TP HCM: 76% doanh nghiệp chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố cho thấy, 76% doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước.


Hội thảo "Đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó rủi ro từ khủng hoảng Covid-19" do Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP HCM (CIIS) phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức đã diễn ra chiều 10/9 tại TP HCM.

Ông Phạm Bình An, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho biết, kết quả khảo sát về thực trạng doanh nghiệp trong tháng 8/2020 của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho thấy, có tới 40% doanh nghiệp trả lời còn rất nhiều khó khăn trong việc phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19.

Ngoài ra 44% doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, trong khi đó chỉ có 9% doanh nghiệp bắt đầu vượt qua khó khăn và 5% doanh nghiệp quay lại trạng thái hoạt động bình thường.

Điều kiện tiếp cận chính sách hỗ trợ cứng nhắc khiến doanh nghiệp khó chồng khó - Ảnh 1.

Hội thảo "Đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó rủi ro từ khủng hoảng Covid-19" diễn ra chiều 10/9 tại TP HCM. (Ảnh: Như Huỳnh).

Trong số 88% doanh nghiệp đang khó khăn, có 40% doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh, 88% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường, 52% doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm thêm lao động và 14% doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu.

Điều đáng nói, đây là kết quả khảo sát sau khi Chính phủ cũng như TP HCM đã triển khai hàng loạt chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 cả về tín dụng, hỗ trợ lao động và các chi phí khác. Điều này cho thấy các gói hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua vẫn chưa đạt được hiệu quả như mục tiêu đặt ra.

"Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố, 76% doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước.

Ngoài chính sách gia hạn nộp thuế, nộp tiền thuê đất đã được triển khai đến hầu hết đối tượng có nợ thuế và nợ tiền thuê đất thì chỉ mới có 10% doanh nghiệp tiếp cận chính sách cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay và chưa có thông tin doanh nghiệp nào được vay tiền không tính lãi suất hoặc tính lãi suất thấp để trả lương, giữ chân người lao động; chưa có doanh nghiệp nào được giảm các loại phí, lệ phí", ông Phạm Bình An dẫn chứng.

Triển khai gói hỗ trợ thiếu đồng độ, máy móc

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng về tổng thể, các quyết định, chính sách của Chính phủ đều bám sát tình hình, lắng nghe doanh nghiệp, xây dựng kịch bản, phương án xử lí thích hợp nhất có thể với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn không phá vỡ tính ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tốc độ thực hiện các chương trình, gói hỗ trợ đều chậm. Việc tiếp cận các gói hỗ trợ của doanh nghiệp rất khó khăn; tác động thiết thực đến hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

"Điều kiện để tiếp cận và được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 quá khó khăn, máy móc. Doanh nghiệp khi liên hệ các đơn vị để tìm kiếm sự hỗ trợ đều được yêu cầu cung cấp rất nhiều thủ tục và sau khi được hướng dẫn thủ tục thì hầu hết đều không thể đáp ứng", TS Thành chia sẻ.

Chuyên gia này dẫn chứng như doanh nghiệp muốn được hỗ trợ vay ngân hàng thì phải đáp ứng tiêu chí đã cắt giảm 50% số lao động so với thời điểm trước dịch Covid-19. Trong khi đó, trong suốt thời gian dịch, các doanh nghiệp đều nỗ lực để giữ chân người lao động nhiều nhất có thể nhằm tiếp tục sản xuất sau khi dịch bệnh được khống chế.

"Chính phủ ban hành chính sách rất kịp thời và quyết liệt trong chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp nhưng sự quyết liệt đó không được duy trì xuống các cấp, các ngành và địa phương. 

Việc triển khai thiếu đồng bộ giữa trung ương và địa phương xuất phát từ tâm lí cứng nhắc, "sợ trách nhiệm" của một bộ phận cán bộ, công chức trong việc phê duyệt hỗ trợ. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cần giải quyết được "nút thắt" trong khâu thực thi tại cơ sở", Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Theo đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nêu ý kiến rằng, trước khi Chính phủ và các địa phương bổ sung các gói hỗ trợ doanh nghiệp tiếp theo cần phải có sự tổng kết, đánh giá khách quan, khoa học về việc hạn chế của các gói hỗ trợ đã triển khai.

"Phải phân tích được nguyên nhân vì sao các gói hỗ trợ vừa qua khó giải ngân để khắc phục, nếu xuất phát từ điều kiện hưởng hỗ trợ quá khó khăn thì có thể nới lỏng cho phù hợp. Còn nếu do ngân hàng, cán bộ phê duyệt hồ sơ nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp thì cần chấn chỉnh ngay. 

Nếu không giải quyết được vướng mắc của các gói hỗ trợ trước thì việc bổ sung các gói hỗ trợ tiếp theo cũng không phát huy được hiệu quả thực tế cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế", chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra theo các chuyên gia thời gian tới, doanh nghiệp cần thực hiện chiến lược giảm chi phí không cần thiết ở mức tối đa, chuyển đổi mô hình kinh doanh, xây dựng hệ thống làm việc an toàn và số hóa để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan và ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. 

Đồng thời chuyển đổi sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường và gắn với xu thế tiêu dùng, tiếp cận thị trường và giữ liên lạc thường xuyên với các đối tác cả trong quá trình gián đoạn, tăng cường khai thác thị trường trong nước. 

Về lâu dài, các doanh nghiêp cần tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và chiến lược đầu tư nước ngoài trong dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.