Sau vụ nổ trạm biến áp tại Hà Đông – Hà Nội, vấn đề an toàn khi sinh hoạt gần các trạm biến áp được nhiều người dân quan tâm. Tuy nhiên, tại TP HCM không ít người vẫn tỏ ra thờ ơ, thản nhiên ngồi “sát nách” các trạm, bốt điện mặc cho nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. |
Người dân trưng dụng luôn các trạm biến áp làm nơi kinh doanh, bán hàng quán |
Các biển báo “nguy hiểm”, “cấm lại gần” dường như không chút tác dụng nào với ý thức của người dân. |
Nhiều bốt điện bị “bao vây”, nếu không để ý thật khó có thể phát hiện đấy là bốt điện. |
Trạm biến áp được đặt ngay trước cửa nhà dân, không đủ khoảng cách an toàn, mối lo ngại về cháy nổ luôn thường trực. |
Người dân ngồi nghỉ, uống nước sát nách bốt điện là những hình ảnh không hiếm gặp trên đường phố Sài Gòn. |
Theo nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, đã quy định rõ, hành vi trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác… đều bị nghiêm cấm. |
Đối với các trạm điện không có tường, rào bao quanh, hành lang bảo vệ được giới hạn bởi không gian bao quanh trạm điện có khoảng cách đến các bộ phận mang điện gần nhất của trạm điện theo quy định như sau: Điện áp đến 22kV, khoảng cách là 2m; điện áp 35kV, khoảng cách là 3m… Còn đối với các trạm biến áp, trạm phân phối điện hợp bộ, có vỏ bằng kim loại thì hành lang bảo vệ được giới hạn đến mặt ngoài của phần vỏ kim loại v.v... |
Quy định là thế nhưng dường như nhiều người vẫn không mảy may quan tâm, vẫn buôn bán hàng quán, sinh hoạt ngay cạnh các trạm, bốt điện. Cũng chưa hề thấy sự quan tâm của các cơ quan chức năng khi tình trạng trên vẫn tiếp diễn hàng ngày khiến nguy cơ thiệt hại về người rất cao nếu xảy ra những sự cố cháy nổ bất ngờ. |