Cha mẹ cần giải tỏa những chấn thương để giáo dục con cái

Là chuyên gia Fullbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người sáng lập tổ chức Liên Hiệp Phát triển tâm lý Học đường tại Việt Nam 2009, TS Lê Nguyên Phương cho rằng các bậc cha mẹ cần tự chuyển hóa, giải tỏa những chấn thương và nội kết của mình để giáo dục con cái thành công và hạnh phúc hơn.
cha me can giai toa nhung chan thuong de giao duc con cai
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương

Cảm ơn TS Lê Nguyên Phương đã dành thời gian trò chuyện với Báo Thanh tra.

+ Theo dõi Facebook của ông cho thấy ông đã trải qua nhiều cuộc hội thảo về giáo dục và tâm lý. Ông có thấy bất ngờ không khi Việt Nam chào đón ông và quan tâm nhiều tới lĩnh vực tâm lý như vậy? Và khi tham gia diễn thuyết, giảng về tâm lý ở Việt Nam, điều ông nhận thấy là gì ở 2 đối tượng là giáo viên và phụ huynh?

- Cám ơn bạn đã cho tôi cơ hội trò chuyện với độc giả của Báo Thanh tra. Thật ra, tôi không ngạc nhiên về sự quan tâm của quần chúng cũng như giới chuyên môn ở Việt Nam về một lãnh vực tâm lý ứng dụng như Tâm lý Học đường. Trong một thời gian dài, xã hội Việt Nam còn phải chú ý đến vấn đề cơm ăn áo mặc và còn lệ thuộc trong một tầm nhìn đơn điệu về hành vi của con người. Có nhiều vấn đề khó khăn thậm chí khủng hoảng tâm lý vẫn hiện diện đấy nhưng chúng dễ dàng bị cái đói và cái nhìn đồng phục che khuất. Khi mà hệ giá trị chỉ có trắng và đen, đúng và sai, ngoan và chưa ngoan, vì thế một bên là khen thưởng và một bên là trừng phạt, và trừng phạt thường bằng bạo lực, thì rất khó mà chúng ta thấy rằng những hành vi không bình thường của trẻ là do những nhu cầu tâm lý của chúng chưa được đáp ứng. Nay chúng ta “tỉnh táo” hơn một chút, nhân văn hơn một chút đối với chính mình và mọi người thì dĩ nhiên chúng ta phải quan tâm đến tâm lý thôi.

Trong giới hạn một vài nơi tôi đến tập huấn cho giáo viên và nói chuyện với phụ huynh, tôi cảm động với thái độ cầu học của họ. Những người tôi gặp hoang mang và ý thức là cần học hỏi thêm để có thể làm thầy cô và cha mẹ tốt hơn. Họ mong muốn cho con và trò của họ được thành công hơn, nhưng giáo viên thì biết những điều họ học trong nhà trường nơi họ được đào tạo không đủ, và đối với cha mẹ việc dạy con theo lối “gia truyền” cũng không đủ, vì thế họ phải đi tìm và đi học. Thông điệp của tôi về việc cha mẹ cần tự chuyển hóa, giải tỏa những chấn thương và nội kết của mình để giáo dục con cái của chúng ta thành công và hạnh phúc hơn đã được đón nhận rất tích cực.

+ Đầu năm thì thường người ta kiêng không nhắc lại những chuyện buồn của năm cũ. Nhưng có lẽ “ấn tượng” về những câu chuyện buồn trong giáo dục của năm qua thật khó quên. Học trò bị cô giáo cho các bạn tát 231 cái, cô giáo đánh học sinh phải nhập viện… Khi bắt gặp những câu chuyện đó, tôi rất muốn biết cảm giác của một nhà tâm lý học như thế nào? Và ông có thể chia sẻ kinh nghiệm mà ông biết từ các nước khác họ xử trí vấn đề đó như thế nào?

