Trung Quốc khó hoàn thành cam kết thương mại với Mỹ khi còn trăm tỉ USD hàng hóa phải mua

Đến nay Trung Quốc vẫn còn cách rất xa mục tiêu đề ra. Cuối tuần này, Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ đánh giá lại tiến độ thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một sau khoảng 6 tháng thỏa thuận chính thức có hiệu lực.

Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra vào năm 2018, khiến Washington và Bắc Kinh áp thuế quan lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa của nhau. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một kí kết hồi tháng 1 năm nay đã tạm dừng cuộc thương chiến gây nhiều tổn thất này.

Trong nhiều khía cạnh, thỏa thuận giai đoạn một đặt mục tiêu giải quyết các lo ngại của Mỹ về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ cưỡng ép của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trọng tâm của thỏa thuận là việc Trung Quốc cam kết mua thêm ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm 2020 và 2021 so với mức của năm 2017.

Ngay cả trước khi hai bên kí kết thỏa thuận, một số chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc hứa mua thêm ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ là không thực tế. Cam kết của Bắc Kinh càng khó thực hiện hơn khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một, trong năm 2020 Trung Quốc phải mua thêm 63,9 tỉ USD các sản phẩm chế tạo, nông nghiệp và năng lượng, bên cạnh 12,8 tỉ USD dịch vụ so với mức của năm 2017.

Sang năm 2021, Trung Quốc phải mua thêm 98,2 tỉ USD hàng hóa trong ba nhóm ngành trên và 25,1 tỉ USD dịch vụ so với mức của năm 2017.

Thỏa thuận nêu rõ, dữ liệu thương mại chính thức của Trung Quốc và Mỹ sẽ được sử dụng để xác định liệu hai mục tiêu trên đã hoàn thành hay chưa.

Dù đề cập đến cùng một chỉ tiêu nhưng số liệu thống kê về kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc thường không phản ánh giá trị hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ. Nguyên nhân là do phương pháp và tiêu chuẩn thu thập dữ liệu khác nhau ở hai nước.

Trung Quốc còn cách mục tiêu năm 2020 hơn trăm tỉ USD

Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nếu tính toán theo số liệu xuất khẩu của Washington thì Trung Quốc phải mua tổng cộng 142,7 tỉ USD hàng hóa Mỹ vào cuối năm nay, như đã đồng ý trong thỏa thuận.

Trung Quốc còn cách mục tiêu mua hàng hóa Mỹ bao xa? - Ảnh 1.

Trong khi đó, nếu sử dụng số liệu nhập khẩu của Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ phải mua đến 172,7 tỉ USD hàng hóa Mỹ trong năm 2020.

Tuy nhiên, thông tin của Viện Peterson cho thấy trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc mua chưa đến 1/4 mục tiêu đề ra trong cả năm dù tính theo dữ liệu của cả Washington và Bắc Kinh.

Viện Peterson cho biết, dữ liệu trên không bao gồm giá trị dịch vụ Mỹ mà Trung Quốc đã mua vì phần này không được nêu trong báo cáo hàng tháng.

Mỹ không dại gì tăng thuế quan với Trung Quốc

Phân tích theo từng nhóm mặt hàng, Viện Peterson cho biết Trung Quốc chưa hoàn thành mục tiêu cam kết trong tất cả các hạng mục. Dữ liệu của viện này chỉ ra rằng trong nửa đầu năm 2020, Trung Quốc mua ít hàng hóa năng lượng của Mỹ nhất.

Trung Quốc còn cách mục tiêu mua hàng hóa Mỹ bao xa? - Ảnh 2.

Dù Bắc Kinh chưa thể hoàn thành cam kết của họ, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump - ông Larry Kudlow hôm 11/8 cho biết thỏa thuận thương mại đang "rất ổn" và Trung Quốc đang mua "rất nhiều" hàng hóa Mỹ.

Cố vấn Kudlow cũng phủ nhận khả năng thỏa thuận thương mại giai đoạn một sẽ bị hủy bỏ vì mối bất hòa ngày càng lớn giữa Washington và Bắc Kinh.

Theo CNBC, các nhà quan sát khác thì nhận định, Mỹ hiện không muốn khơi lại cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc vì nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bầm dập vì đại dịch Covid-19.

Trung Quốc còn cách mục tiêu mua hàng hóa Mỹ bao xa? - Ảnh 3.

"Chúng tôi cho rằng hai bên nhiều khả năng sẽ tự kiềm chế, không leo thang căng thẳng trên mặt trận thương mại", ông Kelvin Tay - giám đốc cấp cao của UBS Global Wealth Management, cho hay.

"Đừng quên rằng nếu tăng thuế quan từ mức hiện tại, ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ có thể còn tồi tệ hơn so với tác động đến kinh tế Trung Quốc, vì nền kinh tế của đất nước tỉ dân thực chất đã phục hồi tốt trong quí II năm nay", ông Tay lập luận.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.