Doanh nghiệp điện lần đầu 'lấn sân' đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng
Mới đây, Hội đồng quản trị CTCP Halcom Việt Nam (mã chứng khoán: HID) đã thông qua phương án bước đầu rót 320 tỷ đồng để thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng trong khuôn viên nhà máy điện gió Phương Mai 3 - Phương Mai 3 Resort.
Dự án có quy mô 45 ha, nằm trong Khu Kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Tổng số vốn mà Halcom dự kiến đầu tư vào dự án này là 4.540 tỷ đồng, góp vốn theo từng giai đoạn.
Nói về dự án này, lãnh đạo Halcom nhận định đây sẽ là bước đi đầu tiên của công ty trong lĩnh vực đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, đồng thời là một trong hai dự án trọng điểm trong năm 2022 này, bên cạnh dự án Hệ thống cấp nước Khu Kinh tế Nhơn Hội.
Halcom được thành lập từ tháng 7/2001 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Nước và Môi trường (W&E Ltd.). Trải qua nhiều lần thay đổi, đến tháng 2/2018, công ty đổi tên thành CTCP Halcom Việt Nam và giữ nguyên đến hiện tại. Trước đó, vào tháng 7/2016, công ty chính thức niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) với mã chứng khoán HID.
Halcom hiện hoạt động trong hai lĩnh vực chính là đầu tư và tư vấn xây dựng các ngành điện, nước, bất động sản, giao thông.
Công ty được biết đến là đơn vị đầu tư nhiều dự án nhà máy năng lượng tái tạo và cấp thoát nước, gồm Nhà máy Phong Điện Phương Mai 3 tại tỉnh Bình Định, dự án Điện mặt trời tại tỉnh Hậu Giang, Nhà máy Nước Nhơn Hội tại tỉnh Bình Định, Nhà máy Nước Thuận Thành tại tỉnh Bắc Ninh,...
Bên cạnh các dự án điện, nước kể trên, theo chiến lược kinh doanh trong giai đoạn 2021-2026, công ty cũng cho biết sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào các dự án giao thông và bất động sản.
Hiện trong ngành bất động sản, tên tuổi Halcom mới ghi dấu ấn trong vai trò là bên cung cấp dịch vụ tư vấn cho nhiều dự án lớn về cải tạo, nâng cấp và phát triển đô thị, giao thông, tái định cư,…
Các dự án nổi bật mà Halcom đã tham gia có thể kể đến như dự án phát triển thành phố xanh loại II – dự án thành phần Thừa Thiên Huế (thời gian thực hiện đến tháng 9/2022); dự án nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long – tiểu dự án TP Cần Thơ; dự án VUUP lập kế hoạch hành động tái định cư (RAP) và báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA) cho 4 thành phố Hải Phòng, Nam Định, Cần Thơ, TP HCM;...
Năm tài chính của Halcom bắt đầu từ ngày 1/4 và kết thúc vào ngày 31/3 năm sau. Có thể thấy, trước khi chính thức niêm yết vào tháng 7/2016, công ty có kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan và liên tục ghi nhận nhiều nguồn doanh thu mới. Giai đoạn năm tài chính 2013-2016, song song với sự đi lên doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế của Halcom cũng liên tục ghi nhận tăng trưởng.
Năm tài chính 2014, công ty bắt đầu ghi nhận thêm doanh thu từ cung cấp nước sạch và hoạt động lắp đặt. Thời điểm này, doanh thu từ hoạt động dịch vụ tư vấn vẫn chiếm hơn 90% trong cơ cấu doanh thu của Halcom.
Sang tới các năm tài chính 2015-2016, công ty ghi nhận thêm doanh thu từ hoạt động bán hàng hóa và giảm dần doanh thu hoạt động dịch vụ. Hoạt động bán hàng hóa này cũng thay thế hoạt động tư vấn, trở thành nguồn thu chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu tổng doanh thu thuần của Halcom cho đến nay.
Đang trên đà đi lên, giai đoạn năm tài chính 2017-2019 Halcom lại chứng kiến cú trượt dài khi lợi nhuận sau thuế liên tục lao dốc, thậm chí ghi nhận lỗ sau thuế vào năm 2019 mặc dù doanh thu thuần từng năm đều tăng so với giai đoạn 2013-2016 trước đó.
Năm 2017, doanh thu thuần của Halcom cao gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước, song giá vốn, chi phí tài chính tăng cao kéo lợi nhuận giảm 4 lần.
Sang năm tài chính 2018, mặc dù đã thực hiện tiết giảm giá vốn và phần chi phí này, song doanh thu thuần giảm mạnh, tiếp tục kéo lợi nhuận sau thuế giảm hơn 7 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là năm đầu tiên mà Halcom hoạt động với cái tên mới “CTCP Halcom Việt Nam”.