- Tôi đồng ý với bạn là những chuyện đó là chuyện đáng buồn và thậm chí có thể đáng phẫn nộ nữa, nhưng thú thực tôi không ngạc nhiên. Trong một xã hội mà bạo lực còn được xem phương cách để giải quyết vấn đề, trong một nền văn hóa mà con cái và học trò phải ngoan ngoãn phục tùng mẹ cha thầy cô vô điều kiện, và trong một đất nước mà luật pháp xử lý những chuyện như vậy chưa thực sự nghiêm minh thì những chuyện như vậy sẽ còn tiếp diễn. Đứng về phương diện tâm lý và đặc biệt là ngành Tâm lý Học đường, tôi nghĩ ngay đến việc giáo viên thiếu kỹ năng quản lý lớp học và giao tiếp với học sinh, đến nhà trường thiếu các chuyên viên tâm lý có kiến thức và kỹ năng xây dựng chương trình kỷ luật tích cực, và đến những chương trình kỹ năng sống trong đó học sinh biết cách tự bảo vệ mình.

Tôi không nghĩ giáo viên nào ở Hoa Kỳ lại bạo gan hành hung học sinh như vậy để đặt vấn đề họ sẽ bị xử trí như thế nào. Chắc chắn giáo viên đó sẽ bị học khu sa thải, bị phụ huynh kiện ra tòa, và trong tương lai họ sẽ rất khó xin việc ở các học khu khác. Tuy nhiên, họ cũng sẽ được công đoàn bảo vệ và có thể mướn luật sư để bảo vệ nếu họ bị vu oan, xử lý không minh bạch và công bằng.

+ Thông tư 31 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về việc triển khai phòng tâm lý học đường ở các trường phổ thong là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nó chính thức có hiệu lực từ ngày 2/2/2018 nhưng dường như chưa tới được với các trường. Vậy chúng ta phải bắt đầu như thế nào để thông tư này thưc sự giúp ích cho các em học sinh?

- Thông tư 31/2017 là một tín hiệu đáng mừng nhưng có lẽ nó chỉ là tín hiệu mà thôi. Nếu chúng ta biết rõ về tình hình ngân sách tuyển dụng trong nhà trường, vấn đề quá tải về công việc của giáo viên bị bắt kiêm nhiệm vai trò chuyên viên tham vấn, vấn đề thiếu kỹ năng và kiến thức của giáo viên về hoạt động tham vấn, và vấn đề chức năng thực sự của người chuyên viên tâm lý và tham vấn của các nước trên thế giới, thì chúng ta sẽ thấy Thông tư 31 có khá nhiều bất cập.

Và vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy các Sở giáo dục sẽ lúng túng khi phải triển khai thông tư này. Muốn làm đúng, chúng ta phải bắt đầu bằng một kế hoạch xây dựng các tiêu chí chuyên môn và đạo đức nghề, quy trình sàng lọc và can thiệp, bản mô tả chức năng và nhiệm vụ của chuyên viên, kế hoạch thay thế dần giáo viên kiêm nhiệm bằng chuyên viên tham vấn được đào tạo ở cấp thạc sỹ chính quy… Nói chung là một kế hoạch toàn diện và dài hạn.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nghĩ tới tạo điều kiện cho nhiều trường đại học trong nước xây dựng chương trình đào tạo ngành Tâm lý Học đường, tạo điều kiện đầu ra linh hoạt và đa dạng cho sinh viên tốt nghiệp, chuẩn hóa các công cụ đánh giá và can thiệp, dịch thuật và soạn thảo các tài liệu và sách giáo khoa cho ngành.

Không thể nào đưa một dịch vụ vào trong học đường chỉ đơn giản bằng một mệnh lệnh hành chính. Chúng ta cần một cái nhìn toàn diện và một tư duy mang tính hệ thống hơn để thấy được những yếu tố nào, điều kiện nào, và thời gian bao lâu chúng ta cần chuẩn bị để có một dịch vụ Tâm lý Học đường hoàn chỉnh trong nhà trường.

Chúng ta đi sau các nước khác về ngành, nghề, dịch vụ này cả nửa thế kỷ và đây là lợi thế để chúng ta có thể học hỏi và tránh những lỗi lầm các nước khác đã phạm phải, nhưng nếu lúc nào chúng ta cũng thích “đi tắt đón đầu” theo kiểu chắp vá, vừa làm vừa sửa thì tôi e rằng “họa hổ bất thành phản loại cẩu”.

