Thông tin Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) đang xem xét IPO VinFast tại Mỹ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Nguồn tin của Bloomberg cũng cho biết rằng đợt IPO lần này có thể lên tới 2 tỷ USD. Mức định giá VinFast sau khi niêm yết ít nhất là 50 tỷ USD. Giá trị thương vụ này phá vỡ kỷ lục khi Vingroup thực hiện IPO Vinhomes vào năm 2018.
Trước thông tin này, Vingroup cho biết công ty thường xuyên xem xét các lựa chọn để huy động vốn và đầu tư cho VinFast. Các hình thức huy động vốn như đầu tư vốn trực tiếp vào công ty, phát hành cổ phiếu mới, sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC), hoặc các giao dịch khác. Tập đoàn cho rằng việc triển khai các giao dịch huy động vốn còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường và nhu cầu vốn thực tế của công ty.
Có lẽ rằng việc đưa VinFast lên sàn chứng khoán sẽ giúp nhà đầu tư hình dung đến một Vingroup đa ngành thay vì cái bóng của "người khổng lồ" trong ngành bất động sản (VIC, VRE, VHM, VEF).
Qua quan sát cho thấy, việc bổ sung hoạt động sản xuất đã đưa nguồn doanh thu của Vingroup trở nên đa dạng hơn. Hai năm trở lại đây, hoạt động sản xuất nâng dần cả về quy mô và tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu Vingroup, đóng góp chính từ VinSmart và VinFast.
Cụ thể, doanh thu thuần của từ hoạt động sản xuất của Vingroup năm 2020 là 17.415 tỷ đồng, chiếm 15,8% cơ cấu doanh thu của tập đoàn (không bao gồm bán lẻ). So với năm 2019, tỷ trọng này tăng gần 6,7 điểm %.
Chỉ sau một thời gian ngắn gia nhập thị trường, VinSmart lọt vào Top3 thương hiệu bán chạy nhất tại Việt Nam. Trong năm 2020, 1,95 triệu điện thoại thông minh VinSmart được bán ra ngoài thị trường và 1,3 triệu cái được xuất khẩu sang Mỹ theo dạng hợp đồng ODM/EMS.
Với VinFast, hai dòng sản phẩm chủ đạo là ô tô và xe máy điện. Năm 2020, dòng xe của hãng này đứng thứ nhất về phân khúc xe hạng A (các dòng xe mini, xe gia đình cỡ nhỏ - VinFast Fadil) và hạng E (xe hạng sang - VinFast Lux A2.0).
Tổng lượng xe VinFast bán ra trong năm qua là 31.500 chiếc. Trong ba tháng đầu năm 2021, VinFast đã bàn giao 6.849 xe, trong đó gồm 4.148 xe Fadil, 1.458 xe Lux A2.0 và 1.243 xe Lux SA2.0.
Mới đây nhất, nhà sản xuất ô tô này tiếp tục ra mắt sản phẩm xe ô tô điện VF e34. Chỉ sau 12 giờ đầu tiên mở bán, hãng đã nhận được 3.692 đơn đặt hàng cho mẫu xe điện đầu tiên VF e34. Ngay sau đó, hình ảnh chiếc VinFast VF e35 và VinFast e36 xuất hiện trên các kênh truyền thông.
Về dòng sản phẩm xe máy điện, dữ liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, VinFast đang dần đầu về thị phần tại Việt Nam với 19%. Tổng số xe máy điện được VinFast bán ra năm 2020 là 45.400 chiếc.
Mặc dù phát triển mạnh, hoạt động sản xuất từ hai dòng sản phẩm chủ đạo là VinSmart và VinFast chưa đem lại lợi nhuận cho Vingroup. Không giống như mảng bất động sản, lỗ gộp từ hoạt động sản xuất của Vingroup tăng từ 5.039 tỷ đồng năm 2019 lên 7.695 tỷ đồng năm 2020.
Riêng VinFast, lỗ ròng năm 2019 là 5.702 tỷ đồng. Nửa đầu năm ngoái, mức lỗ của hãng xe Việt này là 6.591 tỷ đồng.
Trả lời Bloomberg, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng từng cho biết Vingroup sẽ phải chi hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm để bù lỗ cho mảng kinh doanh ô tô. Theo dự tính con số lỗ có thể lên tới 18.000 tỉ đồng/năm vì bán xe dưới giá thành sản xuất. Như vậy có thể thấy VinFast vẫn đang lỗ ít hơn mức dự kiến.
Trở lại câu chuyện IPO VinFast, việc một hãng sản xuất ô tô niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ khi đang thua lỗ không còn xa lại với giới đầu tư quốc tế.
Điển hình, hãng sản xuất xe ô tô NIO của Trung Quốc ghi nhận khoản lỗ ròng năm 2020 là 838,8 triệu USD, giảm 53% so với năm 2019. Công ty này liên tục lỗ kể từ khi bán xe vào năm 2018. Năm 2020, doanh số bán xe của hãng này là hơn 2,3 tỷ USD, gấp đôi 2019.
Sau khi niêm yết tại Mỹ vào tháng 9/2019, cổ phiếu NIO tăng mạnh kể từ tháng 5/2020. Tại ngày 13/4, giá cổ phiếu NIO là 38,48 USD, tương đương quy mô vốn hóa 63 tỷ USD.