Năm 2019, mặc dù doanh thu thuần và biên lợi nhuận gộp của công ty đã tăng trở lại, song, khoản tăng đột biến gần 21 tỷ đồng trong chi phí quản lý doanh nghiệp khiến công ty báo lỗ sau thuế hơn 20 tỷ đồng.
Sang đến năm 2020, công ty đưa vào vận hành thành công Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 và Nhà máy Điện mặt trời Hậu Giang. Mặc dù chưa có nhiều chuyển biến về doanh thu, song, hoạt động tài chính và các hoạt động khác đã giúp kết quả kinh doanh trong giai đoạn này của Halcom bắt đầu cho thấy dấu hiệu hồi phục. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của Halcom đạt hơn 3 tỷ đồng trong năm 2020.
Có thể thấy, hoạt động kinh doanh trong mảng tư vấn xây dựng các công trình điện, giao thông và bất động sản đã không còn mang lại dòng tiền đáng kể cho doanh nghiệp.
Điều này có thể lý giải một phần cho việc Halcom chuyển hướng tập trung vào đầu tư trực tiếp các dự án bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng khi ngành du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa.
Bên cạnh đó, trong tờ trình đại hội cổ đông bất thường của doanh nghiệp vào cuối năm ngoái, Halcom thông tin có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến việc mua lại cổ phần của công ty tại các dự án điện gió, điện mặt trời.
Hiện năm tài chính 2021 (từ ngày 1/4/2021 đến ngày 31/3/2022) của Halcom vẫn chưa kết thúc. Song theo báo cáo tài chính gần nhất, lũy kế ba quý đầu năm, công ty báo lãi sau thuế 8,9 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với lãi lũy kế cả năm 2020.
Theo kế hoạch kinh doanh, năm 2021, công ty kỳ vọng tổng doanh thu đạt 340 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 21,6 tỷ đồng.
Đối với kế hoạch năm tài chính 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu 551 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng, tăng lần lượt 62% và 39% so với kế hoạch năm tài chính 2021.
Về quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp, giai đoạn năm tài chính 2017-2019, trái ngược với sự thụt lùi của lợi nhuận, quy mô tài sản của Halcom tăng mạnh, thậm chí đạt đỉnh 1.613 tỷ đồng vào cuối năm tài chính 2019, năm duy nhất công ty báo lỗ kể từ khi lên sàn và cao gấp đôi quy mô tài sản đầu năm.
Tại thời điểm cuối năm tài chính này (ngày 31/3/2020), nợ vay tài chính chiếm gần 40% tổng tài sản này với 628 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với thời điểm cuối năm tài chính 2018. Con số này vẫn tiếp tục tăng cho tới thời điểm cuối năm tài chính 2020.
Giai đoạn 2018-2020, các khoản nợ tài chính của công ty phần lớn được dùng để đầu tư vào Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 tại Bình Định trước khi chính thức vận hành thành công vào năm 2020.
Tính tới thời điểm cuối quý III/2021 của Halcom (tức ngày 31/12/2021), tổng nợ tài chính của công ty là 668 tỷ đồng, giảm 5% so với thời điểm đầu năm.
Sau khi công bố đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng với dự án mở đầu là Khu du lịch nghỉ dưỡng trong khuôn viên nhà máy điện gió Phương Mai 3, Halcom rục rịch huy động vốn từ các nguồn.
Gần đây nhất, HĐQT Halcom vừa ra nghị quyết thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Nếu thành công, doanh nghiệp sẽ huy động được 500 tỷ đồng, bổ sung vốn cho hai dự án trọng điểm hiện nay, trong đó có dự án nghỉ dưỡng Phương Mai 3.
Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng trong khuôn viên nhà máy điện gió Phương Mai 3 có tổng vốn đầu tư dự kiến 4.540 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn góp vốn. Cụ thể, giai đoạn đầu (quý II - IV/2022) Halcom sẽ góp 320 tỷ đồng; giai đoạn hai (quý IV/2022 - quý II/2024) góp 4.210 tỷ đồng; giai đoạn ba (quý II/2024 - quý II/2025) góp 10 tỷ đồng.
Thời điểm mới cổ phần hóa vào năm 2007, vốn điều lệ của Halcom là 7 tỷ đồng. Sau một số lần thay đổi, hiện vốn điều lệ của Halcom đang ở mức gần 588 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ nêu trên (dự kiến thực hiện trong quý I - II/2022), vốn điều lệ công ty sẽ được nâng lên 1.088 tỷ đồng.