Bình minh của thời đại Internet bắt đầu từ năm 2001. Khi đó, Mỹ là siêu cường đứng đầu thế giới về dữ liệu, trong khi Trung Quốc còn cách xa vài bậc. Các quốc gia châu Âu và Nhật Bản cũng nắm giữ các vị trí cao trong bảng xếp hạng, còn Việt Nam thậm chí không lọt vào top 10.
Song, thứ hạng hiện nay đã thay đổi ngoạn mục. Ấn Độ, Singapore và Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, trong khi Nhật Bản rơi xuống cuối bảng. Đặc biệt, vị thế của hai kình địch Mỹ và Trung Quốc đã hoán đổi. Trung Quốc ngày nay là siêu cường dữ liệu mới của thế giới, đẩy Mỹ xuống vị trí thứ hai.
Đà tăng trưởng năng lực truyền tải dữ liệu của Trung Quốc và Mỹ chênh lệch rất lớn. Trong giai đoạn 2001 - 2019, lưu lượng dữ liệu xuyên biên giới của Trung Quốc tăng 7.500 lần, trong khi mức tăng của Mỹ chỉ là 219 lần. Trung Quốc liên tục bám sát Mỹ và chính thức vượt Mỹ vào năm 2014.
Tham vọng trở thành trung tâm toàn cầu về phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và công nghệ của Trung Quốc không còn xa lạ gì. Trong chiến lược "lưu thông kép" dự kiến áp dụng cho kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ 14, nâng cao năng lực công nghệ là một mục tiêu quan trọng của Bắc Kinh.
Ngoài ra, chính quyền ông Tập Cận Bình còn đặt mục tiêu vào năm 2035, Trung Quốc sẽ thống trị lĩnh vực AI và chuỗi giá trị mạng 5G sẽ đóng góp 3.600 tỉ USD vào GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Năm 2019, lĩnh vực "big data" (dữ liệu lớn) của Trung Quốc được dự đoán là tăng trưởng 30%, tạo ra hơn 106,3 tỉ USD trong một năm. Theo South China Morning Post, các gã khổng lồ công nghệ tại đất nước tỉ dân như Tencent, Alibaba, JD.com và Baidu đều đã và đang nâng cao năng lực dữ liệu.
Ví dụ, chiến lược marketing của JD.com đang phụ thuộc một phần vào kho dữ liệu khổng lồ để điều hướng hành vi của người tiêu dùng trực tuyến. Baidu cũng đang sử dụng "big data" để hỗ trợ các sáng kiến công nghệ cao như sản xuất hàng loạt xe hơi tự lái,...
Trung Quốc cũng là nước đi đầu về triển khai mạng 5G với nhân tố quan trọng là Huawei Technologies, một trong các tập đoàn thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Với nỗ lực như thế, không khó để Trung Quốc vượt qua Mỹ ở lĩnh vực dữ liệu.
Ở diễn biến khác, lưu lượng dữ liệu xuyên biên giới ở các nước mới nổi cũng tăng trưởng vượt bậc. Theo lời Nikkei, các quốc gia này đã "đi tắt đón đầu" các công nghệ mới nhất, chẳng hạn như thanh toán di động và viễn thông tốc độ cao.
Năm 2019, lượng dữ liệu xuyên biên giới Nhật Bản cao gấp 225 lần năm 2001. Từ hạng 5, Nhật Bản đã bị Singapore và Việt Nam đẩy ra khỏi top 10 của năm 2019. Đáng chú ý, lưu lượng dữ liệu xuyên biên giới của Việt Nam tăng đến 230.000 lần, đứng đầu trong phân tích của Nikkei.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước trình lên Quốc hội, tính đến cuối tháng 8/2020, Việt Nam có 75 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến và 45 tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán di động.
Cũng tính đến tháng 8/2020, số lượng và giá trị thanh toán qua mạng tại Việt Nam lần lượt là 282,4 triệu giao dịch và 17,4 triệu tỉ đồng, tăng 263% và 353% so với cùng kì năm 2016. Đáng chú ý, số lượng thanh toán di động đạt 682,3 triệu với tổng giá trị gần 7,2 triệu tỉ đồng, tăng trưởng đột biến 981% và 794% so với cùng kì năm 2016.
Đối với triển khai mạng viễn thông tốc độ cao, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chỉ đạo tốc độ tải dữ liệu trung bình hướng xuống của mạng 5G tại Việt Nam phải đạt tối thiểu 100 Mbps và hướng lên phải đạt từ 50 Mbps.
