Trẻ mầm non 'còng lưng' học thêm ngoại khóa

Sau cả ngày học trên lớp, nhiều bé lại được người thân vội vàng cho ăn bữa xế để kịp giờ học thêm ngoại khóa.

Cả tuần kín lịch

Ghé sân chơi tại một trường mầm non trên địa bàn Q. Bình Thạnh vào giờ trả trẻ, khi các bạn đang đùa vui trong sân chơi của trường thì nhiều bé liên tục bị cha mẹ hoặc ông bà giục về sớm bởi còn phải “về tắm rửa ăn uống rồi đi học”.

Chị Vân, mẹ bé Bảo Anh (4 tuổi) vừa gọi con vừa tranh thủ cười giải thích: “Về còn đi học anh văn!”. Chị cho biết do chồng bận rộn, nhà neo người nên chị quyết định nghỉ việc chỉ để ở nhà… đưa đón con đi học.

Xem việc học của con là “sự đầu tư nghiêm túc”, chị chấp nhận đưa đón con từ khu vực Bình Thọ, Thủ Đức lên Bình Thạnh cho con học mầm non và các môn ngoại khóa. “Đón học chính xong thì chở đi ăn rồi vào học thêm, hôm nào hai mẹ con cũng về đến nhà là gần 8 giờ tối”, chị cho biết. Cũng theo chị, hiện bé theo học tiếng Anh và Toán thông minh ngay tại các trung tâm ở khu vực Hàng Xanh (Bình Thạnh).

tre mam non cong lung hoc them ngoai khoa
Sau giờ học chính trên lớp, nhiều bé lại được cha mẹ đưa đến các lớp học ngoại khóa.

Cũng vội cho cháu về đi học, bà Loan (62 tuổi) cho biết ông bà đã về hưu và được vợ chồng con trai nhờ đưa đón 2 cháu nội giúp. Theo bà thì 2 cháu nội (5 tuổi và 3 tuổi) hiện đang học múa, học đàn và học anh văn.

“Học múa và đàn hết 4 buổi trong tuần, còn anh văn thì cuối tuần hai bé được ba mẹ đưa đón”, bà nói. “Có hôm họp phụ huynh về muộn, tôi phải mang luôn cả thức ăn sang trường đút cho cháu ăn nhanh rồi còn về kịp đi học 5 giờ”, bà nói. Cũng theo bà, dù kín lịch nhưng con trai bà vẫn đang “nghiên cứu” tiếp tục… tìm lớp luyện chữ cho bé 5 tuổi!

Tại một trung tâm kỹ năng sống ở Q.2, cuối tuần nên rất đông cha mẹ đưa con đến học. Chị Hương, hiện đang giúp việc nhà cho một gia đình khu vực Bình An (Q.2) ngồi đợi đón con nhà chủ cho biết chị được giao nhiệm vụ chăm sóc và đưa đón bé khi đi học gần nhà.

“Thường thì học từ trường về là tôi đón bé rồi tắm, cho ăn, xong xuôi là đi học. Một tuần là bé kín hết lịch: học Anh văn, học Toán thông minh, học vẽ, đàn, bơi”, chị Hương cho biết.

Theo chị, một tuần ngoài 2 buổi giáo viên đàn đến nhà dạy với giá 250.000đ/ 45 phút, các môn còn lại ba mẹ bé và chị thay nhau đưa đón. “Mẹ bé còn trang bị mua cả thẻ học bơi, cứ rảnh lúc nào cuối tuần là đi học bơi! Còn hôm nay cuối tuần thì cho đến các lớp kỹ năng sống này để học Thông minh cảm xúc!”.

tre mam non cong lung hoc them ngoai khoa
Một buổi học múa ba-lê giữa cô giáo cùng các bé.

“Không sợ thiếu tiền, chỉ sợ thiếu… thời gian!”

Đó là chia sẻ của một bà mẹ đang ngồi đợi con tại một trường ngoại khóa Q.3 khi được hỏi về việc đầu tư cho con học. “Môn nào cũng muốn cho con học, không sợ thiếu tiền chỉ sợ không đủ thời gian cho bé!”, chị nói.

Cũng theo chị, con gái chị chỉ trống hai ngày cuối tuần nhưng chị vẫn quyết định cho con tham gia lớp học giúp con tự tin: “Mình đóng hơn hai mươi triệu cho khóa học này vì thực sự con mình nhát nên hy vọng cháu được cải thiện hơn. Lịch các môn khác cũng kín nên đành cho con đi vào cuối tuần”.

Ghé các trung tâm Anh ngữ vào buổi tối luôn có rất đông phụ huynh đưa con đến học, trong đó có nhiều bé độ tuổi mầm non. Các trung tâm dạy Toán thông minh cũng được nhiều người lựa chọn. Ngoài Toán và Anh văn, các môn ngoại khóa khác như: đàn, múa, hát, vẽ, bơi,… cũng “góp phần” làm dày thêm lịch học cho các bé.

Nhiều cha mẹ cho biết trẻ độ tuổi mầm non hiếu động và tiếp thu nhanh nên cần tranh thủ “giai đoạn vàng” này đầu tư cho bé.

Chuyện “chạy show” đưa đón con đi học đã mặc nhiên trở nên phổ biến ở thành phố này. Trẻ có “thâm niên” học thêm ngoại khóa ngay từ 3, 4 tuổi. Từ gia đình có điều kiện cho đến những gia đình trung lưu cũng đều tập trung điều kiện tốt nhất cho con mình. Nói về việc cho con học kín lịch, không ít cha mẹ lý luận: “bây giờ các khóa học cho bé chủ yếu là chơi, không học nhiều nên thực ra rất nhẹ nhàng. Bé đi học chứ cũng là đi chơi!”. Tuy nhiên, thực sự các bé có cảm thấy nhẹ nhàng như cha mẹ vẫn nghĩ?

Một phụ huynh có con 4 tuổi chia sẻ chị đã vừa phải hủy kế hoạch cho con học anh văn tại một trung tâm Anh ngữ vì bác sĩ phát hiện mắt bé đang cận và loạn. “Mặc dù rất thích các chương trình ngoại khóa hiện giờ và cũng đắn đo cho con đi tìm hiểu vài nơi nhưng chị quyết định dừng lại.

“Các nơi dạy tiếng Anh đều cho bé tương tác trên màn hình chiếu, ipad và mình không muốn con lại tiếp tục sử dụng nhiều nữa, nhất là trong giai đoạn theo dõi hiện giờ. Mình nghĩ phụ huynh cũng nên cân nhắc điều này”, chị nói.

Nói về chuyện phụ huynh đầu tư cho con học sớm, các chuyên gia cũng từng chia sẻ rất nhiều. Trong một hội thảo, T.S Xã hội học Phạm Thị Thúy cho biết: “Nhiều cha mẹ ngày nay rất chú ý đầu tư cho con về việc học nhưng lại đầu tư không đúng cách. Có người trang bị cho con đủ mọi thứ nhưng thiếu động viên con, chỉ biết nhắc con học, hỏi con mấy điểm…”. Một chuyên gia khác cũng chia sẻ: “cha mẹ nào cũng mong mang lại hạnh phúc cho con, thế nhưng thế nào là hạnh phúc? Trẻ hạnh phúc khi được học tập, vui chơi mà không hề bị gây áp lực”.

chọn
Hình ảnh cầu Tam Tòa nối Nam Định - Ninh Bình sau 7 tháng thi công
Cầu Tam Tòa vượt sông Đáy trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình sau 7 tháng thi công đã dần thành hình.