Các công cụ làm việc trực tuyến của Tencent và Alibaba đã chứng kiến lượng người dùng gia tăng đột biến trong thời gian qua, khi dịch bệnh nCoV đang bùng phát tại đất nước tỉ dân. Đáng chú, một lượng lớn người dùng mới lại là học sinh, sinh viên và các giáo viên.
Trong bối cảnh các trường học hoặc là đã đóng cửa hoàn toàn, hoặc tiếp tục kéo dài kì nghỉ Tết cho học sinh để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, thì ngành giáo dục Trung Quốc đã có một hướng đi mới trong công tác giảng dạy, đó là sử dụng công nghệ để tạo ra các lớp học trực tuyến.
Hai gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc là Tencent và Alibaba trong những năm qua đã liên tục cho ra mắt các ứng dụng văn phòng trực tuyến, như một phần trong nỗ lực gắn chặt người dùng vào hệ sinh thái của họ. Tuy nhiên, đối tượng hướng đến của những ứng dụng kiểu này thường là các nhà bán lẻ và các công ty truyền thông.
Điều này giờ đây bị thay đổi hoàn toàn, trước những tác động của dịch bệnh nCoV.
DingTalk của Alibaba đã nhanh chóng trở thành ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất trong kho ứng dụng iOS tại Trung Quốc. Tiếp sau là ứng dụng Tencent Conference và WeChat Work của Tencent. Dịch bệnh đã mang đến thị trường trị giá hàng tỉ đô la cho những ứng dụng này.
Tuần trước, DingTalk đã tung ra hàng loạt các tính năng mới phục vụ nhu cầu học trực tuyến của học sinh, sinh viên, bao gồm các hệ thống kiểm tra, thi cử và chấm điểm trực tuyến. Một lớp học online trên DingTalk cho phép hơn 300 người học tham gia cùng lúc.
Theo Alibaba, đến nay ít nhất 50 triệu học sinh từ cấp tiểu học đến trung học trên khắp Trung Quốc đã đăng kí tham gia các chương trình giảng dạy trực tuyến của DingTalk.
Trong khi đó, người phát ngôn của Tencent cho biết để đối phó với dịch bệnh, Tencent đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình giáo dục từ xa dành cho giáo viên và học sinh, giảm thiểu sự gián đoạn đối với việc học tập.
Trong một bản cập nhật gần đây, WeChat Work đã giúp các giáo viên dễ dàng phát bài giảng trực tuyến hơn trong các nhóm chat.
Ye Le, một nhà phân tích tại China Securities ở Thượng Hải, cho biết một điểm hấp dẫn chính của các ứng dụng như DingTalk, Tencent Conference và WeChat Work, là đều được cung cấp bởi các dịch vụ đám mây đáng tin cậy và miễn phí.
“Đó là lí do tại sao chúng được nhiều người sử dụng đến vậy”, ông nói. “Tuy nhiên, việc giảng dạy trực tuyến sẽ có các hoạt động đặc trưng phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ trình chiếu các slide PowerPoint đơn thuần, như trong các cuộc họp kinh doanh”.
Tuy nhiên, dường như các ứng dụng kiểu DingTalk lại không chiếm được tình cảm nhiều lắm từ giới sinh viên. Trên App Store, họ không tiếc lời để lại những đánh giá tiêu cực, đôi khi chẳng phải vì chất lượng phần mềm.
“Tôi cảm thấy khá thoải mái và vui vẻ khi kì nghỉ được kéo dài thêm. Giờ đây, nhờ những ứng dụng như này mà tôi gặp mặt các giảng viên thường xuyên hơn”, một sinh viên sử dụng DingTalk cho biết.
Việc áp dụng công nghệ và internet vào giảng dạy không phải là mới ở Trung Quốc. Giáo dục trực tuyến đã bùng nổ trong những năm gần đây, với ước tính doanh thu đạt khoảng 36 tỉ USD vào năm 2018, và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm 2022, theo iResearch.
Điều này đã tạo ra một thị trường cạnh tranh gay gắt giữa những công ty cung cấp các khoá học trực tuyến có trả phí, như New Oriental và các công ty công nghệ khởi nghiệp NetEase Youdao và VIPKid, trong việc lôi kéo sinh viên tham gia học tập, từ các lớp luyện tiếng Anh đến những lớp ôn thi.
Điều khác biệt lần này là sự cấp bách và quy mô cuộc khủng hoảng giáo dục do dịch bệnh gây ra. Và thực tế, nhiều trường học thích sử dụng các phần mềm được cung cấp miễn phí đến từ các nhà phát triển uy tín hơn.
Mới đây, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã quyết định lùi việc học tập của học sinh, sinh viên đến học kì mùa xuân, khi đại dịch nCoV được kiểm soát. Tại các thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến, các trường học bị cấm hoạt động cho đến ít nhất là ngày 17/2.
Hiện vẫn chưa có thời gian biểu chính xác cho việc đi học trở lại của hàng triệu học sinh, sinh viên tại Trung Quốc. Thời gian này được cho là khoảng thời gian vô cùng quan trọng đối với học sinh trung học cuối cấp, những người sẽ phải đối mặt với kì thi tuyển sinh vào Đại học sẽ diễn ra trong tháng 6 tới.
Bắt đầu từ tuần trước, Fannie Jiao, giáo viên tiếng Anh tại một trường trung học ở Thượng Hải, đã mở lớp dạy kèm 4 học sinh mỗi ngày qua ứng dụng Tencent Conference. Chương trình học được áp dụng như những tiết học truyền thống trên lớp.
Trường học nơi Fannie Jiao đang giảng, đã gửi thông báo tới Fannie Jiao rằng cô nên chuẩn bị tài liệu để dạy trực tuyến cho 30 học sinh khác, khi học kì mới bắt đầu. “Dạy học trực tiếp vẫn là ưu việt nhất. Nhưng chúng ta rồi cũng sẽ phải làm quen với điều này”, Fannie Jiao, 28 tuổi nói.
Nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại về những hạn chế kĩ thuật và hiệu quả của phương pháp giảng dạy phi truyền thống như vậy. Liu Yan đến từ Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc cho biết trường học nơi cô con gái 12 tuổi của cô đang theo học, đã sử dụng DingTalk để dạy học trong những tuần vừa qua.
Tuy nhiên, Liu đặt ra câu hỏi là làm sao giáo viên có thể kiểm soát được học sinh, chúng có thể làm bất cứ thứ gì chúng muốn. “Chúng có thể ngủ hoặc không chú ý. Những đứa trẻ cần được giám sát và quản thúc. Làm thế nào để biết chúng sẽ học hành tử tế?”, vị phụ huynh này băn khoăn.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020