Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60 km về phía nam, TP Phủ Lý nằm gọn bên bờ sông Đáy và quốc lộ 1A, bán kính 30 km xung quanh là TP Nam Định và Ninh Bình. Hiện nay, Phủ Lý là đô thị loại II, đồng thời là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của Hà Nam.
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Phủ Lý đến năm 2030, tầm nhìn 2050, TP Phủ Lý được định hướng đến năm 2030 sẽ đạt các tiêu chí đô thị loại I, là đô thị đối trọng cửa ngõ phía nam của thủ đô Hà Nội.
Đi kèm với lộ trình này, thành phố sẽ tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhà ở nhằm thu hút đầu tư.
Cụ thể, quy hoạch các trục đường đô thị quy mô lớn gồm Đại lộ Hà Nam (rộng 68 m) và các trục đường vành đai N1, N2. Trong quy hoạch sử dụng đất, đến năm 2030 sẽ bố trí quỹ đất hơn 1.178 ha để xây dựng nhà ở, đặc biệt tại khu vực các phường Lam Hạ, xã Liêm Tiết, cải tạo chỉnh trang lại các khu ở hiện trạng.
Khi đạt được những kết quả nói trên, TP Phủ Lý được kỳ vọng sẽ là bàn đạp để đưa Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035, trong đó Phủ Lý đóng vai trò là quận hạt nhân trung tâm.
Từ cuối năm 2022 đến nay, Hà Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Phủ Lý khi liên tục phát thông báo tìm chủ cho các dự án nhà ở lớn tại thành phố này. Theo thống kê của người viết, có ít nhất 5 dự án đã công bố mời đầu tư với tổng số vốn 24.000 tỷ đồng.
Vào tháng 12/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam tìm chủ cho Khu đô thị mới Tây Phù Vân, TP Phủ Lý – khu vực phía Bắc đường Nguyễn Văn Cừ tại xã Phù Vân.
Dự án này có diện tích khoảng 23,4 ha, trong đó xây dựng 114 căn nhà ở liên kế, nhà ở xã hội cao 5 tầng, công trình dịch vụ thương mại cao 9 tầng, công trình hạ tầng xã hội...
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện khu đô thị là 911 tỷ đồng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là hơn 82 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2027.
Cũng trong tháng 12, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư và phát thông báo mời đầu tư cho dự án Khu đô thị thời đại và đổi mới sáng tạo tại phường Lam Hạ.
Dự án này có diện tích sử dụng đất để thực hiện dự án gần 203 ha, chưa giải phóng mặt bằng. Tổng mức đầu tư của dự án là 9.625 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng khu đô thị là 7.402 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 490 tỷ đồng, chí phí quản lý là 1.397 tỷ đồng và chi phí xây hạ tầng khung là 336 tỷ đồng.
Tại đây sẽ bố trí hơn 44 ha để xây các công trình hỗn hợp. Trong đó, đất hỗn hợp không có chức năng ở là 33,6 ha, tầng cao 6 - 20 tầng, mật độ xây dựng 40 - 60%, sẽ là công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn. Đất hỗn hợp có chức năng ở (chung cư) kết hợp thương mại dịch vụ là 10,6 ha, tầng cao 6 – 9 tầng, mật độ xây dựng 40 - 60% là công trình nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ.
Đến tháng 2/2023, Hà Nam tiếp tục mời đầu tư vào Khu đô thị Đại học Nam Cao địa phận TP Phủ Lý với diện tích nghiên cứu gần 300 ha tại xã Tiên Ngoại, phường Tiên Nội (thị xã Duy Tiên) và xã Tiên Hiệp, Tiên Tân (TP Phủ Lý).
Tổng mức đầu tư dự án này hơn 6.369 tỷ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022 - 2028.
Ngày 2/3 mới đây, tỉnh phát thông báo tìm chủ cho Khu dân cư nông thôn mới kết hợp xây dựng nhà ở và trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng tại xã Liêm Tuyền và xã Đinh Xá, TP Phủ Lý.
Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến 5.113 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thực hiện dự án là 4.963 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 150 tỷ đồng, thực hiện trên diện tích khoảng 18,3 ha.
Tại đây sẽ xây dựng khoảng 620 căn hộ, gồm 282 căn hộ chung cư cao tầng; 176 căn nhà liền kề; 162 căn hộ chung cư (nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua). Dự án được đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2027.
Vài ngày sau đó, thêm một dự án được mời đầu tư là Khu đô thị mới Liêm Tiết – Liêm Cần tại xã Liêm Tiết, TP Phủ Lý với diện tích khoảng 46,7 ha.
Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 12/2022. Tại đây sẽ đầu tư 342 căn nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự; nhà ở xã hội thấp tầng và đất tái định cư. Tổng mức đầu tư của Khu đô thị mới Liêm Tiết – Liêm Cần là hơn 1.993 tỷ đồng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án là gần 112 tỷ đồng.
Kết quả mở hồ sơ đăng ký cho thấy, trong số 5 dự án mời đầu tư nói trên, đã có 3 dự án nhận được sự quan tâm từ phía các doanh nghiệp.
Cụ thể, tại Khu đô thị mới Tây Phù Vân, đã có một doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án là Công ty TNHH Hai Pha Việt Nam. Đây là doanh nghiệp được thành lập từ 2005, có trụ sở ngay tại TP Phủ Lý, với lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất các sản phẩm khác từ giấy và bìa.
Theo tìm hiểu của người viết, Hai Pha Việt Nam hiện đang tham gia đầu tư vào một dự án nhà ở khác tại Hà Nam là Khu nhà ở Hano Park 2 tại xã Duy Hải, huyện Duy Tiên.
Đối với Khu đô thị Đại học Nam Cao, dự án này cũng đã thu hút sự quan tâm của 2 nhà đầu tư là Công ty TNHH Liên doanh Việt - SK Group và CTCP Đầu tư Địa ốc Vina Land.
Nói về Liên doanh Việt - SK Group, doanh nghiệp này vừa được thành lập vào tháng 9/2022, có trụ sở tại Kim Bảng, Hà Nam, chuyên ngành bất động sản. Đứng tên tại doanh nghiệp là bà Phạm Ngọc Anh, người đang là Chủ tịch của CTCP Đầu tư Khu công nghiệp và Đô thị Thành Nam.
Về phía Địa ốc Vina Land, công ty này thành lập vào tháng 6/2021, trụ sở hiện nay tại TP Phủ Lý. Trước khi đăng ký làm Khu đô thị Đại học Nam Cao, Vina Land còn đăng ký làm 2 dự án khác tại Hà Nam, gồm: Khu đô thị mới thuộc địa bàn xã Lê Hồ, xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng (52,1 ha, hơn 1.800 tỷ) và Khu đô thị mới thuộc địa bàn xã Lê Hồ, xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng (52,9 ha, hơn 2.000 tỷ).
Ở diễn biến mới nhất, tháng 2 vừa qua, CTCP Mặt Trời Hà Nam đã đăng ký thực hiện Khu đô thị thời đại và đổi mới sáng tạo tại phường Lam Hạ.
Mặt Trời Hà Nam được thành lập vào tháng 5/2022, hiện có trụ sở tại TP Phủ Lý, Hà Nam. Lĩnh vực chính của doanh nghiệp là kinh doanh bất động sản.