'Buộc thôi việc cô giáo đánh hàng loạt học sinh làm thức tỉnh những người đang sử dụng bạo lực với trẻ em'

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, người sáng lập Diễn đàn Giáo dục Sáng tạo Việt Nam Founder - Ceo Innedu Steam cho biết, dưới góc độ là đồng nghiệp, mặc dù rất đau lòng nhưng cần phải có hình thức kỉ luật như vậy để đánh thức những người còn lại không được phép sử dụng bạo lực với học sinh.

Chiều 20/5, UBND quận Hồng Bàng (Hải Phòng) cho biết, quận đã yêu cầu Trường tiểu học Quán Toan thực hiện qui trình kỉ luật cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A8 với hình thức buộc thôi việc.

Trước đó, một phụ huynh đăng tải lên mạng xã hội clip ghi lại cảnh cô giáo Trang tát liên tiếp vào mặt học sinh và dùng thước đánh một học sinh khác khi cả lớp đang làm bài thi.

Trước hình thức kỉ luật trên, ngoài những ý kiến đồng tình thì có 1 bộ phận giáo viên cho rằng việc đuổi học là quá nặng đối với giáo viên đó vì sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của cô giáo. 

Không được phép sử dụng bạo lực bởi bạo lực trong giáo dục sẽ sinh ra bạo lực

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chia sẻ quan điểm về vụ việc kỉ luật buộc thôi việc cô giáo ở Hải Phòng: "Ở thời điểm hiện tại, quyết định cho cô giáo Trang nghỉ việc là rất phù hợp bởi hình thức kỉ luật này là cú sốc để thức tỉnh những người nào vẫn còn đang sử dụng bạo lực với trẻ em.

Ngoài ra, cô giáo này chắc chắn cũng đã đọc báo, các trang thông tin, mạng xã hội về những trường hợp bạo hành gây phẫn nộ thời gian gần đây. Tuy nhiên, cô ấy vẫn không thể kiểm soát hành vi khi dùng bạo lực với nhiều học sinh trong lớp thì không thể nào đổ lỗi cho việc vì bị bức xúc, dồn nén quá mà lại đi đánh học sinh như vậy".

Buộc thôi việc cô giáo đánh hàng loạt học sinh làm thức tỉnh những người đang sử dụng bạo lực với trẻ em - Ảnh 1.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia giáo dục toàn cầu Microsoft. (Ảnh: NVCC)

Bà Quyên chia sẻ, giả sử nếu cô giáo ấy tức giận, bức xúc quá với hiệu trưởng thì cô giáo này có dám đánh hiệu trưởng hay không. Cho nên, việc đánh người yếu thế hơn mình đã là không có đạo đức, do đó trong trường hợp này nên cho cô giáo ấy nghỉ việc và làm một việc khác.

Dưới góc độ là đồng nghiệp, mặc dù rất đau lòng nhưng bà Quyên cho rằng cần phải có hình thức kỉ luật như vậy để đánh thức những người còn lại không được phép sử dụng bạo lực với học sinh.

"Trường hợp cô giáo ở Hải Phòng sẽ làm cho những đứa trẻ cô ấy đánh có khả năng khi lớn lên cũng sẽ dùng bạo lực với người khác. Do vậy, chúng ta tuyệt đối không dùng bạo lực trong nhà trường – là nơi tu dưỡng đạo đức, tâm hồn, tinh thần cho đứa trẻ lại cho đứa trẻ nhận những hành vi bạo lực, như vậy không phù hợp với việc làm giáo dục.

Chúng ta phải có quan điểm không được sử dụng nhục hình đối với trẻ, không được phép sử dụng bạo lực bởi bạo lực trong giáo dục sẽ sinh ra bạo lực. Đặc biệt một xã hội mà mọi người đối xử với nhau bằng bạo lực thì đó không phải là giáo dục", bà Quyên cho hay.

Hình thức kỉ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức hay buộc thôi việc có phù hợp?

ThS, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, thời gian qua xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em mà phần lớn lại trong chính môi trường đáng lẽ trẻ em phải được chăm sóc, bảo vệ là trường học.

