TP HCM: Những dự án giao thông được kỳ vọng năm 2020

Một số công trình, dự án lớn sẽ hoàn thiện trong năm 2020, hứa hẹn sẽ mang lại diện mạo mới cho giao thông TP HCM.

“Trong năm 2019, UBND TP, ngành giao thông và các sở, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc đẩy mạnh xây dựng một số dự án giao thông. Từ đó, nhiều nút giao, công trình đã hoàn thành, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Đồng thời một số công trình sắp hoàn thiện trong năm 2020 hứa hẹn sẽ mang lại diện mạo mới cho giao thông TP”.

Đó là chia sẻ của ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM.

Kỳ vọng năm 2020

Hầm chui An Sương (nhánh N2) sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2020, sẽ giúp giải quyết tình trạng quá tải và nguy cơ tai nạn giao thông ở khu vực phía bắc TP.

“Dự kiến tháng 6-2020 dự án sẽ hoàn thành. Sau khi hoàn thành thì nút giao An Sương sẽ là nút giao thông ba tầng, giúp giảm giao cắt giữa các luồng xe trong nút, khiến tình hình giao thông ổn định. Diện mạo giao thông khu vực phía bắc TP sẽ hoàn toàn thay đổi bởi nút giao ba tầng này” - đại diện Ban quản lí dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (chủ đầu tư) nhận định.

Một dự án nữa được kỳ vọng trong năm 2020 là công trình cầu Thủ Thiêm 2. Theo ông Phan Công Bằng, cầu Thủ Thiêm 2 hứa hẹn sẽ hoàn thiện vào quý III-2020. Khi hoàn thành sẽ giúp rút ngắn khoảng cách lưu thông từ quận 1 sang quận 2.

Đồng thời dự án này cũng sẽ làm giảm áp lực giao thông cho đường hầm sông Sài Gòn, đường xa lộ Hà Nội và Nguyễn Hữu Cảnh. Từ đó tạo điều kiện kết nối khu Đông với TP.

Đầu tháng 10-2019, dự án mở rộng và nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đã chính thức được khởi công. Đây là dự án được mong đợi sẽ xóa tình trạng ngập khi mưa tại khu vực này.

Ban quản lí dự án đầu tư các công trình giao thông cho biết: Hệ thống thoát nước tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được sửa chữa, xây dựng bổ sung hệ thống cống dọc tuyến thoát nước. Dự kiến cuối năm 2020 công trình sẽ hoàn thành và người dân không phải chịu cảnh ngập lụt.

Theo ông Phan Công Bằng, năm 2020, nhiều dự án về giao thông tiếp tục gấp rút triển khai và hoàn thành đúng tiến độ. Một số dự án chậm tiến độ, sở cũng sẽ tìm các biện pháp để nhanh chóng hoàn tất.

Điển hình như dự án xây dựng Bến xe Miền Đông mới. Năm 2020, ngành chức năng sẽ di dời một số tuyến đi miền Bắc, miền Trung từ Bến xe Miền Đông hiện hữu ra bến mới. Việc di dời này sẽ thực hiện từng bước, trước mắt là giảm ùn ứ cho giao thông phía trung tâm TP, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và quốc lộ 13.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, thông tin tiến độ thực hiện các hạng mục của công trình Bến xe Miền Đông mới đã cơ bản hoàn tất. Hiện bến xe đang chờ các sở, ngành phê duyệt đơn giá thuê đất xây dựng bến xe. Khi hoàn tất thủ tục này, chủ đầu tư mới có cơ sở tổ chức mời thầu cung cấp các dịch vụ tiện ích bên trong nhà ga của bến.

TP HCM: Những dự án giao thông được kỳ vọng năm 2020 - Ảnh 1.

Nút giao An Sương sẽ trở thành nút giao ba tầng sau khi hoàn thành. (Ảnh: THU TRINH)

TP HCM: Những dự án giao thông được kỳ vọng năm 2020 - Ảnh 2.

Cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn góp phần giảm tải cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: THU TRINH)

Cần thực hiện ngay từ đầu năm

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, góp ý: TP HCM là TP đông dân, phương tiện cá nhân lớn và cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp. Tuy TP, Sở GTVT đã triển khai nhiều dự án để giảm tải ùn tắc giao thông nhưng trên thực tế nhiều dự án vẫn bị chậm. Nguyên nhân là do thiếu vốn và chậm giải phóng mặt bằng. Vì vậy, Nhà nước cần phải tăng ngân sách, đổi mới cơ chế để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

“Trong năm 2019, Sở GTVT đã có nhiều chuyển biến trong công tác tuyên truyền, tương tác với người dân TP trong việc giải đáp những thắc mắc. Tôi hy vọng trong năm 2020 TP sẽ có nhiều dự án được hoàn thành. Khi đó TP sẽ phát triển hơn và tăng khả năng kết nối vùng với các tỉnh lân cận” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, liên kết vùng sẽ góp phần giảm kẹt xe, đảm bảo an toàn giao thông, từ đó sẽ làm giãn dân ra các vùng ven, giúp các tỉnh, thành có điều kiện liên kết với TP để phát triển kinh tế. Đồng thời các tuyến đường hướng tâm cũng cần được chú trọng để kết hợp với tuyến đường vành đai mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Ngoài ra, ông Sơn cũng cho rằng TP cần phải đẩy mạnh phát triển các công trình giao thông công cộng như xe buýt, metro để hạn chế phương tiện cá nhân. Đồng thời Sở GTVT cũng cần liên kết với các sở, ngành liên quan như Sở Xây dựng, Sở QH-KT để có sự phát triển đồng bộ.

