Ngày 8/7, tại Hội nghị Thành uỷ lần thứ 30, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, đối với quản lí nhà nước về trật tự xây dựng, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, TP đã cấp 126.397 giấy phép xây dựng. Trong đó, 89% là giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, khoảng 10% giấy phép xây dựng tạm...
Thời gian trên, đã xử lí 4.252 trường hợp, chiếm 62,3% tổng công trình vi phạm của TP. Trong đó, công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp phép xây dựng là 2.573 trường hợp, chiếm 73,5% tổng số công trình xây dựng không phép và chiếm 37,6% tổng số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Ngự Kỳ).
Đánh giá công tác quản lí Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP từ 2017 đến nay chuyển biến tích cực, ông Hoan cũng thừa nhận còn tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định. Mục đích để phân lô bán nền, nhằm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp.
Từ đó, dẫn đến tình trạng xây dựng không phép ở một số địa bàn ngoại thành có diễn biến phức tạp, phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát, không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không có dịch vụ, tiện ích, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Còn nhiều công trình vi phạm chưa được phát hiện kịp thời, không kịp thời ban hành các quyết định xử phạt hoặc đã xử phạt nhưng chưa cưỡng chế, tháo gỡ dẫn đến công trình vi phạm hoàn thành và đưa vào sử dụng gây khó khăn trong xử lí sau này, tỉ lệ chấp hành quyết định xử phạt hành chính của các tổ chức, cá nhân còn thấp…
Cấp ủy và chính quyền các cấp cũng có nhiều giải pháp quyết liệt, nhiều quận, huyện đã có các phần mềm trực tuyến để phát huy vai trò của người dân trong giám sát, quản lí trật tự xây dựng. Tuy nhiên, công tác kiểm tra ở một số cấp ủy còn chưa cao, chưa phát huy hết vai trò của các đoàn thể xã hội, đảng viên, công tác phối hợp chưa đồng bộ.
Thời gian tới, TP sẽ tập trung xử lí các công trình, cán bộ vi phạm, các đầu nậu, tăng cường lực lượng thanh tra ở các địa bàn phức tạp, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan đơn vị. TP cũng rà soát các bất cập để tham mưu điều chỉnh đảm bảo tính đồng bộ và thực tế.
Về lâu dài, TP sẽ hoàn thiện quy hoạch, quy chế quản lí quy hoạch kiến trúc phục vụ công tác cấp phép xây dựng, nâng cao nhận thức và kĩ năng thực thi công vụ, liên thông giữa các Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng và các quận, huyện trong phê duyệt cấp phép xây dựng, tăng cường phối hợp, kiểm tra các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ đầu.
TP cũng sẽ ứng dụng công nghệ GIS trong quản lí đất đai, quy hoạch, xây dựng nhằm chấn chỉnh tình trạng xây dựng không phép, xây dựng trên đất không được xây dựng. Đẩy nhanh các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, phấn đấu vào năm 2020 hoàn thành 20.000 căn nhà ở xã hội.
Về danh mục dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025, ông Hoan cho biết có 59 dự án dự kiến hoàn thành từ nay đến tháng 9/2020. Trong đó có 58 dự án từ nguồn vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư khoảng 46.500 tỉ đồng và một dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư với tổng vốn hơn 9.900 tỉ đồng.
15 trong 59 dự án trên thuộc chương trình giảm ùn tắc giao thông, 14 dự án thuộc chương trình giảm ngập nước, 2 dự án thuộc ngành văn hóa – thể thao, 6 dự án ngành y tế, 4 dự án cấp nước sạch...
Dự kiến đến năm 2020, TP HCM có 30 dự án quy mô lớn sẽ hoàn thành tất cả các thủ tục đầu tư và tổ chức đấu thầu, khởi công bằng nguồn vốn ngân sách TP với tổng mức đầu tư hơn 19.500 tỉ đồng.
90 dự án đã đấu thầu, khởi công từ năm 2019 trở về trước dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2015. Trong đó, có 4 dự án ODA trọng điểm với tổng mức đầu tư 95.855 tỉ đồng, gồm: tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên; tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương; cải thiện môi trường nước TP HCM giai đoạn 2; vệ sinh môi trường TP HCM giai đoạn 2.
Ngoài ra, dự án xây dựng đường vành đai 2 đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa và dự án cầu Thủ Thiêm 2 là 2 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, với tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, còn có 64 dự án chuẩn bị đầu tư đến năm 2020 và dự kiến khởi công trong giai đoạn 2021-2025. Gồm 5 dự án ODA với tổng mức đầu tư gần 280.000 tỉ đồng, 21 dự án theo hình thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng, 7 dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỉ đồng, 6 dự án đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất dự kiến đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian tới với tổng mức đầu tư gần 55.000 tỉ đồng và 25 dự án đầu tư trong khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư tạm tính chưa bao gồm tiền sử dụng đất là hơn 38.000 tỉ đồng.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM đánh giá, việc triển khai các dự án thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ. Sắp tới, UBND TP sẽ tập trung 5 giải pháp lớn.
Theo đó, TP sẽ thay đổi tư duy trong đề xuất và triển khai các dự án đầu tư công. Nhà đầu tư sẽ bồi thường cho người dân theo cơ chế thị trường để thực hiện đầu tư xây dựng công trình.
Về công tác quy hoạch, thực hiện rà soát tổng thể quy hoạch của TP, đảm bảo tính thống nhất quy hoạch chung của TP, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông. Hoàn chỉnh quy hoạch không gian ngầm, trong đó ưu tiên tập trung phát triển khu trung tâm vùng lõi 930 ha và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Hạn chế tình trạng nhà nước đầu tư công trình bằng nguồn vốn ngân sách nhưng lại nâng cao giá trị đất đai cho doanh nghiệp, dẫn đến chênh lệch địa tô.
Bên cạnh đó, TP sẽ đề xuất Trung ương cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, đẩy nhanh việc rà soát chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp và dịch vụ.