Trẻ bạo lực học đường khi lớn khả năng phạm pháp thường sẽ cao hơn!

Chỉ mới hơn 1 tháng bước vào năm học mới đã có rất nhiều vụ nữ sinh đánh nhau quay clip diễn ra làm dấy lên lo ngại về vấn đề bạo lực học đường.
tre bao luc hoc duong khi lon kha nang pham phap thuong se cao hon
Nữ sinh đánh bạn lột đồ tại Núi Nhạn, Phú Yên ngày 1/10. Ảnh từ clip.

Ngày 9/10 vừa qua, một đoạn video clip dài 1 phút 27 giây ghi lại cảnh nhóm nữ sinh tát bạn, đá thẳng vào mặt khiến bạn bất tỉnh được cộng đồng mạng truyền nhau xem. Trong clip một cô gái trẻ mặc áo trắng đã bị 2 cô gái mặc áo đen xông đến tát như “trời giáng” vào mặt. Chưa kịp hoàn hồn, một cú đá mạnh vào mặt đã khiến cô gái bất tỉnh tại chỗ. Vụ việc được cho là xảy ra ở Thanh Hóa.

Trước đó, ngày 5/10, một clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh nữ sinh văng tục, nắm tóc, lấy dép đánh vào mặt bạn cũng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Nhóm học sinh gồm 6 người tham gia đánh bạn là học sinh lớp 9 của trường THCS xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Hai nữ sinh nữ bị đánh là học sinh trường THCS xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu. Vụ việc 2 nữ sinh bị đánh hội đồng xảy ra vào chiều ngày 4-10 tại địa bàn xã Quỳnh Long. Lý do nhóm nữ sinh đánh bạn cho rằng họ bị nạn nhân xúc phạm trước đó.

Cách đó không lâu, chiều 1/10 tại khu vực núi Nhạn, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cũng diễn ra việc nữ sinh rủ nhau đánh hội đồng bạn, lột đồ quay clip tung lên mạng. Cô gái trẻ bị nhóm người đánh đập dã man, thi nhau đấm đá, dùng mũ bảo hiểm đập liên tiếp vào người. Đánh đập chưa đủ, nhóm các cô gái còn lột quần áo của đối phương dưới sự chứng kiến của nhiều người.

Chỉ mới đầu tháng 10 đã hàng loạt vụ nữ sinh đánh nhau quay clip xuất hiện như trên thực sự khiến nhiều người lo ngại về vấn nạn bạo lực học đường hiện nay. Không chỉ nạn nhân bị ảnh hưởng, những người gây ra bạo lực, nhóm người vây quanh quay clip cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức giới trẻ ngày nay.

Trước hàng loạt các vụ nữ sinh có hành vi côn đồ, vô cảm với nhau, phóng viên Việt Nam Mới đã có những trao đổi cùng chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp, kỹ năng sống TPHCM:

tre bao luc hoc duong khi lon kha nang pham phap thuong se cao hon
Chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP HCM.

Mới dịp đầu năm học đã liên tục xuất hiện nhiều vụ việc bạo lực giữa các bạn trẻ, nhất là các bạn nữ, anh nghĩ sao về vấn đề này?

Càng ngày bạo lực học đường càng xảy ra và phổ biến nhiều hơn, đặc biệt là không chỉ có nam mà còn bạo lực giữa các bạn nữ với nhau. Nó ảnh hưởng rất lớn đến học sinh, về sức khỏe, lực học, thái độ, tâm lý thậm chí cả tính mạng. Chúng ta cần phải quan tâm và đứng ở góc độ những nhà giáo dục, tôi nghĩ chúng ta cần nghĩ ra cách để bảo vệ các em nhiều hơn.

Theo anh nguyên nhân vì sao bạo lực học đường diễn ra ngày một nhiều như hiện nay?

Tôi nghĩ xuất phát từ những tác động xung quanh các em. Tác động thường xuyên nhất đến các em chính là tác động giữa chính cha mẹ và con cái. Cách hành xử của cha mẹ tác động lớn đến các em trong suy nghĩ và hành động. Khảo sát trên 43% cha mẹ hay la mắng các em, không quan tâm đến các em. Thêm nữa là trách nhiệm từ phía nhà trường. Nhà trường làm rất tốt việc dạy chữ nhưng nhà trường cũng ít quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng cách đến việc dạy các em làm người. Các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng mềm cũng chưa thực sự được triển khai hiệu quả. Mặt khác, ở góc độ xã hội những ảnh hưởng từ lối sống vô cảm, lối sống ảo, game online, thông tin xấu trên internet… ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của các em. Ngoài ra, lứa tuổi bạo lực học đường diễn ra phổ biến nhất từ 12 đến 18 tuổi. Độ tuổi này các em phát triển nhanh mạnh, hệ thần kinh “có vấn đề”, dễ bị kích thích và tác động, thường chọn cách hành xử đánh nhau. Đó chính là những nguyên nhân chủ yếu khiến bạo lực học đường diễn ra ngày một nhiều.

Hậu quả của những vụ việc đánh nhau này, thưa anh?

Không chỉ nạn nhân mới là người gánh hậu quả mà cả nhóm người gây ra bạo lực, nhóm người vây quanh xem và quay clip cũng sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đến tâm lý, nhân cách mình. Nạn nhân thường rơi vào hoảng sợ, cô đơn, chán nản, có em buông xuôi rồi chọn cách tự vẫn. Những người chứng kiến xem đó là chuyện bình thường – manh nha của dấu hiệu vô cảm. Các em gây ra bạo lực thấy không ai chống đối sẽ mặc nhiên cho rằng có thể giải quyết sức mạnh bằng việc đánh nhau, hành xử côn đồ. Đã có khảo sát về các em có hành vi bạo lực khi lớn lên khả năng phạm pháp thường sẽ cao hơn là vì vậy.

Vậy đứng ở góc độ một người nghiên cứu về tâm lý giáo dục, theo anh có giải pháp nào để ngăn chặn vấn đề này thưa anh?

Trước hết, mỗi gia đình cần quan tâm hơn đến con mình. Gia đình đừng quá đánh giá thấp việc bạo lực học đường. Nhiều ba mẹ cho con laptop, điện thoại công nghệ,… mà không dành thời gian cho con. Nếu cha mẹ là bạn của con thì cũng sẽ có những lời chỉ dẫn và có cách giáo dục con hay hơn, can thiệp kịp thời tránh để xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Mặt khác là nhà trường, gia đình, xã hội cần ý thức được vai trò của mình trong vấn nạn bạo lực học đường hiện nay đồng thời cần chung tay với nhau. Gia đình, ba mẹ phải là tấm gương. Nhà trường cần chú ý tốt cả việc dạy làm người, dạy kỹ năng. Xã hội cần lên án cái xấu. Khi cả ba cùng làm tốt vai trò của mình và phối hợp chặt chẽ với nhau, chúng ta sẽ giúp được các em!

Cảm ơn anh!

chọn
Cận cảnh cầu vượt đường sắt nối nút giao Liêm Tuyền - QL1A ở Phủ Lý, Hà Nam đang xây dựng
Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam kết nối đường Lê Duẩn với QL 1A và cầu Châu Sơn ở TP Phủ Lý, Hà Nam nhằm loại bỏ xung đột giao thông giữa đường sắt quốc gia với đường bộ.