 Giáo viên là người có trách nhiệm chăm sóc, bảo đảm sự an toàn cho các em nhưng lại có những hành vi không đúng chuẩn mực làm ảnh hưởng đến tâm lí, tinh thần cũng như sức khỏe của học sinh.

Trong vụ việc cô giáo đánh trẻ ở Hải Phòng, Hội đồng xử lí kỉ luật cho rằng hành vi của cô giáo đánh đập các em học sinh là hành vi mang tính chất bạo lực, bạo hành, xâm phạm thân thể và tinh thần học sinh, vi phạm qui chế chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và vi phạm đạo đức nhà giáo, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Hành vi này đã gây bức xúc, phẫn nộ trong học sinh, phụ huynh và nhân dân, tạo dư luận xấu trong xã hội, làm ảnh hưởng tới uy tín và danh dự nhà trường, quận và thành phố trong khi quận và thành phố đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, chống bạo lực học đường do đó đã xử lí kỉ luật hình thức buộc thôi việc đối với cô giáo có hành vi vi phạm.

Buộc thôi việc cô giáo đánh hàng loạt học sinh làm thức tỉnh những người đang sử dụng bạo lực với trẻ em - Ảnh 2.

Cô giáo tát vào mặt, dùng thước vụt liên tiếp hàng loạt học sinh lớp 2 trong phòng thi tại Hải Phòng. (Ảnh chụp từ clip).

Theo qui định tại Điều 52 Luật viên chức thì Viên chức vi phạm các qui định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỉ luật sau: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.

Nghị định 27/2012/NĐ-CP cũng qui định nguyên tắc xử lí kỉ luật là khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật; mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lí một hình thức kỉ luật. Thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của viên chức có hành vi vi phạm pháp luật là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỉ luật. Điều 13 Nghị định này cũng qui định hình thức kỉ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;

2. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và qui tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập;

4. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;

5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch;

6. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; qui định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỉ luật lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội và các qui định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.

Thẩm quyền xử lí kỉ luật được qui định như sau: Đối với viên chức quản lí thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lí kỉ luật và quyết định hình thức kỉ luật; đối với viên chức không giữ chức vụ quản lí thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lí viên chức tiến hành xử lí kỉ luật và quyết định hình thức kỉ luật.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lí viên chức phải tổ chức cuộc họp để viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tự kiểm điểm và nhận thức kỉ luật. Viên chức có hành vi vi phạm pháp luật phải làm bản tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỉ luật. Nội dung các cuộc họp kiểm điểm viên chức phải được lập thành biên bản.

Biên bản các cuộc họp kiểm điểm phải có kiến nghị áp dụng hình thức kỉ luật đối với viên chức có hành vi vi phạm pháp luật. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp kiểm điểm, biên bản cuộc họp kiểm điểm được gửi tới Chủ tịch Hội đồng kỉ luật để tổ chức xem xét xử lí kỉ luật theo qui định.

Người có thẩm quyền xử lí kỉ luật quyết định thành lập Hội đồng kỉ luật để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỉ luật đối với viên chức có hành vi vi phạm pháp luật. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỉ luật: Hội đồng kỉ luật chỉ họp khi có đủ các thành viên tham dự; Hội đồng kỉ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỉ luật thông qua bỏ phiếu kín; Cuộc họp Hội đồng kỉ luật phải có biên bản ghi ý kiến của các thành viên dự họp và kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỉ luật áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm pháp luật.

Hồ sơ xử lí kỉ luật trình Hội đồng kỉ luật gồm: Bản tự kiểm điểm, trích ngang sơ yếu lí lịch của viên chức có hành vi vi phạm pháp luật, biên bản cuộc họp kiểm điểm viên chức và các tài liệu khác có liên quan.

Dưới góc độ pháp luật thì hành vi vi phạm của cô giáo tại Hải Phòng sai đến đâu sẽ xử lí đến đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (4/5 - 10/5): Đề xuất làm cao tốc Phủ Lý - Nam Định, sẽ mở rộng Vành đai 2 Hà Nội
Đề xuất làm cao Phủ Lý - Nam Định; hơn 17.000 tỷ đồng mở rộng gần 4 km vành đai 2 Hà Nội; lên kế hoạch làm vành đai 4 đoạn qua Bình Dương; phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2050... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.