+ Dạy Con Trong Hoang Mang 1, 2 là bộ sách khai trí cho nhiều phụ huynh Việt Nam. Ông có ý định viết thêm cuốn số 3 hay không? Và nếu có thì có thể hình dung về nó như thế nào?

- Quả thực cũng có nhiều ý kiến độc giả muốn tôi viết tiếp cuốn 3 trong bộ sách Dạy Con Trong Hoang Mang. Còn quá nhiều vấn đề về nuôi dạy con cái cần bàn tới. Chẳng hạn vấn đề thai giáo nhìn từ góc độ khoa học đặc biệt khoa học thần kinh, vấn đề dạy cho con một số đức tính như ý chí và nghị lực, phát triển trí thông minh cho con, phát triển các loại tư duy cho con như tư duy phản biện, chiến lược, hệ thống…

Nói tóm lại, nếu có cuốn 3 thì đó là cuốn sách hướng dẫn phụ huynh bổ sung cho mình những kỹ năng và xây dựng những đức tính cho chính mình để đồng hành cùng con sau khi đã tự chữa lành những chấn thương và nội kết của riêng mình.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn viết một cuốn sách cho tuổi teen, chia sẻ với các em những vấn đề trong cuộc sống nhìn từ cặp mắt của một nhà tâm lý để các em có thể chuẩn bị hành trang vào cuộc đời. Và cả một bộ sách cho phụ huynh để họ có thể giáo dục bổ sung cho con cái ngoài những gì chúng học ở trường, nếu họ muốn con cái của họ có những kỹ năng ngang tầm với tuổi trẻ thế giới. Quả là tham lam nhưng thời gian thì có hạn, cho nên tôi cũng để tự nhiên thôi, nhân duyên hội đủ thì chúng sẽ ra đời thôi.

+ Cảm ơn ông và xin chúc ông một mùa Xuân nhiều niềm vui!

Tiến sĩ Lãnh đạo Giáo dục chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại University of Southern California (USC).

• Trải qua 15 năm tư vấn học đường cho lứa tuổi từ mầm non đến đại học.

• Là người đầu tiên tiếp nhận giải Chuyên gia Thực hành Tâm lý Học đường Quốc tế kiệt xuất của tổ chức International School Psychology Association (ISPA) 2011.

• Là chuyên gia Fullbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển tâm lý Học đường tại Việt Nam 2009.

• Tác giả bộ sách Dạy Con Trong Hoang Mang đạt giải thưởng Sách Giáo dục 2018.

cha me can giai toa nhung chan thuong de giao duc con cai Tạo động lực cho giáo viên đặt nền móng thành công đổi mới giáo dục

Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại trước thềm xuân mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đội ngũ giáo ...

cha me can giai toa nhung chan thuong de giao duc con cai Đề thi thử THPT quốc gia 2019 môn Giáo dục công dân Sở GD&ĐT Bắc Ninh

Dưới đây là đề thi thử THPT quốc gia 2019 môn Giáo dục công dân của Sở GD&ĐT Bắc Ninh, các thí sinh và giáo ...

cha me can giai toa nhung chan thuong de giao duc con cai Đề thi thử THPT quốc gia 2019 môn Giáo dục công dân THPT chuyên Trần Phú lần 1

Dưới đây là đề thi thử THPT quốc gia 2019 môn Giáo dục công dân trường THPT chuyên Trần Phú lần 1, các thí sinh ...

cha me can giai toa nhung chan thuong de giao duc con cai Đề thi thử THPT quốc gia 2019 môn Giáo dục công dân THPT Ngô Quyền lần 1

Dưới đây là đề thi thử THPT quốc gia 2019 môn Giáo dục công dân trường THPT Ngô Quyền lần 1, các thí sinh có ...

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến quy hoạch cầu vượt sông Uông nối TP Uông Bí - TX Quảng Yên, Quảng Ninh
Một cầu vượt sông Uông dự kiến được xây dựng kết nối TP Uông Bí với - TX Quảng Yên, Quảng Ninh trên tuyến đường từ QL18 đi đường 338.