Bà Lê Thị Ký - Hội trưởng Hội khuyến học thôn Phú Mẫn chụp ảnh kỷ niệm cùng GS.TSKH Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tại hội nghị sơ kết một năm triển khai đại trà các mô hình học tập trên cả nước năm 2016. |
Ngày 2/10/1996, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập. Chỉ 1 tháng sau, ngày 5/10/1996 Chi bộ thôn Phú Mẫn (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) ra “nghị quyết” thành lập Hội khuyến học của thôn.
Điều đáng nói ở đây là ngoài Hội khuyến học thôn Phú Mẫn thì các xóm trong thôn đều có Ban khuyến học, có quỹ khen thưởng với tổng số tiền duy trì thường xuyên khoảng vài chục triệu đồng, sử dụng vào mục đích tuyên dương và hỗ trợ những học sinh tiêu biểu, học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập.
Nhờ sự quan tâm, giáo dục của gia đình và địa phương, cùng với tinh thần hiếu học mà dường như tất cả con trẻ của làng này đều “nghiện” đọc sách. Sách được trân trọng như những món đồ chơi “xa xỉ”.
Ở thôn Phú Mẫn, cứ đến ngày thư viện mở cửa sẽ có từ vài chục đến cả trăm em nhỏ, đủ mọi lứa tuổi kéo nhau ùa về nhà văn hoá thôn để tìm cho mình những cuốn sách yêu thích.
Theo bà Lê Thị Ký - Chủ nhiệm Thư viện, Hội trưởng Hội khuyến học thôn Phú Mẫn, phong trào toàn dân học tập ở địa phương đã có từ lâu đời. Tinh thần hiếu học đã trở thành truyền thống của mỗi nếp nhà, dòng họ ở nơi đây. Góp phần hình thành, nuôi dưỡng tinh thần ham học chính là nhờ Tủ sách khuyến học thôn Phú Mẫn.
Một góc tủ sách khuyến học thôn Phú Mẫn. |
“Với tinh thần ham học lại được sự quan tâm ủng hộ của gia đình và địa phương, trong 20 năm qua, ngoài số lượng đông đảo học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, thôn Phú Mẫn có tới 23 học sinh đạt giải Quốc gia, hàng năm bình quân có 40 học sinh đỗ Đại học nguyện vọng 1.
Phong trào khuyến học của Phú Mẫn từ lâu trở thành điểm sáng của huyện Yên Phong, của tỉnh và toàn quốc” - ông Đỗ Văn Liễn, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Yên Phong cho biết.
Qua tìm hiểu được biết gia đình ông Nguyễn Hữu Điện, thủ thư cao tuổi nhất của tủ sách khuyến học Phú Mẫn đã “đóng góp” cho làng này 3 tiến sỹ, gồm hai người con của ông và một đứa cháu nội.
Mang trong mình tình yêu đối với sách cùng với lòng nhiệt huyết từ bao năm qua, ông Điện dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn hàng ngày đến nhà văn hoá thôn để phục vụ con em trong làng được mượn và đọc sách mỗi ngày.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hanh Huấn - Trưởng thôn Phú Mẫn, cho biết: “Tỷ lệ các em đỗ đại học trên tổng số đi thi hàng năm của thôn luôn đạt mức cao. Toàn thôn có 4.000 dân và đến nay đã có trên 110 Thạc sỹ, Tiến sỹ, Phó Giáo sư và Giáo sư”.
Tủ sách khuyến học đặc biệt và những thủ thư không lương
Có nguồn gốc từ hàng chục năm trước, trải qua nhiều biến động của đất nước nên đến năm 2016, Tủ sách khuyến học thôn Phú Mẫn mới được củng cố lại và tiếp tục mở cửa. Phong trào kêu gọi quên góp sách báo ủng hộ tủ sách nhanh chóng được triển khai. Tính tới thời điểm hiện tại, tủ sách khuyến học thôn Phú Mẫn đã có trên 6.000 đầu sách, báo, phục vụ cho con em tại nơi đây thoả đam mê đọc sách, học tập.
Tủ sách khuyến học cũng rất đa dạng về các loại sách, như sách thiếu nhi, sách khoa học, sách văn học, nghệ thuật, sách sức khoẻ... Với sự đa dạng và phong phú về những đầu sách như vậy đã giúp người dân trong thôn có thêm kênh thông tin để tiếp nhận, bồi bổ kiến thức, nâng cao trình độ.
Tủ sách khuyến học thôn Phú Mẫn thu hút rất đông các em nhỏ trong và ngoài thôn tới đọc sách (Ảnh: Thế Kha). |
Tủ sách khuyến học được ví như một thư viện mở của cuộc sống, nên không những trẻ em trong làng ra đọc mà còn hấp dẫn cả những người già và trung niên đến để đọc sách.
Ông Nguyễn Văn Thục - Chủ tịch UBND thị trấn Chờ (huyện Yên Phong) cho biết, để tủ sách hình thành và hoạt động hiệu quả phải kể đến công sức của các thủ thư “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Nếu không có đội ngũ này thì tủ sách không thể tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay.
“Một số thủ thư như ông Nguyễn Hữu Điện, ông Nguyễn Văn Viên, bà Lê Thị Ký… đã gắn bó với thư viện từ rất lâu để nuôi dưỡng tinh thần hiếu học ở địa phương cho lớp trẻ bây giờ”- ông Thục chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Viên - một thủ thư tủ sách khuyến học thôn Phú Mẫn tâm sự: “Ngoài việc vận hành thư viện chúng tôi còn phải kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để có thêm nguồn sách mới phục vụ con em. Tất cả đều làm việc không lương nhưng nhiệt huyết luôn có thừa vì chúng tôi hiểu được sự đóng góp lớn lao của con đường học vấn vào sự trưởng thành của con em cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương”.