Chỉ tiêu khối ngành sư phạm tăng, chất lượng liệu có giảm?

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, năm nay chỉ tiêu khối ngành sư phạm có tăng lên nhưng Bộ quyết tâm không hạ điểm sàn để đánh đổi lấy số lượng.

Không hạ điểm sàn để đánh đổi lấy số lượng 

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết nếu so với năm 2018 thì chỉ tiêu khối ngành sư phạm năm 2019 có tăng thêm hơn 10.000, nhưng không vì chỉ tiêu tăng lên mà quá lo lắng việc điểm chuẩn đầu vào sư phạm thấp cũng như chất lượng đào tạo giáo viên.

Năm 2018, ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) cho khối ngành đào tạo sư phạm được xác định lần lượt là 17/15/13 đối với các trình độ ĐH, CĐ, TC hoặc yêu cầu học bạ loại giỏi đối với ĐH, loại khá đối với CĐ và TC nếu áp dụng phương án xét tuyển học bạ. Trong thực tế, năm học 2018 các ngành đào tạo GV chỉ tuyển được 44% so với nhu cầu đào tạo nhưng Bộ quyết tâm không hạ điểm sàn để đánh đổi lấy số lượng. Năm nay, chính sách này tiếp tục sẽ được Bộ thực hiện để nâng cao chất lượng giáo viên.

Chỉ tiêu khối ngành sư phạm tăng, chất lượng liệu có giảm? - Ảnh 1.

Cả nước đang thiếu nhiều giáo viên mầm non và tiểu học. ĐĂNG NGUYÊN

Nhiều giải pháp kiểm soát

Tăng gần 34.000 chỉ tiêu đào tạo: Tiếp tục mất cân đối thị trường lao động ?

Trước sự lo ngại của xã hội, bà Phụng cho biết việc tăng chỉ tiêu sẽ đi kèm với nhiều giải pháp để kiểm soát số lượng và chất lượng trong việc tuyển sinh ngành sư phạm. Thứ nhất là kiểm soát bằng chỉ tiêu tuyển sinh. Bộ chỉ giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường sư phạm bằng 73% nhu cầu đào tạo của các trường. Điều này nhằm khuyến khích các tỉnh cần tiếp tục thu hút sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm còn thừa thiếu cục bộ.

Theo bà Phụng, giải pháp thứ hai là kiểm soát chất lượng đầu vào bằng quy định sàn xét học bạ và điểm sàn để xét tuyển từ điểm thi. Thứ ba, yêu cầu các trường nhập toàn bộ dữ liệu trúng tuyển, nhập học lên hệ thống chung để kiểm soát việc thực hiện chỉ tiêu và điểm sàn.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường sư phạm minh bạch thông tin để xã hội giám sát.

Trước đó, thông tin tổng chỉ tiêu vào các trường ĐH, CĐ, TC nhóm ngành đào tạo giáo viên tăng hơn so với năm 2018, có rất nhiều ý kiến trong dư luận. Những ý kiến phản đối cho rằng việc Bộ GD-ĐT cho phép tăng chỉ tiêu khối ngành sư phạm như vậy là chưa hợp lý vì hiện nay có tình trạng dư thừa giáo viên ở các tỉnh, thành. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc tăng chỉ tiêu này sẽ làm mất cân đối thị trường lao động, phá vỡ chính sách phân luồng...

Thiếu rất nhiều giáo viên mầm non và tiểu học

Theo bà Phụng, hiện nay có sự thừa, thiếu giáo viên cục bộ chứ không phải chỉ có tình trạng giáo viên đang dư thừa nhiều ở địa phương. Theo báo cáo cuối năm 2018 của các sở GD-ĐT địa phương, cả nước đang thiếu 75.989 giáo viên, chủ yếu là bậc mầm non (MN) và tiểu học (TH). Trong đó, các tỉnh thiếu GV lớn nhất là Hải Dương (4.000), Hà Nội (4.000), Thái Bình (3.600)...

Việc thừa thiếu giáo viên cục bộ cũng diễn ra từ nhiều năm trước. Năm 2016, kết quả rà soát cho thấy cả nước thừa, thiếu cục bộ khoảng 43.000 GV. Năm 2017, kết quả Bộ khảo sát nhu cầu đào tạo GV của các tỉnh thành trong cả nước cho thấy: năm 2018, các tỉnh cần đào tạo 59.527 giáo viên. Bộ giao 35.590 chỉ tiêu bằng 60% nhu cầu (40% còn lại để các tỉnh thu hút sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm) nhưng thực tế chỉ tuyển được hơn 26.000, bằng 44% nhu cầu đào tạo của năm.

Theo báo cáo từ các địa phương gửi về Bộ, năm 2019 cả nước có 63.364 chỉ tiêu cần đào tạo (bao gồm mầm non: 23.333 chỉ tiêu, tiểu học: 21.220 chỉ tiêu, THCS: 14.580 chỉ tiêu, THPT: 3.553 chỉ tiêu). Rút kinh nghiệm từ con số thực tuyển của năm 2018, năm 2019 Bộ GD-ĐT giao cho các trường 46.285 chỉ tiêu (bằng 73% của nhu cầu). Trường hợp các trường nếu tuyển đủ cũng bằng 73% nhu cầu và xấp xỉ bằng mức trung bình phải đào tạo/năm trong giai đoạn 2016-2020 theo QĐ Số 732/QĐ-TTg. Tuy nhiên, năm nay, theo số liệu thống kê tính đến 14.5.2019, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo GV còn ít hơn năm 2018 nên khó có khả năng tuyển đủ chỉ tiêu nêu trên.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.