Mai Hoàng Đạt (23 tuổi), hiện tại đang sống và làm việc tại TP HCM. Không chỉ là nam travel blogger nổi tiếng trên mạng xã hội, hiện nay, Hoàng Đạt đang là quản lí tại công ty du lịch Kiri Travel, chuyên dịch vụ visa các nước và thiết kế các tour du lịch trải nghiệm châu Âu. Với những trải nghiệm thực tế từ nhiều chuyến đi khám phá châu Âu, chàng trai Hoàng Đạt đã rút ra được nhiều kinh nghiệm xin visa du lịch Pháp.
Hoàng Đạt cho biết: "Mỗi chuyến đi châu Âu, trong đó có Pháp, việc chuẩn bị là bước mà mình thấy khá quan trọng và khó khăn khi bắt đầu lên kế hoạch. Nó cũng là một phần quyết định bạn có xin được visa hay không".
Giấy tờ nhân thân:
- Hộ chiếu gốc và một bản phô tô tất cả các trang. Hộ chiếu còn hiệu lực ít nhất 6 tháng kể từ ngày bay và còn ít nhất hai trang trống dành cho visa và đóng dấu xuất nhập cảnh.
- Hai ảnh thẻ phông trắng, kích thước 3.5×4.5 cm, trong đó khuôn mặt chiếm khoảng 70% trong ảnh.
- Sổ hộ khẩu, giấy đăng kí kết hôn (nếu có), một bản Chứng minh thư nhân dân có công chứng và dịch thuật ra tiếng Anh.
Giấy tờ chứng minh tài chính:
Sổ tiết kiệm tối thiểu 200 triệu đồng (Giấy xác nhận số dư, kèm bản phô tô và bản gốc sổ tiết kiệm, giấy xác nhận quyền sở hữu đất, giấy đăng kí xe ô tô, giấy chứng nhận cổ đông, hợp đồng thuê nhà... công chứng (nếu có).
Giấy tờ chứng minh công việc:
Hoàng Đạt chia sẻ: "Để xin visa du lịch Pháp, bạn cần một bản sao có dấu mộc treo của công ty hoặc bản phô tô công chứng hợp đồng lao động. Ngoài ra, bạn cần cung cấp một bản sao kê tài khoản ngân hàng trong vòng từ 3 đến 6 tháng gần nhất kèm bảng lương 6 tháng gần nhất có dấu mộc treo của công ty để chứng minh mình có thu nhập ổn định và giấy xin nghỉ phép với lí do đi du lịch, ghi rõ thời gian nghỉ trong giấy và có chữ kí đóng dấu của công ty.
Nếu là chủ doanh nghiệp bạn cần có hồ sơ đăng kí kinh doanh, sao kê tài khoản công ty trong vòng 6 tháng gần nhất và các giấy tờ kê khai việc đóng thuê của công ty mình trong vòng 3 tháng gần nhất".
Các giấy tờ liên quan:
- Tờ khai xin visa du lịch
- Thông tin vé máy bay khứ hồi của chuyến đi.
- Xác nhận đặt phòng khách sạn.
- Lịch trình chuyến đi cụ thể và chi phí dự kiến.
- Bảo hiểm du lịch với trị giá 30.000 euro.
- Giấy cam kết quay về Việt Nam.
- Thư bày tỏ (letter of expression).
"Rất nhiều bạn có suy nghĩ là càng nhiều tài sản, càng chứng minh được nhiều tài chính là sẽ được đi châu Âu. Và thế là đi vay mượn tiền để chuyển vào tài khoản, vào sổ tiết kiệm, thậm chí còn nhờ bố mẹ, người thân sang tên nhà đất hay các tài sản có giá trị. Tuy nhiên, mình thấy đó là điều sai lầm vì tài chính phải phù hợp với tuổi tác, nghề nghiệp. Ví dụ, bạn là một sinh viên hoặc mới ra trường, không thể nào có giao dịch tài khoản tiền chục triệu, trăm triệu hay thậm trí là tiền tỉ được", Hoàng Đạt cho biết.
