Tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ được điều động làm Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Sau 2 năm vắng ghế Chủ tịch, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã có Chủ tịch mới. Ông Lương Hải Sinh - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam, được điều động giữ chức vụ này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành quyết định điều động, bổ nhiệm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam - ông Lương Hải Sinh, giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Ông Lương Hải Sinh sinh năm 1975, tại Thái Nguyên, có trình Thạc sĩ kinh tế quốc tế (ĐH Ngoại thương Hà Nội) và Thạc sĩ Đại học Sunderland (Anh).

o-luong-hai-sinh_wsaa

Ông Lương Hải Sinh được điều động giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam. (Ảnh: DATC).

Ông Sinh từng giữ chức Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lí tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính CP Điện lực.

Tháng 6/2016, ông được bổ nhiệm làm thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam. Công ty này là đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính.

Như vậy, kể từ khi Thủ tướng ra quyết định ông Phạm Quang Tùng thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam để về công tác tại BIDV vào cuối năm 2017, sau 2 năm, ghế Chủ tịch của ngân hàng này mới có người tiếp quản.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam là ngân hàng chính sách do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nhằm thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách của Nhà nước và các nhiệm vụ khác theo quy định của Chính phủ.

Ngân hàng này được miễn các loại thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang lỗ 4.800 tỉ đồng, nợ xấu 46.100 tỉ

Việc bổ sung ghế lãnh đạo cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh tình hình hoạt động của ngân hàng có khoản lỗ nghìn tỉ, nợ xấu lên đến chục nghìn tỉ đồng.

Cụ thể, kết luận của Kiểm toán Nhà nước cho biết hoạt động tín dụng thời gian qua của Ngân hàng Phát triển Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, kết quả chênh lệch thu chi năm 2018 âm hơn 866 tỉ đồng.

ngan-hang-vdb-1497671214600-crop-1497671320385-15678658667491870667101

Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang lỗ 4.800 tỉ đồng, nợ xấu 46.100 tỉ. (Ảnh: VDB).

Đáng chú ý, lỗ lũy kế của ngân hàng đến cuối năm 2018 trên 4.800 tỉ đồng, nợ xấu trên 46.100 tỉ đồng, chiếm 17,2% tổng dư nợ.

Trong khi đó việc trích lập dự phòng rủi ro chỉ là 5.790 tỉ đồng, bằng 12,5% tổng nợ xấu... Kiểm toán Nhà nước đánh giá điều này khiến "tiềm ẩn rủi ro lớn trong tổ chức hoạt động".

Hiện nay số liệu bù chênh lệch lãi suất mà Ngân sách Nhà nước phải cấp bù cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại thời điểm 31/12/2018 lên tới 13.496 tỉ đồng.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Thứ nhất là vụ việc Công ty CP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa công ty mẹ và công ty con, để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng, nhằm đảo nợ các khoản vay sử dụng cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019, là 342,7 tỉ đồng. 

Công ty này đã không minh bạch trong việc sử dụng vốn vay, không phối hợp với ngân hàng trong việc kiểm tra hàng hóa hình thành từ vốn vay.

Thứ hai là vụ việc Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn để được giải ngân và sử dụng vốn vay cho mục đích khác, dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến cuối tháng 4/2019 là 32 tỉ đồng. Công ty này đã ngừng hoạt động từ năm 2011 đến nay.

Kiểm toán Nhà nước cho biết Ngân hàng Phát triển Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với khách hàng để gây ra hậu quả trên.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.