"Thời gian gần đây, việc di chuyển của người dân chúng tôi quả thực có thuận lợi hơn. Hằng ngày, vào mỗi giờ cao điểm cũng không phải chôn chân ở đường Nguyễn Kiệm như trước nữa. Việc thông xe các nhánh cầu vượt trên vòng xoay Phạm Văn Đồng đã mang lại hiệu quả rất cao, chúng tôi cũng rất phấn khởi."

Chị NGUYỄN THỊ ÁNH HỒNG, người dân quận Gò Vấp

T"rong năm 2020, nhánh cầu vượt còn lại của hầm chui An Sương được thông xe là tín hiệu mừng nhất của người dân khu vực quận 12 và huyện Hóc Môn. Chính quyền chỉ cần giải quyết điểm nghẽn ở nút giao này thì vấn đề kẹt xe ở khu vực cửa ngõ phía bắc không còn là nan giải nữa. Người dân chúng tôi rất kỳ vọng vào nút giao này."

Anh NGUYỄN HIẾU SÁNG, người dân quận 12

Cụ thể, theo ông Cương, việc dồn dân vào những đô thị lớn sẽ gây ra ùn tắc giao thông, dịch vụ. Nhà nước cần có chiến lược phát triển, giãn dân ra khỏi TP lớn, thậm chí hạn chế dân tới TP…Còn theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, năm 2020 TP cần thực hiện ngay từ đầu các dự án để có những giải pháp thiết thực đối với việc phát triển giao thông.

“Dân nhập cư vào TP quá lớn, phát triển quá nhanh so với ngân sách đáp ứng để phục vụ người dân từ hạ tầng, y tế, giao thông. Do đó, hệ thống đường sá đều không đảm bảo” - ông Cương đánh giá.

Ông Cương cho rằng về các biện pháp kỹ thuật, TP cũng đã cố gắng giải quyết ùn tắc ở các nút, các cửa ngõ nên tình trạng này cũng đã giảm. Tuy nhiên, hiện nay ô tô cá nhân phát triển mạnh, giao thông công cộng chậm phát triển, không theo kịp… 

Vì vậy, TP cần có những giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng ùn tắc như xây dựng thêm cầu vượt tại các điểm ùn tắc.

Tuy nhiên, việc chuẩn bị để xây các cây cầu cũng mất cả năm, vì vậy trong năm 2020 TP cần chuẩn bị ngay từ bây giờ. Cụ thể, từ trung tâm xuống nam TP đã ùn tắc rồi bởi nơi đây quá ít cầu. Do đó cần phải làm thêm nhiều cây cầu vượt sông để kết nối vào trung tâm. Trường hợp thiếu cầu thì trung tâm cũng khó phát triển và ngoại thành cũng khó phát triển.

Nhiều điểm sáng giao thông trong năm 2019

Nhiều công trình tiêu biểu mà ngành giao thông TP đã hoàn thành trong năm 2019 đã góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe, phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, nhánh cầu vượt bằng thép Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn vừa được thông xe vào đầu năm 2019. Nhánh này là một trong sáu dự án trọng điểm của TP HCM trong giải quyết kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Ban quản lí đầu tư dự án các công trình giao thông TP, cho biết sau khi thông xe cầu vượt này thì nút giao Phạm Văn Đồng trở thành nút giao thông khác mức, tầng trên là cầu vượt trực thông cho các xe lưu thông đi thẳng trên các hướng; tầng dưới mặt đất gồm đảo tròn trung tâm. Khi đưa vào hoạt động đã tách các luồng xe và tình hình giao thông trong khu vực đã ổn định.

Dự án cầu đường sắt Bình Lợi chính thức thông tuyến cho tàu khách vào tháng 9-2019 cũng là một trong những điểm sáng giao thông năm 2019.

Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc Ban quản lí dự án 7, chủ đầu tư dự án, cho hay công trình cầu đường sắt Bình Lợi hoàn thành đưa vào sử dụng đã nâng cao an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt là giao thông đường thủy khi qua cầu đường sắt Bình Lợi. Qua đó góp phần kết nối giao thông đường sắt và đường thủy giữa TP với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Tương tự, nút giao thông ĐH Quốc gia sau khi thông xe vào tháng 11-2019, mặt đường thẳng tắp và dải phân cách ở giữa được trồng các loại cây xanh, hệ thống đèn chiếu sáng trục đường chính và song hành đã hoàn thành. Từ đó các phương tiện lưu thông qua khu vực này khá thuận tiện.

 

chọn
Dồn dập khu công nghiệp mới
Từ đầu quý IV đến nay, hàng loạt khu công nghiệp của Viglacera, Capella Land, WHA... đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích khoảng 2.155 ha, tổng vốn gần 18.718 tỷ đồng.