TP HCM thí điểm hộ dân trên kênh rạch được thuê, mua nhà xã hội

Thành phố sẽ thí điểm hộ dân có nhà trên kênh, rạch bị di dời để chỉnh trang đô thị được thuê, mua nhà ở xã hội.

Nội dung nêu trong thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường tại cuộc họp đề về nhà ở xã hội, lưu trú, chỗ ở cho công nhân và ven, trên kênh rạch thuộc địa bàn.

Kênh Đôi, quận 8 - nơi TP HCM đang có kế hoạch di dời nhà hai bên để chỉnh trang. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Đề án thí điểm cho hộ dân sống ven, trên kênh rạch được mua, thuê mua nhà ở xã hội sẽ được Sở Xây dựng chủ trì thực hiện dựa trên các quy định pháp luật liên quan đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở mới. Việc này kỳ vọng giúp thành phố đẩy nhanh và giải quyết dứt điểm số lượng nhà trên và ven kênh rạch còn lại.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, TP HCM đặt mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch để làm 17 dự án chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, do gặp một số khó khăn, dự kiến chỉ di dời được 4.987 căn, đạt tỷ lệ gần 77%.

Hiện thành phố triển khai 5 dự án gồm cải tạo rạch Xuyên Tâm, nạo vét, cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (quận 8) với tổng quy mô di dời, bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 4.051 căn; Dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường Kênh Tẻ (quận 4) có gần 1.983 căn cần di dời.

Theo Sở Xây dựng TP HCM, có nhiều nguyên nhân việc di dời nhà ở không đạt chỉ tiêu như nguồn vốn từ ngân sách hạn chế, trong khi thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài lại gặp khó khăn. Mặt khác, thủ tục bồi thường, tái định cư ở các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch rất phức tạp, bởi đa số các hộ không có giấy tờ, xây dựng lấn chiếm... Điều này dẫn đến quá trình xác minh, đền bù chậm, kéo dài thời gian. Nhiều trường hợp người dân khiếu nại, chậm giao mặt bằng cho các chủ đầu tư.

Với quy định cũ, chỉ những hộ dân có nhà trên và ven kênh rạch không đủ điều kiện tái định cư gồm hộ nghèo, không có giấy tờ hợp pháp và không hưởng chính sách nhà ở xã hội mới được bố trí tái định cư bằng hình thức bán hoặc cho thuê nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, trong Luật Đất đai 2024 hiệu lực từ 1/7, các trường hợp bị thu hồi đất mà có nhà đều được bố trí tái định cư bằng đất ở hoặc nhà ở theo nhiều hình thức bán, cho thuê, mua để đảm bảo có chỗ ở.

Vận dụng quy định này, khi xây dựng đề án thí điểm, TP HCM sẽ tìm kiếm quỹ nhà ở xã hội để phục vụ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch.

Cùng với đó, Sở Xây dựng thành phố đề nghị các địa phương rà soát, thống kê số lượng nhà ở địa bàn; cập nhật, bổ sung các dự án, tuyến kênh rạch... Từ cơ sở đó, các địa phương đề xuất quỹ nhà ở xã hội, xây mới để phục vụ tái định cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch.

Theo Sở Xây dựng, nếu kế hoạch được làm đồng bộ sẽ tạo bước đột phá phát triển khoảng 14.416 căn ở giai đoạn 2026-2030 phục vụ tái định cư cho dự án cải tạo, chỉnh trang kênh rạch. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.