TS. Đinh Thế Hiển: Khó có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp trên diện rộng

Theo TS. Đinh Thế Hiển, việc một số công ty trì hoãn trả nợ trái phiếu hoặc không trả được nợ sẽ gây ảnh hưởng đến ngân hàng và thị trường tài chính nhưng sẽ khó có nguy cơ gây khủng hoảng tài chính và vỡ nợ diện rộng của các nhà đầu tư cá nhân. Rủi ro này có thể được khoanh vùng và được các tổ chức chuyên nghiệp xử lý.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã tăng từ 4,93% GDP năm 2017 lên tới 16,6% GDP năm 2021, trong đó phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức chủ đạo, chiếm khoảng 90% tổng lượng phát hành.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, quy mô thị trường tính đến đầu quý III/2022 đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, tương ứng gần 18,3% GDP và bằng 14,2% dư nợ tín dụng. Riêng giai đoạn 2019 - 2021 là thời điểm bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cả về giá trị và số lượt phát hành. 

Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu giai đoạn 2019 - 2021 làm gia tăng áp lực đáo hạn vào năm 2022 - 2026. Theo thống kê của KBSV, năm 2023 và 2024, tổng giá trị đáo hạn trái phiếu lần lượt đạt 374.300 tỷ đồng và 381.200 tỷ đồng. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, lần lượt đạt 120.400 tỷ đồng (chiếm 32,1%) và 121.100 tỷ đồng (chiếm 32%). 

Một lượng lớn TPDN sắp đáo hạn đang làm dấy lên lo ngại về việc vỡ nợ khi có những trường hợp phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, phát hành với lãi suất cao, giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu,... Trong khi đó, nếu dự thảo Nghị định 153 được ban hành và có hiệu lực, việc phát hành trái phiếu để đảo nợ sẽ không còn dễ dàng với mọi doanh nghiệp. 

Trao đổi với người viết, Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, sau những vụ việc của thị trường TPDN thì những quy định chặt chẽ hơn của Nghị định 153 sửa đổi là cần thiết. Bởi hầu hết các vụ việc có tính chất bất thường trong TPDN nằm ở phát hành riêng lẻ mà loại hình này chiếm tới 90% tổng khối lượng phát hành.

Theo vị này, nếu Uỷ ban Chứng khoán kiên quyết trong việc giám sát các hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ và ngân hàng thương mại không để các công ty phát hành tràn lan như vậy thì mọi chuyện vẫn có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, kẽ hở này khiến thị trường TPDN xuất hiện các vụ việc như hiện nay.

Do đó, cần thiết phải có những quy định chặt chẽ hơn về phát hành TPDN riêng lẻ. Trong đó, chỉ được phát hành TPDN ở những công ty niêm yết hay các công ty cổ phần đại chúng quy mô lớn mà nhà đầu tư biết về năng lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ chứ không phải nằm ở những công ty con, công ty “vô danh”,...

 (Đồ hoạ: Hạ An). 

Sẽ không vỡ nợ trên quy mô rộng

TS. Đinh Thế Hiển nhận định, rất may là Bộ Tài chính đã “chặn” việc công ty chứng khoán và thậm chí là các ngân hàng đang tìm cách bán TPDN cho nhà đầu tư cá nhân thông qua những tư vấn không chính thức của các giao dịch viên.

Phần lớn đối tượng nắm giữ TPDN hiện nay vẫn là ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán và đầu tư chuyên nghiệp nên sắp tới giả sử có vấn đề về trì hoãn trả nợ của đơn vị phát hành thì các đơn vị này có thể thoả thuận sắp xếp với nhau.

Trên thực tế, có trường hợp doanh nghiệp phát hành TPDN cho tổ chức tín dụng để đảo nợ chứ không phải các ngân hàng bỏ tiền tươi để mua TPDN. Vì vậy, việc các công ty không trả nợ TPDN sẽ tương tự như việc doanh nghiệp nợ ngân hàng giai đoạn 2011-2012.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có tài sản thế chấp nên việc này vẫn sẽ gây ảnh hưởng đến ngân hàng và thị trường tài chính nhưng sẽ không có nguy cơ tạo khủng hoảng tài chính và vỡ nợ diện rộng của các nhà đầu tư cá nhân. Rủi ro này có thể được khoanh vùng và được các tổ chức chuyên nghiệp xử lý, chuyên gia phân tích.

Ông Hiển nói thêm, năm 2021 là một năm thuận lợi kép của công ty bất động sản, thị trường chứng khoán tăng vọt, thị trường bất động sản cũng phát triển mạnh nhưng tổng lượng phát hành cổ phiếu của các công ty bất động sản không lớn.

Điều đó cho thấy, các công ty bất động sản đang hào hứng trong việc “xây” cổ phiếu tăng giá hơn là phát hành mới. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng mua bán, lướt sóng hơn là mua cổ phiếu để tích luỹ.

Tuy nhiên, thị trường TPDN hiện đang gặp khó khăn, nhiều nhà đầu tư cũng rơi vào cảnh thua lỗ khi vay ngân hàng mua bất động sản, mua TPDN và thị trường cổ phiếu thì đang kém hấp dẫn. Do đó, các doanh nghiệp bất động sản sẽ ít có khả năng lựa chọn giai đoạn này để huy động vốn thông qua IPO vì không có giá tốt, không thu hút được nhà đầu tư.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.