Trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam chậm nhất ngày 20/10

Về tiến độ trình dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Hội đồng thẩm định Nhà nước hoàn thành thẩm định trước ngày 18/10/2024;  chậm nhất ngày 20/10 tới phải có Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội, trước ngày khai mạc kỳ họp Thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam chậm nhất ngày 20/10 tới. (Đồ họa minh họ: Kinh tế Đô thị).

Thông tin từ Báo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ vừa qua đã có văn bản thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.

Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến với vận tốc thiết kế 350 km/h, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Đây là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển nên cần các Bộ, ngành hành động quyết liệt để triển khai thực hiện.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ, trong đó nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ, ngành, Thường trực Chính phủ và ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước. Đối với những nội dung không tiếp thu phải giải trình đầy đủ để thuyết phục được Hội đồng thẩm định Nhà nước, các cấp có thẩm quyền thông qua. 

Thường trực Chính phủ lưu ý về chủ trương phương án thiết kế kỹ thuật: Yêu cầu phải bám sát chủ trương đầu tư toàn tuyến với tốc độ thiết kế 350km/h đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua để tính toán, thiết kế phương án kĩ thuật phù hợp, khả thi, hiệu quả.

Cụ thể, về hướng tuyến phải nghiên cứu thẳng nhất có thể nhằm giảm chi phí, bảo đảm tốc độ khai thác, tạo ra không gian phát triển mới, tiết kiệm chi phí; tránh các khu dân cư, đô thị lớn nhưng phải có phương án kết nối phù hợp; thuận tiện để kết nối ngắn nhất đến sân bay, cảng biển lớn; bảo đảm thuận tiện liên kết hành lang Đông - Tây và kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Đối với các ga phải tính toán, xác định diện tích đủ lớn phù hợp, bảo đảm tầm nhìn chiến lược lâu dài để phát triển đầy đủ dịch vụ, hiện đại, khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực đất đai và không gian phát triển mới.

Về công năng, Bộ Chính trị đã thống nhất về công năng vận tải hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng - an ninh. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng trong quá trình thiết kế bước tiếp theo bảo đảm yêu cầu quốc phòng - an ninh.

Đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu thực hiện nâng cấp để vận chuyển hàng hóa, du lịch và hành khách cự ly phù hợp.

Về sơ bộ tổng mức đầu tư, Thường trực Chính phủ yêu cầu phải rà soát kỹ lưỡng suất đầu tư phù hợp nhất với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất nước và các yếu tố đặc thù của công trình để tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư chính xác nhất có thể.

Về đánh giá tác động và đánh giá hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT cần phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, đánh giá các chỉ số kinh tế vĩ mô (nợ công, nợ nước ngoài…); việc đánh giá hiệu quả kinh tế dự án cần đánh giá tổng thể, toàn diện.

Về vật liệu xây dựng, cần phải có cơ chế đặc thù về khai thác đất, vật liệu xây dựng thông thường và phân cấp, phần quyền tối đa cho địa phương xử lý việc cấp phép, đánh giá tác động môi trường.

Về giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và chuyển mục đích sử dụng đất lúa: cần rà soát để phân cấp cho địa phương có cơ chế chủ động triển khai thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa trong trường hợp có điều chỉnh phạm vi, diện tích do thay đổi, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí các công trình của dự án.

Về tiến độ trình, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương thu ý kiến, hoàn thiện Hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước trước ngày 10/10/2024. Bộ GTVT cần phối hợp với Hội đồng thẩm định Nhà nước, kịp thời tiếp thu, giải trình ý kiến.

Hội đồng thẩm định Nhà nước hoàn thành thẩm định trước ngày 18/10/2024; Yêu cầu chậm nhất ngày 20/10 tới phải có Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội, trước ngày khai mạc kỳ họp Thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Về đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng), yêu cầu cầu Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc để có thể triển khai đầu tư sớm hơn.

Trong đó, ưu tiên triển khai trước tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dự kiến khởi công trong năm 2025.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối từ Lào Cai đến ga Nam Hải Phòng, dài khoảng 380km (kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện), đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa; lộ trình đầu tư đến năm 2030 và sau năm 2030. 

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, kết quả nghiên cứu mới nhất của liên danh tư vấn TEDI - TRICC - TEDI SOUTH đã rút ngắn chiều dài tuyến khoảng 4 km so với phương án trình năm 2019 với chiều dài tuyến chính sau rà soát khoảng 1.541 km.

Tuyến đường sắt tốc độ cao bố trí 23 ga hành khách. Theo Bộ Giao thông Vận tải, phương án bố trí ga này tương đồng với tuyến đường sắt Bắc Kinh - Thượng Hải, chiều dài 1.318 km, tốc độ thiết kế 380 km/h, bố trí 24 ga.

Dự án sẽ có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi thuộc huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, trong đó có xem xét phương án tổ chức khai thác chạy tàu để đường sắt tốc độ cao có thể chạy tàu tới ga Hà Nội.

Điểm cuối đối với tàu khách là ga Thủ Thiêm thuộc phường An Phú, TP Thủ Đức, TP HCM; đối với tàu hàng điểm cuối là ga Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

chọn
Một đại gia bất động sản Vũng Tàu kiến nghị gỡ vướng quy hoạch, định giá đất tại 4 dự án
Công ty Lan Anh vừa gửi kiến nghị đến Bà Rịa - Vũng Tàu để gỡ vướng cho loạt dự án Lan Anh 7B, Lan Anh 9, Lan Anh 11 và Lan Anh 12.