Với tư cách là người đại diện Cục bảo vệ trẻ em, bà có suy nghĩ gì khi xem clip một cô giáo tiểu học ở Hải Phòng liên tiếp đánh nhiều học sinh vừa qua?
Sau khi xem xong clip một cô giáo ở Hải Phòng đánh nhiều học sinh trong lớp bản thân tôi cảm thấy cô giáo này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp nhà giáo cũng như xâm hại nghiêm trọng đến quyền của trẻ em. Đặc biệt những hành vi đó ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tinh thần của học sinh.
Tôi chia sẻ với áp lực với các thầy cô giáo nhưng những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em là không thể chấp nhận được.
Cô giáo tát vào mặt, dùng thước vụt liên tiếp hàng loạt học sinh lớp 2 trong phòng thi tại Hải Phòng. (Ảnh chụp từ clip).
Đối với vụ việc một giáo viên bắt học sinh qùi trong lớp, bà có nghĩ đây là hành vi đó có xâm hại quyền trẻ em?
Bạo lực xâm hại không chỉ nhắc đến khía cạnh về thể xác mà còn về tinh thần của trẻ. Việc bắt học sinh qùi trong lớp là hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của học sinh trước sự chứng kiến của nhiều người. Đặc biệt, với lương tâm của một nhà giáo, việc để học sinh qùi như vậy không thể chấp nhận.
Nhiều người có tư tưởng "thương cho roi cho vọt", nhưng liệu suy nghĩ này có thực sự phù hợp với nền giáo dục hiện nay?
Từ xưa đến nay, ông cha ta thường nói "thương cho roi cho vọt" có nghĩa là có yêu có quí mới phạt học sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là quan niệm cũ xưa, không còn phù hợp với giáo dục hiện đại. Có rất nhiều cách khác nhau để giáo dục con cái, giáo dục học sinh thay vì việc đánh đập hay dùng những từ ngữ không hay trong giảng dạy.
Có nhiều người cho rằng một cái "bạt tai" không phải là bạo lực, tuy nhiên với cương vị là người bảo vệ quyền trẻ em, tôi chắc chắn đó chính là bạo lực về cả thể xác và tinh thần. Các vết bầm tím có thể mất dần theo thời gian, nhưng sự lo lắng, sợ hãi thì vẫn còn ám ảnh tinh thần cho đến mãi về sau.
Vì vậy, dù rất khó nhưng tư tưởng "thương cho roi cho vọt", "không đánh không nên người" cũng cần được thay đổi.
Theo bà, so với những năm trước, số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em vì sao có xu hướng tăng lên dù mình có nhiều cơ quan, tổ chức được thành lập để bảo vệ trẻ?
Theo số liệu thống kê, trong năm 2017 có 1.642 trẻ em bị xâm hại (ở nhiều hình thức khác nhau), đến năm 2018 có 1.658 em. Đặc biệt, theo báo cáo công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em năm 2018, trong hai năm (2017 – 2018) trên cả nước xảy ra 2.643 vụ xâm hại, trong đó có 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục.
Nhóm đối tượng dễ bị xâm hại phần lớn là trẻ em nữ, chiếm đến 87%; số nạn nhân dưới 6 tuổi bị bạo lực xâm hại chiếm 7 – 8%.
Đặc biệt, số vụ bạo lực xâm hại đều diễn ra ở 63 tỉnh thành, trong đó Hà Nội và TP HCM là hai thành phố ghi nhận được nhiều vụ xâm hại trẻ em nhất.
Tuy nhiên, toàn bộ số liệu nêu trên thì chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" bởi nhiều vụ việc không lên báo, không thông tin cho tổng đài 111 hay cho các cơ quan chức năng thì không thể thống kê.
Cô Lê Thị Quy phạt học sinh quỳ trước lớp.
Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo hành liên tục diễn ra và có xu hướng tăng nhanh thời gian gần đây?
Ngoài việc thiếu những văn bản hướng dẫn, công tác kiểm tra, thanh tra chưa được chú trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ, nguyên nhân chính còn liên quan đến một bộ phận trong xã hội bị xuống cấp về mặt đạo đức, môi trường cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đặc biệt, việc trẻ em tiếp xúc nhiều những nội dung không phù hợp thì bản thân trẻ vừa là nạn nhân, nhưng ở một số vụ việc (đơn cử như vụ đánh nhau ở Hưng Yên) chính các em lại là đối tượng gây bạo lực với những người khác.
Song hành cùng với đó, việc thiếu nguồn lực trong công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt từ khâu chuẩn bị, phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm cũng rất quan trọng để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Đồng thời, các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường cũng cần bổ sung những dịch vụ tư vấn, tham vấn học đường, cộng đồng, xã hội nhằm trang bị kĩ năng, kiến thức giúp trẻ bảo vệ mình, bảo vệ bạn bè.
Theo bà, đối với việc bảo vệ trẻ em Việt Nam cần có những qui định gì để công tác bảo vệ trẻ ngày càng được tốt hơn?
Ngoài những giải pháp về quản lí (rà soát chính sách, tuyên truyền, tăng cường bố trí nguồn lực, công tác thanh tra, kiểm tra…) thì điều quan trọng nhất chính là: Cần phải xử lí nghiêm người đứng đầu địa phương, cơ sở giáo dục để xảy ra những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
Nếu giáo viên là người gây ra những vụ bạo lực xâm hại, sẽ phải xử lí đầu tiên, nhưng rõ ràng trách nhiệm của người quản lí cơ sở giáo dục cũng cần được chú trọng và xử lí thật nghiêm minh khi xảy ra những vi phạm.
Đặc biệt, trong 8 nhóm giải pháp của Cục trẻ em kiến nghị lên Bộ GD&ĐT nhằm bảo vệ trẻ tránh xâm hại bạo lực, việc triển khai quảng bá về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em trong trường học cần được quan tâm.
Đối với học sinh khi là nạn nhân, người chứng kiến các vụ xâm hại bạo lực, nếu không thể nói trực tiếp với các thầy cô nhà trường thì có thể liên hệ với Tổng đài 111, khi đó chúng tôi sẽ can thiệp hỗ trợ. Dù đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng trên thực tế rất ít học sinh biết về tổng đài bảo vệ trẻ em này.
Cảm ơn bà với những chia sẻ trên!