Với những trường hợp xin visa du lịch Pháp nhưng không có công việc và tài chính ổn định, nhiều người chọn cách đi làm giả giấy tờ. Tuy nhiên, đó là điều không nên làm vì bộ phận Lãnh sự quán sẽ kiểm tra các thông tin bạn khai báo, nếu thấy sai sót, gian lận thông tin, hồ sơ của bạn sẽ bị hủy ngay lập tức.
Chàng trai 9X cũng chia sẻ thêm: "Không phải cứ chuẩn bị đầy đủ giấy tờ là xong, bạn cần phải kiểm tra tính logic giữa các giấy tờ. Đặc biệt, không phải cứ nộp nhiều giấy tờ là càng tốt. Để hồ sơ đẹp thì bạn nên chọn lọc những giấy tờ cho hợp lí, có điểm mạnh để tăng khả năng đỗ".
Đối với du khách khi xin visa du lịch Pháp, trước hết cần phải đảm bảo đầy đủ yếu tố về tài chính và công việc. Những giấy tờ chứng minh công việc và tài chính cần phải logic với nhau. Du khách cần chứng minh được nguồn tài chính của mình từ đâu và phải đảm bảo được rằng bạn có thể chi trả các chi phí khi đi du lịch và có khả năng quay trở về nước sau chuyến đi. "Nếu lương tháng của bạn là 5 triệu đồng/tháng và giao dịch tài chính dưới 10 triệu đồng/ tháng trong tài khoản ngân hàng thì việc bạn đi du lịch châu Âu là không hợp lí", Hoàng Đạt cho biết.
Du khách cần đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu trong hồ sơ của mình và cần bổ sung những gì cho hợp lí. Bạn cần phải chứng minh được bạn thích đi du lịch và đã đi một số nước. Nếu bạn đi được du lịch sang các nước khó xin visa thì hồ sơ của bạn càng có sự tin tưởng hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản...
Ngoài ra, du khách cần chuẩn bị những giấy tờ chính xác, không gian lận thông tin vì những thông tin bạn cung cấp sẽ được bên Lãnh sự quán kiểm tra lại. Một lịch trình du lịch rõ ràng, chi tiết sẽ giúp hồ sơ xin visa du lịch của bạn được đánh giá cao. Đặc biệt, bạn cần chuẩn bị tất cả giấy tờ dịch thuật công chứng, thư bày tỏ, thư giải trình bằng tiếng Pháp để tạo ấn tượng tốt với Lãnh sứ quán Pháp.
Theo kinh nghiệm xin visa du lịch Pháp, Hoàng Đạt chia sẻ thêm: " Về sổ tiết kiệm, nếu có kế hoạch đi du lịch, bạn nên bỏ tiền vào sổ tiết theo từng đợt chứ không nên đem gửi một số tiền lớn một lúc vào tài khoản tiết kiệm khi bắt đầu làm hồ sơ. Như vậy, việc chứng minh tài chính của bạn sẽ thật hơn".
Đối với du khách khi xin visa du lịch Pháp dạng nhập cảnh nhiều lần, bạn cần phải tuân thủ đúng việc nhập cảnh và xuất cảnh cho những lần đầu tiên. Điều này có nghĩa là khi bạn xin visa du lịch Pháp, bạn phải nhập cảnh tại Pháp và xuất cảnh Pháp, như vậy lần sau khả năng xin được visa du lịch Pháp dạng nhập cảnh nhiều lần sẽ có khả năng đỗ cao hơn.
"Ngoài việc chọn phần multi trong phần điền form thông tin, bạn nên viết thư trình bày để bày tỏ rõ mục đích chuyến đi là du lịch. Bạn cần phải thể hiện được rằng bạn là người đam mê du lịch, muốn khám phá châu Âu và sẽ quay trở về sau chuyến du lịch. Trình bày hoặc giải thích rõ ràng về công việc và tài chính. Ngoài ra, nếu muốn xin được visa du lịch Pháp dạng nhập cảnh nhiều lần, bạn phải nói rõ kế hoạch du lịch sắp tới trong tương lai đến Pháp, lí do cụ thể rõ ràng việc bạn muốn đi nhiều lần", Hoàng Đạt chia sẻ.