Để khắc phục các các khó khăn, vướng mắc hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là vận dụng các cơ chế, chính sách mới từ Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh vừa có hiệu lực từ 1/8/2023.
Theo Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 9 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với diện tích đất 17,5 ha, 517.689 m2 sàn xây dựng, quy mô 6.383 căn hộ; trong đó, có 5 dự án chuyến tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020; 4 dự án động thổ, khởi công trong năm 2022.
Cùng với đó, trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đang triển khai 2 dự án nhà lưu trú công nhân, với diện tích đất 2,60 ha, 120.624 m2 sàn xây dựng, quy mô 1.400 phòng.
Quy mô lớn nhất là dự án khu dân cư tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh do Công ty cổ phần Địa ốc Sông Đà An Nhân làm chủ đầu tư với 1.344 căn hộ. Một số dự án lớn khác là nhà ở xã hội trong Khu dân cư Tân Thuận Tây, Quận 7 do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn làm chủ đầu tư, cung cấp ra thị trường 1.300 căn hộ; Dự án khu nhà ở tại số 324 Lý Thường Kiệt, phường 14, Quận 10 do Công ty cổ phần Đức Mạnh làm chủ đầu tư có 1.254 căn hộ nhà ở xã hội
Trong năm 2022, Tp. Hồ Chí Minh đã khởi công, động thổ 4 dự án nhà ở xã hội, trong đó Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với do Công ty cổ phần Bất động sản Nguyên Sơn tổ chức lễ động thổ dự án nhà ở xã hội tại Khu dân cư Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh) cuối tháng 4/2022. Dự án được triển khai trên khu đất rộng gần 3.700 m2 với quy mô 242 căn theo chính sách thuê, mua.
Tương tự, vào tháng 8/2022, Dự án nhà ở xã hội thế hệ mới Dragon E-Home thuộc khu đô thị Dragon Village, phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức có quy mô 19.000 m2, cung cấp 764 căn được khởi công. Dự án được Công ty Dragon Village, chủ đầu tư dự án giới thiệu được đầu tư theo tinh thần nhà ở xã hội thế hệ mới với thiết kế Singapore, vận hành chuyên nghiệp, chi phí quản lý thấp, phù hợp cho người dân khu phố với đầy đủ tiện ích, không gian xanh, đảm bảo chất lượng sống cho người dân.
Ngoài ra, các dự án khác như Khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7), Khu nhà ở xã hội phường Long Trường (Thành phố Thủ Đức). Tuy nhiên, đến nay sau hơn 1 năm triển khai, theo ghi nhận của phóng viên, các dự án mới chỉ thực hiện được nghi thức "động thổ", còn lại đều "án binh bất động".
Ông Mai Thanh Tùng, Phó phòng Phát triển nhà ở và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh, cho biết: Hầu hết các dự an đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư; các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục như thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức
Ngoài ra, các nguyên nhân khiến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội "ì ạch" được chỉ ra như chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa thực sự chủ động về nguồn vốn, nên tiến độ thi công kéo dài; cơ chế ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội chưa hấp dẫn, nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia; đồng thời, việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.
Để triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh cho biết đã tổng hợp 87 khu đất hoặc dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trên địa bàn thành phố và sẽ lập Kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở xã hội đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố để hưởng ứng Đề án của Chính phủ về "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Theo đó, đến năm 2030, Tp.Hồ Chí Minh phải hoàn thành 69.700 căn nhà ở xã hội, trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành 26.200 căn; giai đoạn 2026 -2030 hoàn thành khoảng 43.500 căn.
Nhằm thực hiện đề án này, UBND Tp.Hồ Chí Minh vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, ban hành quy trình giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Sở ngành và Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) nghiên cứu đề xuất UBND Thành phố xem xét việc bổ sung các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào chương trình kích cầu đầu tư của thành phố để tổ chức triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội.
Theo Nghị quyết 98, Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt, bảo đảm tỷ lệ diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan.
Mặt khác, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí được quy hoạch hoán đổi và hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với quỹ đất được hoán đổi trong dự án nhà ở thương mại, bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở và đất đai.
Thành phố cũng xem xét việc bổ sung vốn ngân sách nhà nước (nguồn vốn sự nghiệp) để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường.
Trong công tác quy hoạch, UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng lưu ý các cơ quan chức năng, địa phương khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định.
Đối với các khu công nghiệp chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp, Thành phố xem xét nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp đó để dành phần diện tích đất phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê, thiết chế của công đoàn cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp.
UBND Tp. Hồ Chí Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định của pháp luật.
Thành phố công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Cùng với đó, Sở Xây dựng thành phố đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; chỉ đạo các chủ đầu tư dự án trên địa bàn nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, đảm bảo chất lượng tương đương với nhà ở thương mại, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý để đáp ứng cho người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở; bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án.