân Bình) mua nước cam, thanh toán bằng ví điện tử tại quầy số 6 trên đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1, TP HCM) sáng 27/2. (Ảnh: Tuyết Kiều).

"Miếng bánh" béo bở

Sau thời gian tập trung hiện diện ở các chuỗi cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị, trung tâm mua sắm, các ví điện tử đang mở rộng ra các phân khúc bình dân hơn như gánh hàng rong, quầy hàng trong chợ hay các quán ăn nhỏ.

Danh sách các điểm bán hàng ăn đường phố chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử Momo tại quận 1 được liệt kê đã lên đến con số 90, còn ở các quận khác mỗi quận cũng có vài chục điểm chấp nhận thanh toán. Cũng ở quận 1 có 38 quán ăn, quán nước chấp nhận thanh toán qua GrabPay by Moca.

Việc mở rộng mạng lưới thanh toán ở các quán ăn đường phố, hàng rong, theo các ví điện tử, là nhằm mục tiêu đưa việc thanh toán không dùng tiền mặt len lỏi sâu hơn nữa vào đời sống hằng ngày và tiếp cận các đối tượng khác bên cạnh giới văn phòng.

Đó cũng là thị trường bị bỏ ngỏ lâu nay vì các ngân hàng do hàng loạt rào cản chưa thể triển khai lắp đặt máy cà thẻ (POS) ở các gánh hàng rong, quán ăn đường phố để người dùng có thể cà thẻ trả tiền.

Trên thực tế, so với POS, việc thanh toán qua quét mã QR dễ triển khai hơn do không tốn nhiều chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng ban đầu như đường truyền, máy POS, mà chỉ cần mảnh giấy in mã code chi phí khoảng 1.000 đồng.

Người bán, người mua cài đặt ví điện tử vào điện thoại là có thể dễ dàng thanh toán. Trên thực tế, số lượng điểm chấp nhận thanh toán của các ví điện tử tăng lên rất nhanh.

Ông Phạm Thành Đức, tổng giám đốc ví điện tử Momo, cho biết ví điện tử này có hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán, từ cửa hàng nhỏ lẻ, chuỗi ăn uống, cà phê, mua sắm, cửa hàng tiện lợi, siêu thị đến các quán phở, hủ tiếu gõ tại các khu dân cư hay các xe cà phê di động ở tất cả các quận trong thành phố.

Không dừng ở đó, ví điện tử này còn đặt mục tiêu đến cuối năm 2019 tăng thêm hàng trăm ngàn điểm chấp nhận nữa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, chủ tịch Grab VN, cho hay từ khi ra mắt vào tháng 10/2018, số lượng người dùng kích hoạt thành công ví GrabPay by Moca ngày càng tăng.

Theo thống kê, tháng 12/2018, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab đã tăng đến hơn 370% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, việc đẩy mạnh thanh toán qua ví điện tử sẽ mang lợi ích cho ngày càng nhiều người dân, bởi người dùng không chỉ có thể thanh toán các dịch vụ mà có thể chuyển tiền trong ví cho nhau, thanh toán tại cửa hàng, nạp tiền điện thoại di động, mua mã thẻ cào điện thoại...

Cuối năm 2018, VNPAY cho biết ví điện tử này có hơn 20.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng VNPAY-QR, với mức tăng trưởng người dùng lên tới 30% mỗi tháng.

Chưa kết nối giữa các ví

Không chỉ các công ty fintech, gần đây các ngân hàng đã tung ra các ví điện tử hoặc app với tính năng thanh toán bằng mã QR như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank, Sacombank...

Trong giai đoạn "chào sân", các ví điện tử cũng mạnh tay khuyến mãi để thu hút người dùng. Tết Nguyên đán vừa qua, Sacombankpay đã cho người dùng quét mã QR thanh toán chỉ 8.000 đồng để nhận thẻ nạp điện thoại 50.000 đồng, hoặc coupon uống cà phê 50.000 đồng hay vé xem phim 100.000 đồng.

Nhiều người dù chưa từng sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán các hóa đơn tiền điện, nước, cáp truyền hình, Internet... nhưng khi chuyển sang thanh toán qua ví đã cảm thấy hứng thú vì khuyến mãi nhiều hơn cũng như trải nghiệm người dùng tốt hơn.

Chị Hương Ly (Tân Phú) cho hay trước kia khi hết tiền điện thoại chị hay nạp tiền bằng cách đăng nhập hệ thống ngân hàng điện tử, không được chiết khấu đồng nào.

Nhưng nay nạp tiền qua ví điện tử chị được chiết khấu 4%, chưa kể các ví đều nhắc để người dùng nạp tiền đến ngày nhà mạng khuyến mãi, hoặc nhắc nhở đóng tiền điện, nước trước khi trễ hạn.

Không chỉ thanh toán, ví điện tử còn so sánh xem tiền điện, nước tháng này phải thanh toán nhiều hơn hay ít hơn bao nhiêu so với tháng trước và có các câu nhắc vui vui kiểu như "tiền điện tháng này tăng cao, tiết kiệm ngay kẻo cháy ví" hay "may quá tiền nước tháng này đã giảm". Ngoài ra, tương ứng với số tiền thanh toán, ví sẽ quy ra điểm tích lũy cho khách hàng...

Tuy nhiên, theo nhiều người dùng, một điểm bất tiện hiện nay với người sử dụng là các ví điện tử chưa thể kết nối với nhau nên chỉ thanh toán được tại các điểm chấp nhận thanh toán của chính ví điện tử đó, chứ chưa thể liên thông như hệ thống thẻ.

Do vậy, người dùng phải cài đặt và nạp tiền vào nhiều ví điện tử để có thể thanh toán tại nhiều cửa hàng khác nhau.

Khách hàng ví điện tử đều có tài khoản ngân hàng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều ví điện tử cho biết VN hiện có khoảng 130 triệu thuê bao di động, trong đó có 41,8 triệu thuê bao sử dụng 3G, 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh, do vậy thanh toán thông qua QR Code trên các ví điện tử có rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Trong khi đó, toàn bộ khách hàng dùng ví điện tử đều có tài khoản ngân hàng, có thể thực hiện các dịch vụ cơ bản trên tài khoản ngân hàng.

Ví điện tử trong trường hợp này được coi như một công cụ nối dài của tài khoản nhằm hỗ trợ việc thanh toán nhỏ lẻ. Một số ví cho biết sẵn sàng hợp tác với các ví điện tử khác, nhưng việc liên kết được với nhau tùy thuộc vào quyết định của mỗi đơn vị.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.