Mới đây, câu chuyện hai anh em ở quận Tân Bình (TP HCM) được bố mẹ cho nghỉ học ở trường để ở nhà tự học giống mô hình home-schooling đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nhiều người đồng tình cho rằng đây là ý tưởng hay và dẫn chứng mô hình home-schooling khá phổ biến ở các nước trên thế giới như Mỹ, Úc…
Tuy nhiên, so với môi trường giáo dục ở Việt Nam thì việc cho con nghỉ học ở trường để tự học ở nhà là hành động “khác người” và khá tạo bạo. Chính vì vậy, câu chuyện này mới ồn ào đến thế!
Nói về vấn đề này, PGS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT trường Lương Thế Vinh khá lo ngại vì mô hình home-schooling không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng dễ làm hỏng các con.
Một thực tế là đa số bố mẹ Việt đều bận đi làm kinh tế và rất hiếm những trường hợp phụ huynh nghỉ làm để ở nhà dạy con.
Hai anh em Đặng Nhật Anh và Đặng Thái Anh tự học ở nhà. Ảnh: Như Hùng. |
Hơn nữa nếu muốn cho con ở nhà học, bố mẹ phải thực sự hiểu về chương trình đào tạo và bản thân bố mẹ cũng phải có trình độ thực sự để thường xuyên kiểm tra năng lực của con.
PGS Văn Như Cương đặt câu hỏi: “Bố mẹ có thực sự đủ năng lực để dạy và kiểm tra con không đó là điều khó nói, việc tạo cho con một hệ thống kiến thức toàn diện không phải phụ huynh nào cũng làm được.
Bởi lẽ, làm gì có ai giỏi tất cả các môn, có thể giỏi môn tự nhiên nhưng còn môn xã hội thì sao?”.
Đó là chưa kể việc áp dụng mô hình home-schooling sẽ hạn chế con việc tiếp xúc với xã hội bên ngoài, rèn cho con tính kỷ luật và chịu trách nhiệm với tập thể.
Cuối cùng, PGS Văn Như Cương khẳng định ông không ủng hộ mô hình học này. “Nếu là tôi, tôi sẽ không cho các con học tại nhà”.
Đồng quan điểm với PGS Văn Như Cương, cô Lê Thị Loan – Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) chỉ rõ các nguyên nhân vì sao chưa thể áp dụng mô hình cho học sinh nghỉ học ở trường để tự học ở nhà.
Theo cô Loan, trong hệ thống giáo dục quốc dân mục tiêu đào tạo hay mô hình nhân cách người học tương ứng với từng cấp học được xác định dựa trên điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đặc điểm của lứa tuổi học sinh, yêu cầu của thị trường lao động cũng như yêu cầu về sự phát triển hài hòa, toàn diện của các em.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó người cần phải học nhiều môn học và tham gia nhiều hoạt động như vui chơi, hoạt động tập thể với những trải nghiệm và hoạt động cùng nhau để hình thành nhân cách. Điều này rất khó thực hiện ở giáo dục gia đình.
Việc giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống khó thực hiện ở giáo dục gia đình, đặc biệt là những giá trị phổ quát mang tính toàn cầu như: Hòa bình, hữu nghị, tinh thần quốc tế, kỹ năng hợp tác, hòa nhập, phòng tránh bạo lực học đường, xâm hại tình dục… thường được tổ chức dưới dạng các hoạt động tập thể và đây là thế mạnh của giáo dục nhà trường.
Việc học tập tại gia đình sẽ làm hạn chế các mối quan hệ xã hội, giao tiếp của các em với các bạn cùng trang lứa với sự đa dạng về cá tính, tính cách, hoàn cảnh… điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng hòa nhập và thích nghi với cuộc sống vốn rất sôi nổi, phức tạp.
Hoạt động dạy học, giáo dục trẻ em phải được tiến hành bởi những người được đào tạo, có phương pháp và kỹ năng sư phạm, được tổ chức có hệ thống và phối hợp với các lực lượng giáo dục khác chắc chắn sẽ giúp các em phát triển một cách toàn diện.
Trong một số trường hợp cha mẹ có kiến thức và kỹ năng dạy con mình học tập có thể đạt được kết quả như mong muốn ở một số môn học và một số lĩnh vực, nhưng về tổng thể không thể thay thế giáo dục nhà trường với các thầy cô giáo trong việc giáo dục trẻ em.
Bên cạnh đó, cô Nguyễn Hương Trà - giáo viên bộ môn Giáo dục Công dân một trường THCS (Hà Nội) cho biết, không hoàn toàn ủng hộ cách làm của gia đình anh Đặng Quốc Anh.
Theo cô giáo Nguyễn Hương Trà, việc để các em nghỉ học ở nhà khi còn nhỏ có thể ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách cũng như những nhận thức xã hội sau này.
“Đến lớp, học sinh sẽ còn được học cách cư xử qua những mối giao tiếp xã hội, với thầy cô và bạn bè. Việc tách HS ra khỏi chương trình học chung, mà học bằng chương trình riêng là hoàn toàn không ổn, do phụ huynh không phải chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực...”- cô giáo Trà nói.