Xem top 500 doanh nghiệp lợi nhuận cao nhất Việt Nam ứng phó thế nào với Covid-19

Báo cáo vừa công bố của Vietnam Report cho thấy Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, với các tên tuổi lớn như Vingroup, Thaco, Vinamilk, Viettel, đã có những chiến lược để vượt qua khó khăn Covid-19.

Top 5 ứng phó của doanh nghiệp Profit500 trước đại dịch Covid-19

Cũng tại báo cáo của Vietnam Report, 5 ứng phó tiêu biểu của doanh nghiệp Profit500 trước đại dịch Covid-19 được đưa ra. Đại dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020 tại Việt Nam khiến dư luận hoang mang, Chính phủ ngay lập tức đưa ra quy định về giãn cách xã hội để kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan của loại virus nguy hiểm này. 

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng lao đao khi thị trường bị thu hẹp, đa phần hoạt động kinh doanh bị cản trở do các biện pháp cách ly phòng dịch và khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng mới. 

Không chỉ riêng Việt Nam, lệnh đóng cửa biên giới và tạm dừng xuất nhập cảnh của nhiều quốc gia trên thế giới đã gây ra những khó khăn rất lớn, như: đứt gãy nguồn cung, lộ trình nhập dây chuyền thiết bị, vật tư sản xuất của doanh nghiệp cũng như cơ hội tiếp cận với các chuyên gia nước ngoài đều không thể thực hiện.

Đối mặt với những thách thức này, đa phần các doanh nghiệp đã khẩn trương đưa ra nhiều biện pháp nhằm ứng phó lại các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 vì nguy cơ phá sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 

Theo báo cáo, có 86,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết họ đang nỗ lực duy trì khách hàng trung thành, song song với đó, 66,7% doanh nghiệp đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro và quản lí tài chính; 65,0% doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm cắt giảm chi phí; 53,3% doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ mới; 50,1% doanh nghiệp thay đổi kế hoạch bán hàng, đổi mới cách thức Marketing.

Trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp và khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng mới, đa phần doanh nghiệp phải lựa chọn cho mình hướng đi an toàn và khả thi hơn. Thay vì tìm kiếm nhóm khách hàng tiềm năng hay mở rộng thị trường, 86,7% doanh nghiệp đã tìm cách giữ chân lượng khách hàng trung thành vốn có.

Mặt khác, những rủi ro khó lường có thể ập tới bất cứ lúc nào, có tới 66,7% doanh nghiệp phản hồi rằng họ đã ra quyết định đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro và quản lý tài chính.

Bên cạnh đó, 65,0% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã thực hiện cắt giảm chi phí thông qua các phương án như cắt giảm chi phí nhân sự, chi phí quản lý, chi phí sản xuất, chi phí marketing,... 

Đánh giá từ Vietnam Report, bài toán chi phí không phải là mới nhưng đến khi phải gánh chịu những tác động rất nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra thì một số doanh nghiệp mới quan tâm đến vấn đề này.

Top 4 chiến lược ưu tiên thời kì “bình thường mới”

Trong báo cáo này, 4 chiến lược ưu tiên để tăng lợi nhuận trong những tháng cuối năm của doanh nghiệp được thống kê bao gồm thúc đẩy bán hàng (cải thiện dịch vụ khách hàng, tăng cường giảm giá/khuyến mãi,...) (chiếm 71,7%), tìm kiếm và mở rộng thị trường (58,3%), nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm mới (49,2%) và cắt giảm chi phí (42,6%).

Như vậy, chiến lược xuyên suốt trong năm 2020 của hầu hết các doanh nghiệp là tập trung vào tài nguyên hiện có, đặc biệt là nỗ lực giữ chân lượng khách hàng trung thành thông qua cải thiện dịch vụ khách hàng và tung ra nhiều chương trình giảm giá/khuyến mãi nhằm tăng sức mua, thúc đẩy tiêu dùng trong bối cảnh người dân đang dần thắt chặt và cắt giảm chi tiêu. 

Mặt khác, người tiêu dùng hiện nay ngày càng trở nên “thông thái” hơn trong việc lựa chọn những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe, đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Song song với đó, từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thói quen và hành vi của người tiêu dùng đã có những thay đổi đáng kể. Thay vì đến tận nơi, người tiêu dùng hoàn toàn có thể mua sắm tại nhà thông qua hệ thống bán hàng trực tuyến. 

“Nền kinh tế không tiếp xúc” hay “nền kinh tế ít chạm” đã đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp, buộc họ phải thay đổi để bắt kịp với xu hướng của thị trường. Do vậy, chiến lược ưu tiên trong năm nay là tìm kiếm và mở rộng thị trường, kết hợp với nghiên cứu - phát triển các dòng sản phẩm mới và tiếp tục thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí.

Báo cáo của Vietnam Report cũng cho thấy, doanh nghiệp đã chú trọng nhiều hơn đến ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh.  

Theo khảo sát của Vietnam Report, top 3 chiến lược của doanh nghiệp để chuẩn bị đưa chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh đó là Số hóa các hoạt động quản trị doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 65,0%); Phát triển kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng qua công nghệ số (58,3%) và Chi cho đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ (56,7%). 

chọn
Tiến độ Vinhomes Vũ Yên
Vinhomes Vũ Yên có tổng diện tích hơn 877 ha, tổng mức đầu tư 44.044 tỷ đồng. Vingroup cho biết, đến nay đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động 46 căn shophouse và 1.076 căn nhà liền kề...