TP HCM thí điểm cho thuê xe máy điện

Giá thuê xe máy điện là 3.000 đồng đối với 10 phút đầu tiên, mỗi 5 phút tiếp theo là 1.500 đồng

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương thí điểm dịch vụ cho thuê 1.000 xe máy điện trong khu vực quận 1, thời gian 6 tháng với kinh phí khoảng 15,5 tỉ đồng. Mục tiêu của đề xuất này nhằm hỗ trợ kết nối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.

1.000 xe để ở 74 điểm trên vỉa hè

Dự án trên do Công ty TNHH Công nghệ IOT Thông minh Việt Nam đề xuất. Để thuê xe, người dùng sẽ cài đặt ứng dụng Vimotor trên thiết bị điện thoại thông minh, sau đó tìm và xác định vị trí điểm cung cấp xe máy điện gần nhất, quét mã để mở khóa và sử dụng xe. Sau khi hoàn tất chuyến đi, người dùng trả xe vào đúng chỗ quy định để khóa xe, tiền thuê sẽ trừ dần vào tài khoản. Cước dịch vụ thuê xe khởi điểm là 3.000 đồng đối với 10 phút đầu tiên. Mỗi 5 phút tiếp theo là 1.500 đồng. Thời gian trung bình cho một lần sử dụng khoảng 15-20 phút, tương đương với khoảng 4.500 - 6.000 đồng mỗi lượt.

tp hcm thi diem cho thue xe may dien
tp hcm thi diem cho thue xe may dien

Mô hình xe máy điện như thế này sẽ có ở 74 điểm tại quận 1 nếu đề xuất thí điểm được thông qua Ảnh: GIA MINH

Trong giai đoạn thí điểm tại khu vực trung tâm, công ty dự kiến đầu tư 1.000 xe máy điện bố trí tại 74 vị trí trên vỉa hè. Mỗi vị trí bố trí từ 12-20 xe. Các điểm bố trí xe điện được đặt gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, điểm đầu - cuối tuyến xe buýt để tạo điền kiện cho hành khách sử dụng xe buýt từ nhà hay khu dân cư đến điểm dừng xe buýt và từ điểm dừng xe buýt đến trường học, khu thương mại, dịch vụ, tòa nhà văn phòng…

Sở GTVT TP cho rằng hoạt động vận tải công cộng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, việc bố trí xe máy điện cho người dân thuê sử dụng sẽ tăng cường hiệu quả đối với phương tiện giao thông công cộng hiện nay và trong tương lai. Theo Sở GTVT TP, quá trình lấy ý kiến, đa số các sở ngành đều thống nhất với đề xuất này. UBND quận 1 cũng đã thống nhất với đề xuất thí điểm dự án này.

"Đây là mô hình vận tải hành khách công cộng tiên tiến, góp phần đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP, hỗ trợ tốt cho các phương tiện công cộng hiện nay như xe buýt và trong tương lai là MRT, BRT…" - Sở GTVT đánh giá. Sở dĩ xe máy điện trong đề xuất nói trên được coi là xe công cộng là vì một chiếc xe được sử dụng chung cho nhiều người, không như xe máy bình thường chỉ một người sử dụng.

Nhiều cảnh báo

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết đề xuất này đang được xem xét. UBND TP đã giao cho Sở GTVT làm việc với doanh nghiệp, nghe phương án và báo cáo UBND TP, trong đó lưu ý yếu tố an toàn cho người sử dụng cũng như khung pháp lý.

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, đồng tình mô hình trên nếu triển khai, các phương tiện giao thông công cộng tại TP HCM sẽ đa dạng hơn, người dân cũng có thêm loại hình mới để đi lại. Tuy nhiên, theo ông Sanh, nếu áp dụng mô hình này thì TP phải cân nhắc nhu cầu đi lại của người dân ở khu vực trung tâm bởi hiện đa số đều đang sử dụng xe cá nhân hoặc các loại hình như Grab, Uber... Trong khi đó, chủ trương của TP là tập trung giảm lượng xe cá nhân lưu thông ở khu vực trung tâm nên nếu triển khai mô hình xe máy điện thì cũng phải tính đến nguy cơ có thể phát sinh thêm tình trạng ùn tắc giao thông hay không.

"Nhiều nước trên thế giới không phát triển xe máy điện công cộng mà khuyến khích người dân đi xe đạp, đi bộ để giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Vì vậy, tại TP HCM nếu áp dụng mô hình này cần phải tính toán kỹ để không phát sinh hệ lụy và mang lại hiệu quả, duy trì lâu dài" - ông Sanh nói.

Theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM, mô hình xe điện công cộng 2 bánh khá phổ biến trên thế giới và thành công ở một số quốc gia như Đức, Hà Lan... Tuy nhiên, nếu áp dụng tại TP HCM, ông Ninh lo ngại sẽ khó khả thi nếu không nâng cao được dân trí, nhận thức của người dân. Theo ông, một bộ phận không nhỏ người dân tại TP đang có trình độ dân trí thấp, khi sử dụng xe máy, xe đạp công cộng rất dễ phát sinh tiêu cực như trộm cắp.

Vì vậy, theo ông Ninh, TP HCM phải cân nhắc vấn đề này và đưa ra các khung quản lý xã hội đồng bộ thì đạt được hiệu quả không chỉ riêng cho mô hình này mà còn góp phần nâng cao chất lượng chung trong xã hội, hướng đến một TP thông minh.

"Thông qua công nghệ, cơ quan quản lý có thể kiểm soát các phương tiện, lộ trình di chuyển của người thuê nhưng sẽ rất khó chặt chẽ trước các tệ nạn trộm cắp đang rất phổ biến hiện nay. Chưa kể, các đối tượng trộm cắp cũng không khó để phá các thiết bị định vị, kiểm soát xe và thậm chí còn có thể trộm từng bộ phận của chiếc xe" - ông Ninh nói.

Dự kiến xe máy điện ở quận 1 sẽ miễn phí sử dụng từ 1-3 tháng tùy tình hình để khuyến khích người dân sử dụng.

Không nên phát triển quá nhanh

Theo Công ty IOT, sau khi triển khai thí điểm ở quận 1, đơn vị này dự kiến mở rộng ra toàn TP với 50.000 xe vào cuối năm thứ 3 hoạt động.

Tuy nhiên, Công an TP HCM lưu ý nghiên cứu giảm số lượng xe của dự án vì nếu tăng đến mức 50.000 xe thì dễ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.