TP HCM: Trạm BOT Xa lộ Hà Nội dự kiến thu phí trở lại từ tháng 11/2020

Sở GTVT TP HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về phương án giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án BOT Xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn.

Theo báo Người lao động đưa tin, trong nội dung tờ trình, Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết sau khi rà soát các thủ tục, các đơn vị sở ngành TP đề xuất thời điểm bắt đầu thu phí dự kiến từ 0h ngày 1/11/2020.

Việc thu phí trở lại nhằm hoàn vốn cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn do Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kĩ thuật TP HCM làm chủ đầu tư.

TP HCM: Trạm BOT Xa lộ Hà Nội dự kiến thu phí trở lại từ tháng 11/2020 - Ảnh 1.

(Ảnh: Báo Giao thông)

Về mức thu đề xuất, ô tô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn 30.000 đồng/lượt; ô tô 12 - 30 chỗ và xe tải 2 - 4 tấn 45.000 đồng/lượt; ô tô từ 31 chỗ trở lên, xe tải 4 - 10 tấn 60.000 đồng; xe tải 10 - 18 tấn, xe container loại 20 feet 120.000 đồng/lượt; xe tải trên 18 tấn, xe container loại 40 feet 170.000 đồng.

Mức giá vé tháng bằng 30 lần mức giá vé lượt. Mức giá vé quý bằng 3 lần mệnh giá vé tháng và chiết khấu 10%.

Trạm BOT sẽ miễn, giảm cho 11 nhóm xe, gồm xe máy và các loại xe chuyên dùng như cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát...

Ngoài ra Sở GTVT đề xuất đối tượng miễn thu giá sử dụng đường bộ thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 35/2016 của Bộ GTVT. 

Cụ thể, đề xuất giảm giá 100% cho xe buýt theo tuyến cố định của TP HCM có lộ trình đi qua trạm. 

Giảm 50% phí cho các loại ô tô dưới 12 chỗ, không sử dụng để kinh doanh, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng (trước ngày trạm thu giá xa lộ Hà Nội đi vào hoạt động) tại các vị trí thuộc mặt tiền đường của 2 đường song hành của trục Xa lộ Hà Nội thuộc quận 2, quận 9, quận Thủ Đức. 

Chủ sở hữu sử dụng các phương tiện này phải sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) và có hồ sơ xác nhận của UBND quận về cư trú và của Sở GTVT về việc không sử dụng phương tiện để kinh doanh.

Theo báo Giao thông, Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội có chiều dài cầu Sài Gòn đến ngã ba Tân Vạn với hai hầm chui. Dự án được khởi công vào năm 2010, nâng cấp từ 8 lên 16 làn xe. Trong đó, 8 làn ô tô lưu thông trên trục đường chính và 8 làn xe chạy ở hai bên đường song hành. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.700 tỉ đồng.

Trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội được thu phí hoàn vốn cho 3 dự án kế tiếp. Dự án đầu tiên đã kết thúc từ năm 2013. Dự án thứ hai xây cầu Rạch Chiếc mới thu phí từ ngày 1/1/2014 đến 31/12/2017. Dự án thứ ba là mở rộng Xa lộ Hà Nội đoạn từ Trạm 2 cũ đến nút gia Tân Vạn. Tuy nhiên đoạn thuộc dự án thứ ba vẫn chưa hoàn thành, vì vậy UBND Thành phố đã yêu cầu dừng thu phí từ tháng 12/2017. 

Như vậy, trạm BOT Xa lộ Hà Nội sẽ thu phí trở lại từ 1/11 tới đây, sau hơn 2 năm tạm dừng.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.