Theo Báo Chính phủ, Viettel đã bắt đầu thử nghiệm thương mại mạng 5G vào tháng 10 năm nay. Hai nhà mạng khác là MobiFone và VinaPhone cũng sẽ công bố lộ trình thương mại hóa 5G vào năm 2021.
Trả lời tại phiên chất vấn sáng ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Việt Nam làm 5G không chậm so với các nước khác và nước ta sẽ triển khai dịch vụ rộng rãi vào năm sau.
Biến động trong cơ cấu phân phối dữ liệu toàn cầu không chỉ giới hạn ở lưu lượng dữ liệu ở từng nước mà còn liên quan đến cơ cấu quyền lực ba cực gồm Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
Trong quá khứ, Mỹ từng trao đổi 40% dữ liệu xuyên biên giới với Anh, Đức và Pháp cũng như áp đảo các quốc gia khác về năng lực xử lí thông tin.
Song, Mỹ hiện đã rơi xuống vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng của Nikkei và chủ yếu chia sẻ dữ liệu với Brazil và các quốc gia châu Mỹ. Khó có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu đã sụt giảm đáng kể.
Trong khi đó, Trung Quốc, siêu cường dữ liệu mới, đã mở rộng phạm vi trao đổi thông tin sang Đông Nam Á, đảo chiều ngoạn mục so với năm 2001 khi mà Trung Quốc chủ yếu chia sẻ dữ liệu với Mỹ và Nhật Bản.
Khi ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển đến Đông Nam Á, luồng dữ liệu đến và đi từ Singapore và Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng.
Trong cùng giai đoạn, luồng dữ liệu từ Nga và Ấn Độ chủ yếu đổ về châu Âu. Về phần mình, lục địa già đang muốn tăng cường mối quan hệ với các nước mới nổi trong lĩnh vực dữ liệu như Nga và Ấn Độ để củng cố cơ cấu quyền lực ba cực.
Đáng chú ý, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu lại đang bị khóa chặt trong một cuộc cạnh tranh dữ liệu khốc liệt và Tổng thống Donald Trump là một nhân tố quan trọng.
Quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng hơn dưới thời chính quyền ông Trump. Dưới sự chỉ đạo của ông Trump, Washington đã tìm cách loại bỏ các công ty Trung Quốc như Huawei Technologies, ZTE,... khỏi lĩnh vực thông tin, viễn thông và dịch vụ đám mây của Mỹ. Gần đây, Mỹ còn gây áp lực lên các ứng dụng đình đám của Trung Quốc như TikTok, WeChat,...
Từ lâu, Trung Quốc cũng không cho phép các ông lớn công nghệ Mỹ như Google, Facebook, Twitter,... hoạt động tại thị trường tỉ dân. Với các tiêu chuẩn toàn cầu về quản trị dữ liệu mà Bắc Kinh công bố trong năm nay, Trung Quốc hiện đã sẵn sàng thay thế Mỹ để trở thành "ông vua" của nền kinh tế dữ liệu toàn cầu.
Dưới thời ông Trump, quan hệ giữa Mỹ và châu Âu cũng rạn nứt không kém. Năm nay, Tòa án Công lí của Liên minh châu Âu phán quyết rằng các qui tắc bảo vệ dữ liệu của Mỹ là không đầy đủ và yêu cầu gửi dữ liệu cá nhân từ châu Âu về Mỹ là "không hợp lệ". Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết ông "cực kì thất vọng" với phán quyết trên.
Nếu mạng Internet toàn cầu bị phân mảnh như hiện nay, thế giới sẽ mất dần kết nối. Liệu các nước có thể bỏ qua xung đột và xây dựng lại mạng lưới dữ liệu tự do hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhân tố con người trong tương lai.
Phương pháp phân tích
Nikkei lấy số liệu về lưu lượng dữ liệu ra vào từng quốc gia từ Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), một cơ quan chuyên trách của Liên Hợp Quốc, và công ty phân tích dữ liệu TeleGeography (Mỹ).
Các nước có lưu lượng dữ liệu lớn nhất tính đến năm 2016 trong thống kê của ITU đã được Nikkei lựa chọn để tiến hành phân tích.
Trong trường hợp dữ liệu của ITU chưa đầy đủ (ví dụ như số liệu năm 2019 của 6 nước, bao gồm Mỹ, chưa được công bố), Nikkei ước tính tốc độ tăng trưởng dữ liệu xuyên biên giới của mỗi nước dựa trên dữ liệu cũ từ một nghiên cứu khác của ITU.