Trái cây và thị trường Trung Quốc có giúp bầu Đức xoay chuyển tình thế?

Đầu ra cho sản phẩm trái cây từ HAGL là thị trường Trung Quốc và một phần tiêu thụ nội địa thông qua chuỗi Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động. Thị trường Trung Quốc trong nhiều năm là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng rau quả của Việt Nam.
trai cay va thi truong trung quoc co giup hagl xoay chuyen tinh the

Tại sao HAGL chọn thị trường xuất khẩu Trung Quốc?

Năm 2017, CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (Mã: HAG) trình kế hoạch lợi nhuận gộp 2.185 tỷ đồng. Trong đó, mảng trái cây gồm chanh dây, chuối, thanh long có tổng lợi nhuận gộp cao nhất, lên tới 1.094 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 50%.

Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tính đến ngày 18/5/2017, HAGL đã trồng 18.686 ha cây ăn trái, tập trung vào trái cây nhiệt đới. Trong đó có 17 loại cây ăn trái, nổi bật là xoài, thanh long, chuối và chanh dây.

Về mặt phân bổ địa lý, vườn trái cây của HAGL được trồng nhiều nhất tại Lào (8.731 ha), thứ hai là Campuchia (7.845 ha) và tại Việt Nam (2.111 ha). HAGL dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ tăng tổng diện tích cây ăn trái lên 20.800 ha.

Đầu ra cho sản phẩm trái cây từ HAGL là thị trường Trung Quốc và một phần tiêu thụ nội địa thông qua chuỗi Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động. HAGL và TGDĐ cũng đã ký kết biên bản hợp tác này vào ngày 23/6 vừa qua.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 5/2017, Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hàng rau quả của Việt Nam, với 1,06 tỷ USD, tăng 51% và chiếm 75% trong tổng trị giá rau quả xuất khẩu.

Mặt hàng rau quả cũng được xem là một trong những nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất của Việt Nam trong những tháng vừa qua. Hiện, lĩnh vực này đã vươn lên thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 của ngành nông nghiệp (sau thủy sản và cà phê).

VCSC đánh giá, việc chọn Trung Quốc làm thị trường chính, HAGL tận dụng lợi thế (1) vị trí các vườn cây nằm gần Trung Quốc; (2) tiêu thụ trái cây tại Trung Quốc đang tăng tốt nhờ tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh; và (3) khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, Lào, và Campuchia để trồng các loại trái cây mà Trung Quốc không có thế mạnh.

Trong khi đó, một báo cáo khác của SGI Capital nhìn thấy Trung Quốc - quốc gia 1,4 tỷ dân số đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ đầu tư sang tiêu dùng. Sự gia tăng của nhóm hộ gia đình trung lưu đang tạo ra một nhu cầu lớn về thực phẩm, nhất là hoa quả nhiệt đới nhập khẩu. Cũng theo báo cáo này, hoa quả là mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam trong 5 năm qua, tăng trung bình 30%/năm. Mức tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc tăng trên 40%/năm, là động lực tăng trưởng xuất khẩu hoa quả.

trai cay va thi truong trung quoc co giup hagl xoay chuyen tinh the
Giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc và các nước khác (Đơn vị: triệu USD)

Tuy nhiên, HAGL đang xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Những rủi ro mà HAGL có thể gặp phải như được mùa mất giá, ùn ứ ở cửa khẩu, phải phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường... là điều khó tránh khỏi.

Nhưng, cái chính là HAGL đã đi theo một xu hướng tốt khi đầu tư trái cây nhờ tận dụng cơ sở hạ tầng nông nghiệp sẵn có, tạo ra dòng tiền nhanh hơn. Điều này khác khi HAGL phải đi vay nợ lớn, dòng tiền yếu, lại đầu tư vào cao su và cọ dầu cần nhiều năm mới có thể thu hoạch. Cây ăn trái hợp với các tiêu chí như thời gian trồng ngắn, quay vòng vốn nhanh, tính thời vụ liên tục, điều này đặc biệt đúng với chanh dây vốn chỉ cần 6 tháng từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch.

Yếu tố hỗ trợ: Có dòng tiền, hoàn tất tái cơ cấu nợ vay

Năm 2016, HAGL đã hoàn thành tái cơ cấu các khoản nợ vay và trái phiếu với các bên liên quan 13.231 tỷ đồng, bao gồm việc gia hạn trả nợ gốc đối với dư nợ tín dụng và trái phiếu từ 4 - 10 năm, gia hạn thời gian trả nợ lãi thêm từ 1 - 3 năm, giảm lãi suất, lãi phạt. HAGL cũng hoàn thành phát hành trái phiếu chuyển đổi 1.100 tỷ đồng với Temasek.

Đặc biệt, HAGL thu về dòng tiền từ bán mía đường 2.100 tỷ đồng với Tập đoàn Thành Thành Công trong nửa đầu năm 2017. Trong kế hoạch, HAGL còn dự kiến bán dự án thủy điện Nậm Kông 2 và tìm kiếm đối tác để thanh lý các dự án thủy điện Nậm Kông 3 tại Lào.

Trong một diễn biến khác, trả lời trên báo chí, ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc HAGL nói công ty sẵn sàng chuyển nhượng 50% giá trị tài sản Melia Yangon (dự án Myanmar) cho đối tác thích hợp để cùng vận hành khu phức hợp được hiệu quả hơn. Trong khi dự án này đã từng được nhiều đối tác quốc tế và nội địa đặt mua một phần hoặc cả dự án với mức giá 600 - 750 triệu USD, tương ứng lợi nhuận đem về chừng 250 - 400 triệu USD.

Từng gặp sai lầm trong việc vay nợ để đầu tư dài hạn vào vườn cao su, ca cao, bước sang đầu tư vào trái cây, có vẻ ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL đang tìm cách xoay chuyển tình thế. Trong bức tranh tài chính bớt u ám hơn ở thời điểm này và việc đặt kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc, liệu trái cây có "cứu" được HAGL?

Khánh Linh

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

chọn
ĐHĐCĐ Vinhomes: Doanh số 2024 dự kiến 90.000 - 110.000 tỷ, dự án Đông Anh và Đan Phượng đang làm thủ tục pháp lý
Năm 2024, dự kiến doanh số Vinhomes sẽ tăng trưởng so với 2023, đạt khoảng 90.000 - 110.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ Vinhomes Ocean Park 2, 3, dự án mới Vũ Yên và 1 - 2 dự án mới khác.