Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề xuất Nhà nước 'bù' thiệt hại gần 10.000 tỉ đồng của các dự án thua lỗ ngành Công Thương

Tổng dư nợ của 6 dự án yếu kém ngành Công Thương tính đến cuối năm 2018 gần 10.000 tỉ đồng. Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho rằng nếu cơ cấu nợ, khoanh nợ tại các dự án này thì ngân sách Nhà nước phải bố trí bù đắp phần thiếu hụt tương ứng cho ngân hàng.

Chuẩn bị phiên họp thứ 8 Ban chỉ đạo xử lí các tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương, Bộ Tài chính đã có văn bản tổng hợp đề xuất các biện pháp xử lí rủi ro đối với các dự án thuộc Đề án cơ cấu lại, gắn với xử lí nợ xấu tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Theo đề xuất trước đó của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nhà băng này đã đưa ra một số giải pháp xử lí rủi ro áp dụng với các dự án yếu kém của ngành Công Thương.

ngan-hang-vdb-1497671214600-crop-1497671320385

Theo Ngân hàng Phát triển Việt Nam, tổng dư nợ của 6 dự án yếu kém ngành Công Thương tính đến cuối năm 2018 gần 10.000 tỉ đồng. (Ảnh: VDB).

Cụ thể, nhóm thực hiện cơ cấu nợ gồm Dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc và Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy số 2, với dư nợ đến cuối năm 2018 lần lượt là 3.946 tỉ và 1.729 tỉ đồng.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam đánh giá các dự án này có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, không đạt công suất thiết kế, chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính.

Việc kéo dài thời hạn vay vốn tối đa 20 năm và thị trường phân bón ổn định có thể đảm bảo khả năng trả nợ của các dự án.

Ngân hàng cũng đề xuất khoanh nợ cho 2 dự án là Dự án đạm Ninh Bình và Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.

Tính đến cuối năm 2018, dự nợ gốc tại Dự án đạm Ninh Bình lên đến 2.640 tỉ đồng. Giải thích về lí do khoanh nợ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho biết dự án này đang hoạt động cầm chừng, không cân đối được nguồn trả nợ theo hợp đồng tín dụng, rất cần thời gian khôi phục sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, có dư nợ gốc đến hết năm 2018 khoảng 1.136 tỉ đồng. Đến nay dự án này chưa hoàn thành, và vướng vào các vấn đề pháp lí nên chưa đưa vào sử dụng, không có nguồn trả nợ.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng đề xuất thực hiện xử lí tài sản với 2 dự án của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất. 

Dư nợ gốc đến ngày 31/12/2019 của 2 dự này hơn 524 tỉ đồng. Theo đánh giá của ngân hàng, các dự án này không có khả năng trả nợ, việc áp dụng giải pháp này là phù hợp với đặc thù dự án.

gangtheptn7-anhnguyenkhanh-1481350331-1520270479254826908260-15626662581471661976676

Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Như vậy, tổng số dư nợ của 6 dự án trên tính đến cuối năm 2018 lên đến gần 10.000 tỉ đồng.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng cho biết thêm, nhà băng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và cập nhật báo cáo gửi Bộ Tài chính, để hoàn thiện nội dung trình cấp có thẩm quyền về xử lí rủi ro đối với các dự án tại Đề án cơ cấu lại gắn với xử lí nợ xấu của ngân hàng.

Theo đánh giá của đơn vị này, tình hình tài chính rất khó khăn, không có khả năng tự cân đối nguồn để bù đắp khi thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ cho các dự án yếu kém thuộc ngành Công Thương.

"Do đó, để bảo đảm thanh khoản cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trong trường hợp Thủ tướng đồng ý các phương án cơ cấu nợ, xử lí nợ cho các dự án thì ngân sách nhà nước phải bố trí bù đắp phần thiếu hụt tương ứng cho ngân hàng", báo cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho biết.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.