Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính chứng khoán tại toạ đàm "Trách nhiệm ngân hàng trước nỗi lo an toàn tiền gửi" tổ chức mới đây.
Bà Bình đưa phóng viên xem 3 cuốn sổ gốc bà đang giữ với số tiền chưa tính lãi là 245 tỷ đồng |
Tại sao phải đợi phán quyết của toà?
Thời gian gần đây, khách VIP gửi tiền tại các ngân hàng liên tục bị các nhân viên cấu kết với nhau làm giả mạo chứng từ, chiếm đoạt tiền tỷ của khách hàng. Tuy nhiên, khi vụ việc được phát hiện thì ngân hàng không chịu trả tiền cho khách mà yêu cầu người gửi tiền phải chờ phán quyết của tòa trong khi trách nhiệm của ngân hàng là phải bồi hoàn.
Mới đây nhất là vụ mất tiền 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Bà Bình vẫn còn giữ các sổ tiết kiệm của Eximbank nhưng số tiền 245 tỷ đồng không cánh mà bay. Đại diện Eximbank cho rằng vụ mất tiền này có yếu tố lừa đảo nên phải chờ phán quyết của tòa án.
Trong khi đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã truy nã Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM (đã bỏ trốn ra nước ngoài) và khởi tố 5 nhân viên (2 tạm gia và 3 được tại ngoại) của Eximbank chi nhánh TPHCM do có vai trò đồng phạm, giúp sức cho Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động tài chính tại Mỹ, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu mất tiền do biển thủ, việc ăn cắp của các cán bộ ngân hàng hoặc vì lý do nào đó như cháy nổ, tai nạn... mà không liên quan đến khách hàng thì phải bồi thường ngay.
"Trong trường hợp khách hàng Chu Thị Bình và Eximbank, chẳng biết ngân hàng này kiện ai, kiện cán bộ nhân viên hay kiện khách hàng. Nếu ngân hàng không kiện khách hàng, khách hàng không phải can phạm thì tại sao khách hàng lại phải đợi phán quyết của toà?", ST Hiếu băn khoăn.
Ông Hiếu cho biết, ở bên Mỹ, khi xảy ra vụ như Eximbank với khách Chu Thị Bình, ngân hàng tìm cách trả tiền tức thì cho khách hàng, sau đó, sẽ tiến hành điều tra, ra toà. Nếu khách hàng liên quan thì họ lấy lại tiền khách hàng.
"Ở Mỹ làm theo thể thức bồi thường cho khách hàng rồi tính sau. Hoặc bằng cách bỏ số tiền đó vào tài khoản khách hàng rồi phong toả. Trong một vài trường hợp, xem kết quả điều tra như thế nào, nếu khách hàng không liên quan thì thôi, còn có liên quan là can phạm thì theo án lệ họ lấy tiền bỏ vào tài khoản phong toả. Tôi chưa thấy một ngân hàng nào xử theo cách của Eximbank", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Chuyên gia tài chính này cũng nhận định, trong năm vừa rồi, rất nhiều ngân hàng làm mất tiền khách hàng thì luôn trì hoãn bồi thường bằng cách đợi cái này cái kia như phán quyết của toà án.
"Đây là cách hành xử không phù hợp với thông lệ quốc tế và không hợp lý, hợp tình tại Việt Nam. Tôi rất mong các ngân hàng nên xem xét lại cách hành xử của mình khi khách hàng mất tiền", TS Hiếu nói.
Khi vụ "bốc hơi" 245 tỷ đồng xảy ra, một Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lên tiếng khuyên khách hàng phải kiểm tra tài khoản thường xuyên.
Mặc dù không ít người cảm thấy khó chịu vì cho rằng họ tin vào ngân hàng, và phân hàng cũng phải giữ chữ tín, là nơi an toàn nhất. Bắt khách hàng phải kiểm tra tài khoản là cách đẩy trách nhiệm của ngân hàng cho khách hàng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của TS Nguyễn Trí Hiếu, ông đồng ý với khuyến nghị này của NHNN là vì: "chúng ta không thể tin tưởng tuyệt đối với bên nào".
"Tôi vừa mới nói ngân hàng là chỗ gửi tiền an toàn nhất nhưng chính tôi cũng không bao giờ tin tưởng hoàn toàn vào ngân hàng, ngay cả vợ tôi tôi cũng không tin tưởng hoàn toàn chứ đừng nói ngân hàng. Thành ra ở bên Mỹ có câu: Tin tưởng là tốt nhưng kiểm tra còn tốt hơn. Hãy tiếp tục tin tưởng vào ngân hàng, vì ngoài ngân hàng ra, tôi không biết gửi tiền vào đâu an toàn hơn", TS Hiếu nói.
Không riêng vụ khách hàng Chu Thị Bình, rồi đến vụ "siêu lừa" Huyền Như... sẽ có rất nhiều người mà luật sư Trần Hải Đức cho rằng sẽ đi tù oan |
Đi tù oan vì... cả nể
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trần Hải Đức cho rằng, ở Eximbank thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ "bốc hơi" tiền của khách hàng. Điều đó cho thấy hệ thống quản trị, kiểm soát của ngân hàng này... "có vấn đề". Nếu tuân thủ đúng quy định pháp luật, tuân thủ đúng quy trình nội bộ thì không có chuyện thất thoát xảy ra.
"Giả sử khách hàng Chu Thị Bình có ký khống nhưng nếu nhân viên ngân hàng thực hiện đúng thì họ không chấp nhận giao dịch đó và làm lệnh chuyển tiền qua một tài khoản khác hoặc rút tiền mặt", luật sư Đức nói.
Cũng theo luật sư Đức, trong vụ này, rõ ràng có sự du di. Ông Lê Nguyễn Hưng hoặc lãnh đạo cao hơn cầm hồ sơ đó xuống bộ phận nghiệp vụ nói rằng ban giám đốc đã duyệt rồi, em cứ làm đúng quy trình cho anh. Vì miếng cơm manh áo, vì sức ép nào đó, hoặc sự tin cậy lãnh đạo, có những vấn đề mà biết không đúng quy trình nhưng buộc nhân viên phải làm.
Từ đó, không riêng vụ khách hàng Chu Thị Bình, rồi đến vụ "siêu lừa" Huyền Như... sẽ có rất nhiều người mà luật sư Trần Hải Đức cho rằng sẽ đi tù oan. Họ không tư lợi từ những giao dịch đó nhưng buộc phải có chữ ký mà trước khi họ ký thì cấp trên đã duyệt.
Tại sao các ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất huy động?
So với thời điểm trước Tết, hàng loạt ngân hàng cùng giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm giao động từ 0,2 điểm phần trăm ... |