Nhiều trường không có thí sinh nhập học
Thống kê từ Bộ GD&ĐT cho biết, tính tới 18h ngày 7/8 (thời hạn cuối thí sinh nộp Giấy chứng nhận kết qủa thi THPT xác nhận nhập học), trong số hơn 363.600 thí sinh trúng tuyển đợt 1, có gần 235.500 thí sinh xác nhận nhập học - đạt tỷ lệ 64%.
Kết quả thống kê của 322 trường ĐH và CĐ sư phạm cho thấy có 49 trường có tỉ lệ nhập học/trúng tuyển đạt từ 80% trở lên; 35 trường đạt tỉ lệ từ 70,86% đến dưới 80%; 31 trường có tỉ lệ từ 60,79% đến dưới 70%; 55 trường có tỉ lệ từ 30,30% đến dưới 60%...
Những trường có tỉ lệ thí sinh nhập học cao |
Đặc biệt, kết quả thống kê cho thấy nhiều trường có tỉ lệ thí sinh nhập học chỉ vài phần trăm, thậm chí 0%.
Mặc dù còn một số thí sinh nộp hồ sơ qua bưu điện nhưng theo đại diện của nhiều trường số lượng này cũng không đáng kể vì nhiều ngày qua, số hồ sơ nộp qua bưu điện cũng không nhiều. Với tình hình trên, nhiều trường ĐH, kể cả các trường ĐH công lập cũng sẽ phải tuyển bổ sung.
Nhiều trường thậm chí không có thí sinh nhập học |
Thí sinh đi về đâu?
Tỉ lệ thí sinh nhập học thấp thực chất đã nằm trong dự đoán của nhiều trường ĐH, CĐ. Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng – Trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viêntrường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM cho biết: “Tỉ lệ thí sinh nhập học ở các trường top đầu thường sẽ cao vì đây là lựa chọn ưu tiên của nhiều thí sinh.
Tuy nhiên với các trường top giữa, các em sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Tôi ví dụ thí sinh sẽ cân nhắc giữa trường ĐH công lập top giữa với trường ĐH ngoài công lập có uy tín và trường CĐ top đầu.
Giữa ba trường này, thấy rõ một số trường ĐH công lập top giữa đang có xu hướng tự chủ tài chính, do đó học phí thường sẽ tăng cao, trong khi một số trường ĐH ngoài công lập nếu học thí sinh sẽ có nhiều ưu đãi và môi trường học tiên tiến hơn, chưa kể một số trường CĐ top đầu cũng sẽ là lựa chọn của nhiều em vì mức học phí thấp cũng như số năm học ngắn hơn, nhanh ra trường kiếm việc làm hơn. Đó là lý do nhiều trường top giữa, thậm chí top đầu bị hao hụt phần nào thí sinh nhập học, buộc phải tuyển bổ sung”.
Thí sinh đến làm thủ tục nhập học tại trường ĐH KHTN - ĐHQG TP.HCM. |
Một thực tế đáng buồn khác là sự mơ hồ trong công tác tư vấn tuyển sinh, nhiều thí sinh thậm chí thấy tên trong danh sách trúng tuyển nhưng lại không gửi phiếu điểm về trường hay đến làm thủ tục xác nhận nhập học mà vẫn ngồi nhà đinh ninh mình đã là tân sinh viên của trường.
Tiến sĩ Đỗ Văn Xê - Hiệu trường trường ĐH Cần Thơ chia sẻ: “Đến thời điểm làm thủ tục nhập học mà vẫn còn rất nhiều em hỏi tôi về thủ tục rồi có cần nộp giấy chứng nhận kết quả thi về trường không thì tôi cũng chịu.
Rõ ràng công tác tư vấn tuyển sinh ở các trường không thực sự hiểu quả hoặc do bản thân các em không chịu tìm hiểu kỹ, dẫn đến việc thấy tên trong danh sách trúng tuyển cứ nghĩ mình đã đậu ĐH mà không đến trường làm thủ tục xác nhận nhập học hoặc gửi hồ sơ xác nhận nhập học qua bưu điện. Đây cũng là một phần lý do khiến nhiều trường không có thí sinh đến nhập học mà vẫn không hiểu vì sao”.