Sau phản ánh về các hình thức kỷ luật mà giáo viên áp dụng với học sinh vi phạm nội quy tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhiều học sinh, cựu học sinh của trường và ngoài trường đã chia sẻ về áp lực khi chịu phạt trên lớp.
Những hình phạt "đáng sợ" nhưng không tác dụng...
Chị Thu Trang, tốt nghiệp phổ thông cách đây 10 năm, kể lại câu chuyện của mình: “Tôi thuộc dạng con ngoan trò giỏi suốt thời đi học, nhưng vẫn có 2 lần bị phạt. Tôi nhớ một lần bị phạt dọn nhà vệ sinh do điểm kiểm tra miệng dưới trung bình, không phải cô giáo bộ môn phạt, mà là quy định do cô chủ nhiệm đặt ra vì làm ảnh hưởng đến thành tích của lớp. Một lần bị phạt đi nhổ cổ vườn hoa vì tội không sơ vin”.
(Ảnh biếm họa: Kênh 14)
“Cả hai lần tôi đều sốc và rất xấu hổ, bởi với tôi bị phạt là cái gì đó rất kinh khủng, vì tôi nổi tiếng ngoan ngoãn, học lực thuộc nhóm đầu của lớp.
Sau này nghĩ lại, tôi thấy việc bị phạt vì điểm kém thực sự là không có tính giáo dục. Vì tôi không phải nhóm lười biếng, không chịu học bài mà đơn giản là tôi không hiểu bài và trả lời bài kiểm tra miệng không tốt. Nhưng chẳng ai quan tâm đến việc tại sao tôi không thuộc bài, hay giúp tôi hiểu bài học đó, mà chỉ quan tâm đến kết quả là điểm của tôi thấp” - chị Trang nói.
Chị Thu Phương, một cựu học sinh ở Hà Nội, chia sẻ thời phổ thông, có vài lần phải viết bản kiểm điểm, nhưng chị thấy như vậy chỉ thấy tốn thời gian mà chẳng có tác dụng gì.
"Có chăng là sợ bố mẹ biết thì đánh, nên sinh ra suy nghĩ muốn giả mạo chữ ký. Cuối cùng, viết bản kiểm điểm không khiến mình ngoan hơn mà còn hư đi" - chị Phương bình luận và cho rằng bản kiểm điểm có chăng "chỉ phù hợp với học sinh ngày xưa thôi"...
Clip: Tranh biện quyết liệt của 2 nữ sinh về nội quy của trường học đối với sử dụng mạng xã hội
Còn với học sinh ngày nay, như Dương Bình, HS lớp 11A, Trường THPT N.H.H (Quận Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng nhiều học sinh ngoan nếu bị phạt lần đầu rất sợ bố mẹ sẽ biết, và có tâm lý xấu hổ với bạn bè, nên khi phạt thường khóc lóc. Nhưng "khi "tiền sử" mất ngoan thì bị phạt thêm không vấn đề gì".
Bình kể rằng ở trường em học sinh nào vi phạm các lỗi như nói chuyện trong lớp, xả rác không đúng quy định, không làm bài tập về nhà, đánh nhau trong lớp, hỗn với giáo viên... đều bị phạt.
"Tuy nhiên, các bạn cũng biết cách lách để không bị phạt nặng như ghi sổ đầu bài hoặc gặp phụ huynh" - Bình cho biết.
Nguyễn Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 11 một trường THPT ở Hải Phòng, chưa bao giờ bị thầy cô phạt hay phải viết bản kiểm điểm, nhưng các bạn em thì có. Theo Ánh, "em thấy những hình phạt này không có tác dụng với cả những bạn có ý thức và chưa có ý thức học tập".
Ánh nhận xét: “Những bạn bị phạt thường thuộc 2 loại, một là học lực ở môn học nào đó quá kém, điểm thi thấp, hai là vi phạm nội quy như đi học muộn, nói chuyện riêng trong lớp…
Với những bạn học lực kém, em cho rằng thầy cô nên tìm cách cụ thể giúp các bạn ấy tiến bộ, chứ không phải dùng phụ huynh như một sự đe dọa để các bạn phải học. Nhiều bạn cũng rất muốn học nhưng bị hổng kiến thức từ trước, chưa có cách học hiệu quả, dẫn đến kết quả kém.
Còn với những bạn vi phạm nội quy, đôi khi các bạn muộn học 1, 2 buổi do ngủ quên hay lý do gì đó thì em nghĩ phạt cũng được, nhưng thầy cô không nên làm cho nó trở nên quá nặng nề, đánh giá đến ý thức, nhân cách của học sinh, khiến các bạn tổn thương, xấu hổ với mọi người.
Thậm chí, khi thầy cô mắng nhiếc nặng nề các bạn trước cả lớp cũng khiến các bạn bị ảnh hưởng tâm lý, từ đó lại gây tác dụng ngược tới việc học hành”...
... Hay đòn đau nhớ lâu?
