Chiều 19/4, Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tuy đã được siết chặt nhưng nhiều nơi còn lãng phí, thất thoát, tiêu cực.
Ông Hải nêu hàng loạt vấn đề như quản lý thu chi ngân sách còn hạn chế, hoặc chưa chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính; tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế chưa được khắc phục triệt để; việc mua sắm tài sản công chưa hợp lý; tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu... khiến công tác điều hành ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng.
"Năm 2016 nhiều địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh cùng với đó là việc in ấn các kỷ niệm chương, ví dụ Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng mua quà tặng dịp thành lập tỉnh, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua kỷ niệm chương 80 năm ngày truyền thống... gây lãng phí và tốn kém", ông cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải. |
Báo cáo thẩm tra chỉ rõ, việc chi ngân sách nhà nước còn biểu hiện chưa chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính, gây thất thoát, lãng phí. Năm 2016, thanh tra Bộ Tài chính thực hiện 47 cuộc thanh tra, kiến nghị xử lý hơn 16.700 tỷ đồng. Hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát hơn 750.000 tỷ đồng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước đã phát hiện gân 29.000 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, từ chối thanh toán 42 tỷ đồng; từ chối thanh toán vốn đầu tư gần 150 tỷ đồng.
Ông Hải đánh giá, việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, phương tiện của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước còn biểu hiện lãng phí.
"Theo tài liệu tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Ban Tuyên giáo Trung ương thì sau khi thực hiện các quy định mới về chế độ trang bị, sử dụng xe ôtô công, dự kiến khoảng 7.000 ôtô sẽ dôi dư; mua sắm công không thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, xác định giá gói thầu không hợp lý, dẫn đến giá mua sắm cao bất hợp lý nhất là trong lĩnh vực y tế như sự việc tại Gia Lai, Đắk Lắk, Bắc Kạn...", ông Nguyễn Đức Hải nêu.
Năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về tinh giản bộ máy cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức và tỷ lệ tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu. Các giải pháp cũng chưa được thực hiện quyết liệt và đồng bộ.
"Một số bộ, ngành, địa phương còn xảy ra tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đúng quy trình dẫn đến bức xúc trong dư luận; chi lương lớn, chiếm tỉ trọng lớn trong chi thường xuyên, chi sự nghiệp", ông Hải cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình việc quản lý tài khóa còn nhiều bất cập khi các địa phương, bộ ngành tổ chức nhiều lễ kỷ niệm, lễ hội festival tiêu tốn quá nhiều tiền, rất lãng phí.
"Dù không phải ngân sách nhà nước thì đó cũng là tiền doanh nghiệp, đều là nguồn lực quốc gia. Vì vậy trong 10 nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần nhấn mạnh điều này", bà Ngân đề nghị.
Trong chủ trương tinh giản biên chế, dù đã nhấn mạnh thực hiện nghiêm Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, báo cáo vẫn không nhấn mạnh được vấn đề đạo đức công vụ thế nào để không gây ra lãng phí thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp.
Nguyên Bộ trưởng Môi trường nói gì về đề nghị kỷ luật?
Ông Nguyễn Minh Quang nói rằng, ông nhất trí với đề nghị kỷ luật mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra, cũng như ... |