Xử phạt học sinh cần có tính răn dạy chứ không phải kiểu 'đòn thù'

Trước những vụ xử phạt học sinh bởi nhiều hình thức như phạt quì, tát vào mặt, dùng thước vụt liên tiếp vào người, đánh bầm tím cơ thể... nhiều giáo viên cho rằng, tùy từng đối tượng học sinh mà cần phải có biện pháp mạnh trong giáo dục.

Trong nghiệp vụ sư phạm, kiềm chế cảm xúc là điều cần phải có

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh cô giáo tát liên tiếp vào mặt một học sinh và dùng thước đánh một học sinh khác khi hai cậu bé này đang làm bài thi trên lớp khiến nhiều người bức xúc.

Theo chia sẻ của phụ huynh đăng tải đoạn clip, hình ảnh trên diễn ra vào ngày 8/5 trong buổi kiểm tra học kì 2, tại lớp 2A7, trường Tiểu học Quán Toan (quận Hồng Bàng, Hải Phòng).

Phụ huynh này bức xúc cho biết, sau khi con chị bị cô giáo coi thi đánh, cháu phải điều trị kháng sinh liều cao vì viêm và phù nề, xung huyết, ứ mủ...

Trước những vụ xử phạt học sinh bởi nhiều hình thức như phạt quỳ, tát vào mặt, dùng thước đánh liên tiếp vào học sinh, đánh bầm tím cơ thể... nhiều giáo viên đã lên tiếng về quan điểm phạt, dạy dỗ học sinh mà nhiều người coi là bạo hành này.

Cô Nguyễn Thị Hồng Châu, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TP HCM) cho biết: "Qua quá trình giảng dạy lâu nay, quan điểm của tôi là không dùng bạo lực, dù cho học sinh ngỗ ngược, xúc phạm... Khi đứng trước tình huống xấu, tôi thường im lặng hoặc bỏ đi để giữ bình tĩnh.

Sau khi cả cô và trò đều bình tâm, tôi mới gặp học sinh để cùng chia sẻ, trao đổi với nhau về tình huống vừa diễn ra. Nói chung trong nghiệp vụ sư phạm, kiềm chế cảm xúc là điều cần phải có. Nếu không mình sẽ rơi vào tình huống: Bảo vệ điều tốt nhưng vô tình thành người bạo lực".

Theo cô Châu, hiện tại mọi người hiểu bạo lực ở góc độ khác với giáo viên. Một lời trách mắng, đánh nhẹ, một hình thức phạt để yêu cầu ý thức kỉ luật lại bị đáng đồng là bạo lực.

Cô Châu cũng cho biết, tại Trường THPT Võ Trường Toản có dạy học sinh giao tiếp, văn hóa xin lỗi - cảm ơn. Và thường chính học sinh phạm lỗi viết thư cho giáo viên khi học tiết đó kết thúc.

Buổi sáng trường tổ chức giảng dạy theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Buổi chiều dạy theo kế hoạch chung của tổ, dạy kĩ năng như xin lỗi - cảm ơn, kĩ năng đọc sách... Qua chương trình học kĩ năng như trên, học sinh được giáo dục toàn diện hơn nên cũng có thái độ cư xử trong lớp tích cực hơn.

Xử phạt học sinh cần có tính răn dạy chứ không phải kiểu  đòn thù - Ảnh 1.

Cô giáo tát vào mặt, dùng thước vụt liên tiếp hàng loạt học sinh lớp 2 trong phòng thi tại Hải Phòng. (Ảnh chụp từ clip).

Kĩ năng giảng dạy của giáo viên chưa toàn diện...

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cũng  chia sẻ quan điểm về vấn đề trên: "Gần đây, những hình phạt gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tâm lí của học sinh xảy ra khá nhiều. Vấn đề ở đây nằm ở chỗ kĩ năng giảng dạy của giáo viên, họ không được huấn luyện thường xuyên về kĩ năng sẽ khó thích hợp với đối tượng trẻ.

Thế hệ học sinh hiện tại khác xa với các thầy cô, sự khác biệt về thế hệ trước có điều kiện và cách hành xử khác với thế hệ sau nên không hòa hợp được.

Theo quan điểm cá nhân, đối với học sinh chúng ta vẫn cần có hình phạt nhưng những hình phạt quá đáng – tát liên tiếp lên mặt như thế này thì đáng lên án.

Giáo viên, thậm chí những người lớn tuổi vẫn quan niệm là cần đánh để giáo dục mà em. Chính những suy nghĩ như vậy còn và thêm nữa đó là việc cập nhật kĩ năng sư phạm không hiệu quả sẽ gây nên tình trạng như trên".

Còn ở địa vị là phụ huynh ông Sơn lại đồng ý với việc xử phạt học sinh để kỉ luật và răn dạy. Tuy nhiên, cần phải nói rõ các em về lỗi sai phạm và xử phạt cần có tính răn dạy chứ không phải như kiểu "đòn thù" như thế này.

Đặc biệt kì vọng vào vai trò của hiệu trưởng trường. Theo ông Sơn, hiệu trưởng cần có biện pháp để hỗ trợ giáo viên trong khâu dạy học sinh chứ không phải thành kẻ thù của giáo viên mỗi khi có sự cố và bạn bè của giáo viên mỗi khi thu tiền.

Đồng quan điểm với ông Sơn, ông Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) cho rằng: "Sử dụng các hình thức bạo lực cũng cần tuỳ đối tượng. Trong thực tế có những học sinh cần phải có những biện pháp mạnh mới có thể không chế được học sinh, buộc các em tuân thủ kỉ luật. Vấn đề là mức độ dùng bạo lực như thế nào và mục tiêu thể hiện trong cách dùng bạo lực".

Ông Du cho biết thêm, lúc đứng lớp, khi gặp trường hợp học sinh quá ngỗ ngược hoặc có hành vi không đúng sẽ áp dụng qui đinh vi phạm lần 1, lần 2, lần 3 sẽ bị phạt như thế nào, hạn chế dùng bạo lực nhất có thể.

Khi đối tượng sử dụng bạo lực trong trường học sử dụng nó với mục tiêu giáo dục thật sự thì học trò và xã hội sẽ chấp nhận. Ví dụ như một thầy giáo nổi tiếng là hiền lành, tận tụy với một em học sinh cá biệt lại dùng roi vọt để đánh thì đó là giáo dục.

Còn một cô giáo nổi tiếng là hung dữ, khi bước vào lớp làm cho các em học sinh đều im lặng và sợ hãi bởi những hàng vi trừng phạt thì đó là dùng bạo lực sai.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.