Dù nhiều năm trôi qua, anh Minh (một cựu học sinh ở Nghệ An) vẫn chưa quên được hình phạt mà anh cảm thấy khủng khiếp nhất là bị thầy chủ nhiệm xé áo. Dù bây giờ, câu chuyện này với anh như một kỷ niệm của thời học trò nghịch ngợm.
"Trường tôi yêu cầu cả nam và nữ đều phải sơvin. Một số bạn nữ chống đối bằng việc may áo bo chân. Còn con trai chúng tôi dù mặc áo gì cũng phải sơvin. Tôi thấy việc này bó buộc quá nên nhiều lúc không làm, nên đôi lần bị cờ đỏ trừ điểm. Một lần tôi quên sơvin, thầy chủ nhiệm gọi lại, cầm áo tôi xé từ dưới lên trên. Tôi rất hoảng nhưng lúc đó cũng chỉ cười" - anh Minh kể.
Theo anh Minh, hiện nay nhiều giáo viên phạt học trò bằng những biện pháp như úp mặt vào tường, chép phạt, viết bản kiểm điểm là không hợp lý. Điều này chỉ làm học sinh sợ trước mắt và đôi lúc có tác dụng ngược.
"Dù phạt gì thì giáo viên cũng phải cho học sinh tâm phục khẩu phục trước đã. Khi đó, hình phạt mới có ý nghĩa" - anh Minh bình luận.
Trở lại với câu chuyện kỷ luật của Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhiều cựu sinh viên kể rằng bản thân họ từng bị phạt bởi trường rất nghiêm.
Anh Nguyễn Tùng, khóa 2006-2009, tiết lộ về những năm học cấp ba tại trường này: Năm lớp 10 "yên ổn" dù chủ nhiệm lớp là một giáo viên rất nghiêm khắc, nhưng sang lớp 11 và 12 thì từng bị phạt.
"Năm lớp 11, tôi có thái độ không đúng với cô Hoà dạy Sử. Năm lớp 12, tôi từng trốn tiết Văn đi chơi điện tử. Lúc đó, tôi phải lên văn phòng trường viết bản kiểm điểm, bị đình chỉ học một tuần. Điều khiên tôi bất ngờ là hết một tuần, trở lại học, tôi không bị trù ghét mà thậm chí còn luôn được giáo viên tạo điều kiện để gỡ lại điểm” - anh Tùng kể.
(Ảnh: Đinh Quang Tuấn)
Anh Tùng cho biết trước đây từng nghĩ việc bị kỉ luật như thế là nặng, nhưng sau này lại cảm thấy rất hối hận vì lỗi của mình.
Còn anh Nguyễn Dũng, từng học khoá 2005-2008, kể rằng lớp của anh rất nghịch. Cả lớp từng trốn học đi đá bóng, chơi trò ném bánh kem ra lớp, trốn học đi tập văn nghệ, đi học muộn... nên chuyện bị phạt là bình thường.
“Tôi thấy chuyện học sinh bị kỷ luật là một... thương hiệu của Trường THPT Lương Thế Vinh. Nhà trường áp dụng các biện pháp kỷ luật “thép” như đuổi học, gọi phụ huynh tới trường. Có giáo viên nghiêm khắc, có giáo viên không nghiêm khắc, nhưng đa phần đều dạy tốt” – anh Dũng nói.
Theo anh Dũng, dù trường rất nghiêm khắc nhưng nếu học sinh tuân thủ đúng nội quy thì mọi việc lại rất bình thường.
"Mặt khác, đây cũng trường tư thục và có điểm đầu vào rất cao, nên thực tế trường không cần học sinh lắm. Vì vậy, học sinh làm sai bị phạt hay chuyển trường là bình thường" - anh Dũng nhìn nhận.
Cựu học sinh này đưa ra quan điểm: "Học sinh hiện nay được gia đình bao bọc kỹ quá, nên khi bị phạt hay kỷ luật sẽ thấy sự việc rất lớn.
Lúc tôi còn bé, nếu phạm lỗi bố mẹ còn mang chổi ra vụt. Tôi cũng giận bố mẹ, nhưng sau này mới thấm đòn đau nhớ lâu”.
