TS. Cấn Văn Lực: Lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trong quý III hoặc quý IV

Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, trong những tháng gần đây một số kênh đầu tư có sự hấp dẫn hơn tiền gửi tạo áp lực tăng lãi suất huy động nhưng không nhiều. Thời gian tới, lãi suất huy động sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong một số thời điểm nhu cầu tín dụng thời vụ tăng cao như quý III hoặc quý IV.

Câu chuyện khi nào các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cắt giảm lãi suất luôn là vấn đề được giới tài chính quan tâm bởi độ ảnh hưởng lớn tới Việt Nam.

Đêm 6/6 (theo giờ Việt Nam), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giảm lãi suất tham chiếu lần đầu tiên kể từ năm 2019. Ngân hàng này thông báo giảm lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản, về 3,75% từ mức 4% được duy trì từ tháng 9/2023.

Phân tích về động thái của các ngân hàng trung ương lớn tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến” diễn ra chiều 6/6, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng năm tới tình hình kinh tế thế giới sẽ đi ngang hoặc phục hồi tốt hơn một chút tuỳ vào chính sách tiền tệ của các nước.

Fed có thể giảm lãi suất trong quý II

Xu hướng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn. (Nguồn: Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV).

Lạm phát của Mỹ đã giảm từ khoảng 9% xuống còn khoảng 3% và đi ngang chứ không xuống mức mục tiêu 2%. Vì vậy, các dự báo hiện đều cho rằng sớm nhất phải đến tháng 9 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mới hạ lãi suất và có thể cắt giảm tối đa hai lần trong năm nay vào tháng 9 và tháng 12.

Ngân hàng Trung ương của các nước châu Á cũng sẽ đi theo đà của Fed chỉ trừ Việt Nam đã cắt giảm lãi suất rất sớm. Ông dự báo lãi suất điều hành của Việt Nam sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm và kể cả năm tới vì không có lý do gì để chúng ta tiếp tục cắt giảm.

Lãi suất huy động có thể tăng nhẹ vào cuối năm

Song TS. Lực cũng nhấn mạnh lãi suất điều hành tái cấp vốn đi ngang nhưng lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trong quý III hoặc quý IV còn lãi suất cho vay thì cố gắng giữ ở mức hiện tại.

Lãi suất liên ngân hàng của Việt Nam đã tăng khá nhanh, đầu năm khoảng 0,2% lãi suất qua đêm nhưng đến nay đã tăng lên gần 5% và đã sát dần với lãi suất đồng USD qua đêm là 5,25%, qua đó giảm bớt áp lực về tỷ giá.

Tương tự, lãi suất tiền gửi cũng đã nhích lên trong thời gian qua do có một số kênh đầu tư hấp dẫn hơn tạo áp lực tăng lãi suất huy động nhưng không nhiều. Thời gian tới, lãi suất huy động sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong một số thời điểm nhu cầu tín dụng thời vụ tăng cao như quý III hoặc quý IV.

"Với lãi suất cho vay, tinh thần của Thủ tướng và NHNN là phấn đấu ổn định và giảm tiếp 1 - 2% lãi suất cho vay qua những chính sách giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này cho thấy NIM ngân hàng sẽ tiếp tục bị thu hẹp, năm ngoái đã thu hẹp 3,6% xuống 3,5% năm nay xuống còn 3% hoặc dưới 3%", ông Lực cho hay.

TS.Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thì nêu thêm một yếu tố tác động đến chính sách tiền tệ của Fed là cuộc bầu cử của Mỹ sắp tới. Ông dự báo có khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7/2024.

Cho dù việc cắt giảm lãi suất diễn ra vào tháng 7 hay tháng 9 thì USD vẫn trong xu hướng giảm giá. Khi Fed cắt giảm lãi suất, USD Index sẽ giảm xuống 100 điểm. Do đó, Việt Nam không cần thiết phải nâng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá.

“USD sẽ giảm giá ít nhất từ nay đến năm 2027 và USD Index đi quanh ngưỡng 95-105 điểm, không còn tăng cao hơn nữa. Lãi suất của Fed sẽ giảm xuống mức 2,75-3% trong vòng 3 năm nữa. Theo đó, VNĐ nên mất giá ở mức độ xấp xỉ với tốc độ lạm phát. Theo đó, mặt bằng lãi suất cần xoay quanh mức CPI cộng với biên độ khoảng 3-4%”.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: VIR).

Với kinh tế vĩ mô, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, 4 rủi ro, thách thức chính trong năm 2024 - 2025 là xung đột địa chính trị phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Đáng lưu ý, lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao.

Bên cạnh đó, đà phục hồi chậm lại ở một số nước Mỹ, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc…, kéo theo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 thấp hơn năm 2023, nhưng sẽ phục hồi dần trong năm 2025. Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu; biến đổi khí hậu bất thường.

Mặc dù đã giảm lãi suất từ sớm song kinh tế Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức trong năm nay như du lịch (nhất là quốc tế) phục hồi mạnh nhưng chi tiêu còn ít. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng tới 40% nhưng giá trị thu về từ du lịch quốc tế chỉ tăng 15%.

Sản xuất công nghiệp phục hồi từ tháng 5/2023, tuy nhiên chưa vững chắc; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn chủ yếu do vấn đề pháp lý, môi trường kinh doanh; vốn đầu tư tư nhân còn thận trọng; thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi nhưng còn chậm; Thể chế cho các lĩnh vực mới về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…. còn chậm ban hành trong khi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ còn diễn ra…, chuyên gia đánh giá.

chọn
Thủ tướng 'chốt' thời hạn cho loạt 'siêu dự án' vùng Đông Nam Bộ
Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy các dự án trọng điểm trong vùng Đông Nam Bộ như: Trung tâm tài chính quốc tế TP HCM; cảng Cần Giờ; các cao tốc Vành đai 4 TP HCM, Bình Phước - Đắk Nông, TP HCM – Mộc Bài...