Tuy nhiên, anh Dũng cũng cho rằng "trong từng trường hợp, phụ huynh và học sinh nên thông cảm cho thầy cô, vì thầy cô cũng phải lo cơm áo gạo tiền. Còn nếu thầy cô thực lòng quan tâm, thì nên tìm hiểu nguyên nhân để đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp, tránh việc không tìm hiểu nguyên nhân mà cứ sai là phạt”.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa: "Nhiều trường học đang áp dụng biện pháp kỷ luật không mang tính giáo dục" Ngay tại trường tôi, nếu học sinh không đeo thẻ, không sơ vin, không đi dép có quai hậu và nhiều lỗi nhỏ nữa ,thì ngay lập tức sẽ bị kỷ luật. Nếu lặp lại hành vi này sẽ sẽ bị đuổi học từ một tuần đến một tháng. Trường quy định học sinh vào phòng thi không sử dụng di động nên các em bỏ vào túi quần cũng bị giáo viên tịch thu. Hay một trường hợp khác là một học sinh bỏ tiết vì không có giáo viên dạy. Thầy hiệu trưởng không tìm hiểu nguyên nhân mà ký quyết định kỷ luật một năm... Mỗi năm vì những lỗi của học trò trường đuổi rất nhiều học sinh, khiến các em ở trong vùng không dám thi vào trường, vô hình làm điểm vào trường thấp, chất lượng giáo dục giảm sút. Tôi thấy, hiện nay nhiều trường học đang áp dụng biện pháp kỷ luật hà khắc không phải mang tính chất giáo dục mà xúc phạm thân thể, nhân phẩm làm tổn hại tinh thần các em. Điều này khiến học sinh khi ra trường sẽ để lại ấn tượng không tốt về môi trường giáo dục mình. |
Biện pháp xử lý kỷ luật: Học sinh vi phạm nội quy, tùy theo lỗi nặng nhẹ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, cảnh cáo trước lớp. Trường hợp bị cảnh cáo trước lớp, học sinh phải làm bản kiểm điểm và mời cha mẹ đến trường bàn bạc biện pháp giáo dục. Nếu học sinh tiếp tục vi phạm nội quy, giáo viên chủ nhiệm sẽ mời cha mẹ học sinh đến thông báo ý định cho thôi học của trường. Nếu cha mẹ học sinh có nguyện vọng, nhà trường sẽ cho tiếp tục thử thách một thời gian. Khi nhà trường có giấy mời cha mẹ, nếu học sinh có biểu hiện gian dối hoặc trì hoãn việc chuyển giấy mời, học sinh sẽ bị đình chỉ học tập. Trường hợp học sinh không chịu sửa chữa khuyết điểm (sau khi đã thông báo cho cha mẹ, nhà trường sẽ kiên quyết cho thôi học). (Trích Nội quy học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) -------------------------------------------------------------------------------------------------- Các hành vi của học sinh bị nghiêm cấm: - Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác. - Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử. - Làm việc khác; sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học; hút thuốc, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục. - Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng. - Đánh bạc; tàng trữ, sử dụng ma tuý và hung khí trong nhà trường. - Lưu hành, sử dụng các ấn phẩm độc hại, đồi truỵ; đưa thông tin không lành mạnh lên mạng; chơi các trò chơi mang tính kích động bạo lực; tham gia các tệ nạn xã hội. (Trích Nội quy học sinh Trường THCS Giao Thiện, Giao Thủy, Nam Định) -------------------------------------------------------------------------------------------------- Đến trường học tập và tham gia các hoạt động do trường tổ chức phải đúng giờ (khi nghỉ, phải có giấy xin phép do cha, mẹ ký). Khi đến muộn, phải xin phép và chỉ vào lớp khi được giám thị hoặc thầy cô giáo giảng dạy cho phép. Mặc đồng phục theo đúng qui định của nhà trường, đi giầy hoặc dép có quai hậu. Trước khi đến lớp phải học bài, chuẩn bị bài đầy đủ, có đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập, túi đựng bài kiểm tra; Trong giờ học phải chú ý nghe giảng, có ý thức tham gia xây dựng bài học; Không nói chuyện, làm việc riêng; Chỉ phát biểu hoặc ra ngoài khi thầy, cô giáo cho phép; Không trao đổi, quay cóp trong giờ kiểm tra. Giờ ra chơi, không đi ra ngoài khu vực cổng trường. (Trích Nội quy học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội) ------------------------------------------------------------------------------------------------- Cấm học sinh nữ đi học đánh phấn, nhuộm tóc, móng tay dài, sơn móng tay, móng chân, đeo đồ trang sức quý đắc tiền. Cấm học sinh nam đi học đeo bông tai, móng tay dài, để tóc dài, nhuộm tóc, mang dây nịch bảng lớn và các kiểu tóc sai qui định. Không mang theo và sử dụng điện thoại di động, bút xóa, không đem theo nhiều tiền và hiện vật quý giá. Cấm nói tục chửi thề, đánh nhau, hút thuốc, uống rượu bia, đánh bài, đốt pháo, mang vật béng nhọn vào trường. Cấm mọi hình thức trốn học, leo rào, bỏ giờ chào cờ. Cấm không được viết, vẽ bậy lên tường, lên bàn ghế. Cấm ăn quà vặt trước hoặc xung quanh cổng trường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tụ tập ở các quán xá trên đường đi học và lúc về nhà. Cấm xem và lưu hành các loại hình văn hóa phẩm đồi trụy, mê tín dị đoan, sách nhảm nhí không lành mạnh và dụng cụ trò chơi điện tử cầm tay vào trường học. (Trích Nội quy học sinh Trường THCS Hùng Vương, TP. Huế) |